Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nga leo thang, xuống thang, rồi lại leo thang căng thẳng

Trong vài giờ ngắn ngủi, dấu hiệu hạ nhiệt nhen nhóm khi Moscow tuyên bố rút một phần quân khỏi biên giới Ukraine, rồi diễn biến khó lường khi Hạ viện Nga công nhận Donbas độc lập.

khung hoang Ukraine anh 1

24 giờ trước ngày một số hãng thông tấn phương Tây cho là thời điểm Moscow phát động chiến tranh, cuộc khủng hoảng ở Ukraine liên tiếp ghi nhận những diễn biến khó lường.

Trong khi các nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao vẫn tiếp tục, hiện chưa thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ xung đột vũ trang xảy ra nếu các bên tính toán sai lầm.

khung hoang Ukraine anh 2

Ảnh vệ tinh cho thấy vị trí quân đội Nga triển khai ở Soloti, sát biên giới Ukraine. Ảnh: Maxar.

Phương Tây hoài nghi tuyên bố rút quân của Nga

Phát biểu hôm 15/2, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bày tỏ hoài nghi trước tuyên bố của Nga rút đi một số đơn vị vũ trang khỏi biên giới nước láng giềng.

Ông Kuleba nói với các phóng viên rằng "Nga đã đưa ra nhiều tuyên bố khác nhau", bởi vậy Ukraine sẽ không nghe những gì Moscow nói mà chỉ tin những gì tận mắt chứng kiến, CNN đưa tin.

"Khi chúng tôi nhìn thấy họ rút quân, chúng tôi sẽ tin họ đang giảm căng thẳng", Ngoại trưởng Kuleba nói.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết chưa nhìn thấy dấu hiệu giảm leo thang thực tế từ phía Moscow, bất chấp tuyên bố rút quân của Bộ Quốc phòng Nga.

"Thông báo rút quân là cơ sở cho phép chúng ta lạc quan, nhưng đến nay chúng tôi chưa thấy bất cứ dấu hiệu giảm căng thẳng nào trên thực địa", ông Stoltenberg nói.

Tổng thư ký NATO nói rằng khối này chưa ghi nhận bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Nga thực sự đang rút quân khỏi Ukraine, nhưng cũng cho biết thêm sẽ tiếp tục quan sát tình hình.

"Tất cả vẫn đang trong trạng thái sẵn khiêu chiến, nhưng Nga còn thời gian bình tĩnh lại, chấm dứt chuẩn bị cho chiến tranh và bắt đầu tìm kiếm giải pháp hòa bình", ông Stoltenberg nói.

khung hoang Ukraine anh 3

Xe tăng Nga tham gia cuộc tập trận hôm 14/2. Ảnh: Reuters.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một số đơn vị thuộc quân khu phía tây và phía nam sẽ rút về căn cứ thường trực, nhưng các cuộc tập trận lớn vẫn tiếp tục diễn ra, với sự tham gia của tất cả các quân khu trên khắp nước Nga.

Trong ngày 15/2, phóng viên thực địa của Guardian cho biết ở quân khu phía tây, Nga chỉ rút đi một số đơn vị phòng không về căn cứ ở Nizhny Novgorod, gồm các vũ khí hạng nhẹ như súng phòng không ZU-23 và tên lửa Igla.

"Đây không phải là các vũ khí hạng nặng", phóng viên Andrew Roth cho biết.

Trước tuyên bố rút quân, Nga duy trì tại các khu vực xunh quanh Ukraine gần như tất cả vũ khí hiện đại nhất của nước này, như hệ thống phòng không S-400, tên lửa đạn đạo Iskander có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân, tiêm kích Su-35, các loại tàu chiến, tàu đổ bộ.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố động thái rút quân là "quá trình hoàn toàn bình thường" sau khi các cuộc tập trận kết thúc.

Trong buổi họp báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Putin xác nhận đã ra quyết định rút một bộ phận quân đội Nga khỏi khu vực biên giới Ukraine.

Tuyên bố rút quân của Nga được một số nước NATO hoan nghênh, trong đó có Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, cả ba nước khẳng định cần thời gian kiểm chứng hành động thực tế từ phía Moscow.

Nga tiếp tục khiêu khích Ukraine

Không lâu sau tuyên bố rút quân của Bộ Quốc phòng Nga, Hạ viện Nga bỏ phiếu thông qua dự luật kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin công nhận độc lập tại vùng Donbas, gồm hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Luhansk, theo Xinhua.

Donetsk và Luhansk là hai vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền hợp pháp của Ukraine. Từ năm 2014, Nga kích động và hậu thuẫn lực lượng phiến quân ly khai chiếm quyền kiểm soát hai khu vực này.

