Máy bay chiến đấu F/A-18F Super Hornet hạ cánh xuống tàu sân bay USS George H.W. Bush sau khi không kích các mục tiêu IS ở Syria. |
Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong đợt không kích ngày 23/9 lực lượng liên quân đã triển khai hơn 40 máy bay, thả 200 quả bom và bắn 47 quả tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu IS ở Syria.
Hôm 24/9, 5 đợt không kích mới bắn phá lãnh địa của IS tại thị trấn Albu Kamal gần biên giới Iraq. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định các đợt không kích đã làm suy yếu năng lực chiến đấu của IS.
Hàng loạt cơ sở của IS như các trại huấn luyện, trung tâm chỉ huy và xe quân sự của tổ chức này ở căn cứ địa Raqqa và khu vực gần biên giới Iraq đã bị phá hủy.
Tuy nhiên, ông Kirby cho rằng IS rất giỏi thích ứng. “Không thể tiêu diệt mối đe dọa này sau vài ngày hay vài tháng. Chúng ta cần nỗ lực chung của tất cả các bên. Chúng tôi cho rằng chiến dịch này có thể kéo dài hàng năm. Đây mới chỉ là sự khởi đầu”, ông Kirby nhấn mạnh.
Phá âm mưu tấn công Mỹ
“Thế giới đồng lòng chống IS”
Theo AFP, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định chiến dịch không kích cho thấy cả thế giới đồng lòng chống IS. Thổ Nhĩ Kỳ, nước láng giềng của Syria, đã cam kết sẽ hỗ trợ Mỹ.
Bỉ và Hà Lan cũng sẽ tham gia không kích IS ở Iraq. Thủ tướng Anh David Cameron hiện đang xem xét khả năng tham gia không kích cùng Mỹ.
Ngược lại, các nhóm cực đoan toàn cầu cũng phản ứng. Phiến quân Hồi giáo ở Algeria vừa cắt đầu một con tin người Pháp để trả đũa việc Paris ủng hộ Mỹ.
Nhóm cực đoan Abu Sayyajs ở Philippines cũng dọa giết hai con tin Đức.
Khorasan có quan hệ với al-Qaeda đã giết chết 50 kẻ khủng bố nhưng cũng cướp đi sinh mạng của tám thường dân.Đài Quan sát nhân quyền Syria (SOHR) xác định ít nhất 70 tay súng IS đã thiệt mạng và 300 tên khác bị thương.
Đài Quan sát nhân quyền Syria (SOHR) xác định ít nhất 70 tay súng IS đã thiệt mạng và 300 tên khác bị thương.
Cùng lúc, các đợt tấn công giáng vào nhóm khủng bố Khorasan có quan hệ với al-Qaeda đã giết 50 kẻ khủng bố nhưng cũng cướp đi sinh mạng của 8 thường dân.
Giới chức chưa thể kiểm chứng các con số này. Một chi nhánh khác của al-Qaeda là Mặt trận Al-Nusra tiết lộ thủ lĩnh Abu Yousef al-Turki, có biệt danh là “gã người Thổ”, cũng thiệt mạng.
Theo báo New York Times, một số quan chức Nhà Trắng tin rằng cuộc không kích đã tiêu diệt Muhsin al-Fadhli, thủ lĩnh băng Khorasan, từng là tay chân thân tín của trùm khủng bố Osama Bin Laden.
Theo Tổ chức SITE Intelligence Group chuyên theo dõi các nhóm khủng bố trên mạng, trên trang Twitter lan truyền tin Al-Fadhli đã chết.
Đây là đòn phủ đầu Washington thực hiện nhằm ngăn chặn nguy cơ bị Khorasan tấn công khủng bố.
Tình báo Mỹ cho biết Khorasan đã lên kế hoạch đưa chất nổ vào tuýp kem đánh răng hay quần áo để đánh bom máy bay ở Mỹ.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder tiết lộ chính sự lo ngại về Khorasan đã khiến Washington ra lệnh cấm mang máy vi tính và điện thoại di động không chạy được lên các chuyến bay ở Mỹ.
Tướng William Mayville thuộc Lầu Năm Góc khẳng định Khorasan đang bước vào giai đoạn chuẩn bị thực hiện một cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu hoặc Mỹ. Khorasan có quan hệ chặt chẽ với nhóm Mặt trận Al-Nusra. Các thành viên của Khorasan đều là những tay súng Al-Qaeda giàu kinh nghiệm đến từ Pakistan, Afghanistan, Bắc Phi và Chechnya.
Chúng đến Syria theo lệnh của trùm al-Qaeda Ayman Al-Zawahri. Washington đã theo dõi nhóm này từ hai năm qua. Phát biểu tại Washington, Tổng thống Obama đưa lời nhắn gửi đến Khorasan khi khẳng định nước này sẽ “không bỏ qua bất kỳ hang ổ khủng bố nào”.
Hình ảnh do phía Mỹ cung cấp cho thấy một tòa nhà IS chiếm giữ ở Raqqa (Syria) bị đánh sụp sau đợt không kich ngày 23/9. Ảnh: Reuters |
Có hợp pháp hay không?
AFP cho biết mới đây Tổng thống Iran Hassan Rouhani chỉ trích chiến dịch không kích của Mỹ và liên quân “thiếu cơ sở pháp lý” do thiếu sự đồng thuận của chính phủ Syria. Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Bashar Ja’afari kêu gọi Mỹ “đừng lặp lại sai lầm và thất bại ở Iraq”.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định một cuộc không kích cần sự đồng ý của chính phủ Syria và sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an.
Trong khi đó, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power giải thích với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon rằng chiến dịch không kích vừa qua tuân thủ một nguyên tắc cơ bản của hiến chương Liên Hợp Quốc. Đó là các nước có quyền tự vệ, có thể bằng việc sử dụng vũ lực ở lãnh thổ một quốc gia khác khi “nước đó không muốn hoặc không thể giải quyết vấn đề này”.
Trước đó, tình báo Mỹ xác định IS chưa phải là mối đe dọa trực tiếp với Mỹ như Khorasan. Tuy nhiên theo bà Power, Iraq có quyền tự vệ chống lại IS trong khi chính phủ Syria không thể đối phó với mối đe dọa này.
Iraq đã đề nghị Mỹ hỗ trợ để tự vệ, do đó các cuộc không kích mang tính chất “phòng thủ tập thể” và là hợp pháp. Lập luận này dường như đã thuyết phục được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon. Ông mô tả các cuộc không kích diễn ra ở khu vực “mà Chính phủ Syria đã không còn khả năng kiểm soát”.
Theo New York Times, hai học giả Jack Goldsmith (thuộc Trường Luật Harvard) và Ryan Goodman (Trường Luật ĐH New York) đánh giá lập luận “chính phủ Syria không muốn hoặc không đủ khả năng ngăn chặn nguy cơ IS” là vấn đề gây tranh cãi.
Họ cho rằng nhiều giáo sư luật quốc tế sẽ không đồng ý với lời giải thích của Mỹ. Giáo sư luật an ninh Stephen Vladeck thuộc ĐH Washington cho biết trên thực tế “phòng thủ tập thể” còn là vấn đề mù mờ, chưa rõ ràng.
Việc “Chính phủ Syria không đủ khả năng chống IS” lại xuất phát từ việc phương Tây hỗ trợ quân nổi dậy chống Damascus. Giáo sư luật Nehal Bhuta thuộc Viện Đại học châu Âu ở Italy cũng đánh giá Mỹ thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ. Dù vậy, nhìn chung truyền thông và dư luận Mỹ ủng hộ việc không kích IS.