Nếu Moscow công nhận độc lập của Donbas, Thỏa thuận Minsk ký năm 2015 giữa Nga, Ukraine, Pháp và Đức - văn kiện giúp tạm chấm dứt xung đột đẫm máu khiến 15.000 người chết ở miền Đông Ukraine - sẽ đổ vỡ.

"Kyiv không tuân thủ Thỏa thuận Minsk. Người dân của chúng ta sống ở Donbas cần trợ giúp", Vyacheslav Volodin, chủ tịch Hạ viện Nga, nói về quyết định công nhận Donbas độc lập.

Dự luật hiện đã được gửi tới Điện Kremlin để Tổng thống Vladimir Putin xem xét phê chuẩn chính thức.

"Nếu quyết định công nhận được đưa ra, Nga sẽ chính thức rút khỏi Thỏa thuận Minsk, các bên ký kết còn lại sẽ phải gánh chịu hậu quả. Đây là tình huống mà tôi đã cảnh báo các đối tác", Ngoại trưởng Ukraine Kuleba nói.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg cảnh báo hậu quả nếu Nga công nhận độc lập của Donetsk và Luhansk.

khung hoang Ukraine anh 4

Phiến quân ly khai tại ngoại ô Donetsk. Ảnh: Reuters.

"Nếu làm vậy, Nga sẽ một lần nữa vi phạm trắng trợn toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, Donetsk và Luhansk là một bộ phận nằm bên trong đường biên giới của Ukraine được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đây là điều không có gì tranh cãi", ông Stoltenberg nói, theo Reuters.

Quan chức NATO nhấn mạnh việc công nhận độc lập của Donbas vi phạm Thỏa thuận Minsk, khiến mọi giải pháp chính trị cho tình hình Ukraine càng thêm khó khăn.

Giới chức EU cũng lên tiếng về động thái mới của Hạ viện Nga. Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics kêu gọi EU trừng phạt Nga nếu Moscow công nhận vùng Donbas độc lập.

"Nghị quyết của Hạ viện Nga kêu gọi công nhận Donetsk và Luhansk độc lập là hành động đáng trách, trái với luật pháp quốc tế. Nếu Nga đi xa hơn, EU phải hành động và áp đặt lệnh trừng phạt", ông Rinkevics cho biết.

Trong khi đó, ông Josep Borrell, quan chức phụ trách đối ngoại của EU, tái khẳng định cam kết và sự ủng hộ của khối đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Phát biểu trong buổi họp báo hôm 15/2, Tổng thống Putin khẳng định muốn giải quyết dứt điểm vấn đề Ukraine gia nhập NATO ngay lúc này. Nhà lãnh đạo cho biết một số quan chức phương Tây hứa Ukraine sẽ không gia nhập NATO trong tương lai gần, nhưng như vậy là không đủ đối với Moscow.

Ông Putin cho biết phản ứng của NATO với các yêu sách bảo đảm an ninh của Nga không mang tính xây dựng. Nhà lãnh đạo yêu cầu NATO lắng nghe nguyện vọng của Moscow.

"Phản ứng chúng tôi nhận được từ Mỹ và các thành viên NATO không đáp ứng những yêu cầu của Nga. Tuy nhiên, phản ứng này chứa một số đề xuất mà chúng tôi sẵn sàng thảo luận", ông Putin nói.

Nhà lãnh đạo nước Nga tuyên bố sẵn sàng tiếp tục đàm phán, "nhưng mọi vấn đề cần được xem xét đồng thời, không thể tách rời khỏi các yêu sách của Nga", bởi việc thực thi những yêu sách này được Moscow coi là ưu tiên không thể nhân nhượng.

Tổng thống Putin cho biết đang xảy ra "diệt chủng" tại Donbas. Ông chủ Điện Kremlin khẳng định phần lớn người Nga ủng hộ việc Moscow can dự vào miền Đông Ukraine.

Tổng thống Putin tuyên bố những phản ứng tiếp theo của Nga sẽ tùy thuộc vào diễn biến trên thực tế.

NATO chưa tin Nga xuống thang căng thẳng

Ukraine và các thành viên NATO cho biết cần thời gian để kiểm chứng tuyên bố rút quân của Nga, khẳng định chưa nhìn thấy dấu hiệu xuống căng thẳng thực sự.

Một cuộc chiến khác giữa phương Tây và Nga tại Ukraine

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đang leo thang trên thực địa, một cuộc chiến khác giữa phương Tây và Nga cũng ngày càng nóng hơn.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm