Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS

Một số nước Arab ủng hộ chiến dịch không kích vào Syria của Mỹ, nhưng nhiều đồng minh quen thuộc của Washington lại đứng ngoài cuộc.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (thứ hai từ phải sang) trao đổi với Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Saud al-Faisal, hôm 11/9. Ông Kerry đến Trung Đông để thuyết phục các đồng minh Arab có những hành động mạnh mẽ hơn với IS và ngăn chặn nạn khủng bố tại khu vực. Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích nhận định sự tham gia của các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni trong cuộc chiến chống những phần tử Sunni cực đoan là rất quan trọng. "Tôi thấy sự tiến triển này rất quan trọng bởi chúng ta đã thấy sự vào cuộc của khu vực. Nó cho thấy các nước Arab sẵn sàng nâng cao uy tín của họ trong các vấn đề quốc tế", Rick Francona, cựu quan chức tình báo Không quân Mỹ, nói với CNN.

Tuy nhiên, sự thiếu vắng các đồng minh và các cường quốc trong khu vực trong giai đoạn mới của cuộc chiến chống IS khiến nhiều người ngạc nhiên.

Những nước tham gia 

Arab Saudi: Là quốc gia lớn nhất và có ảnh hưởng nhất ở khu vực Vùng Vịnh, Arab Saudi từng xung đột với Mỹ, bao gồm chiến dịch Bão táp Sa mạc trong những năm 1990. Sự phát triển nhanh chóng của phiến quân IS tại Syria và Iraq đã gióng lên hồi chuông báo động đối với vương quốc dầu mỏ. Theo các quan chức Mỹ, chính phủ Saudi đã đồng ý huấn luyện các chiến binh nổi dậy ôn hòa trong lãnh thổ của họ. 

Jordan: Vương quốc Jordan hứng chịu nhiều ảnh hưởng từ khi bất ổn nổ ra ở Syria và Iraq. Họ tiếp nhận một lượng lớn người tị nạn qua biên giới của Iraq và Syria. Jordan tham gia vào cuộc không kích và đây là một phần của chiến lược "chống khủng bố và bảo vệ an ninh và biên giới của Jordan", người phát ngôn của chính phủ Mohammed Al Momani nói. Jordan cũng có nguồn tin tình báo rất mạnh trong IS. 

Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE): UAE từng đề nghị hỗ trợ Mỹ trong các cuộc tấn công chống IS. Họ đang cho phép phi đội chiến đấu của Australia bay vào lãnh thổ và cử máy bay tham gia liên minh quốc tế can thiệp vào Libya năm 2011.

Bahrain: Một đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực. Quốc đảo Bahrain là căn cứ của Hạm đội 5 Hải quân Mỹ. Thường xuyên tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu, sự hiện diện của Bahrain trong chiến dịch không kích IS không phải điều ngạc nhiên.

Qatar: Quân đội Qatar đã tiến hành nhiều chuyến bay nhân đạo để hỗ trợ các lực lượng chống IS ở Iraq. Tuy nhiên, việc tham gia vào chương trình tấn công quân sự vào Syria mới chính là sự khẳng định rõ ràng cam kết của Qatar. Quan hệ của Qatar với Saudi Arabia và UAE từng trở nên căng thẳng bởi Qatar cung cấp nơi trú ẩn cho các thành viên tổ chức Anh em Hồi giáo mà các nước khác trong khu vực lo ngại.

Những nước không tham gia

Thổ Nhĩ Kỳ: Một thành viên của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là nước chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ cuộc nội chiến Syria. Việc Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia trong chiến dịch không kích đầu tiên khiến nhiều người ngạc nhiên. Thổ Nhĩ Kỳ phải đón một lượng lớn người tị nạn từ cuộc xung đột và được coi là điểm trung chuyển quan trọng của các chiến binh nước ngoài muốn gia nhập IS và các nhóm vũ trang khác.

Đến nay, họ có lý do chính đáng để đứng ngoài hành động quân sự chống lại IS: Phiến quân đang giữ 49 công dân Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm nhiều nhà ngoại giao cao cấp cùng gia đình. Cộng đồng quốc tế đang theo dõi chặt chẽ vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch chống IS.

Các địa điểm mà Mỹ và các nước Arab tiến hành không kích để tiêu diệt lực lượng của Nhà nước Hồi giáo. Màu xanh là địa điểm quân lực Mỹ không kích, màu đỏ là toàn bộ liên minh. Đồ họa: CNN

Ai Cập: Một quốc gia lớn và có ảnh hưởng khác ở Trung Đông và nhận viện trợ quân sự lớn từ Mỹ. Không quân Ai Cập có khả năng tiến hành mọi cuộc không kích trong khu vực nếu muốn. Tuy nhiên, Cairo không sát cánh với Mỹ trong chiến dịch không kích.

Iran: Cộng hòa Hồi giáo Iran là một bên có ảnh hưởng lớn với Syria và cả Iraq vì ủng hộ chính phủ do người Shiite nắm quyền ở hai nước. Các phần tử cực đoan dòng Sunni của IS là một thách thức lớn đối với Iran tại khu vực, tuy nhiên mối quan hệ căng thẳng kéo dài với Washington khiến việc tham gia liên minh là vô cùng phức tạp. Hồi đầu tháng, Đại giáo chủ Iran, ông Ayatollah Khamenei, từ chối ý tưởng hợp tác và chỉ trích Mỹ sử dụng hành động quân sự để can thiệp vào khu vực.

Anh: Là đồng minh thân thiết của Mỹ trong những xung đột ở Trung Đông nhưng Anh không tham gia không kích IS tại Syria. Một con tin người Anh bị IS chặt đầu trong tháng này và mạng sống của một con tin khác đang lâm nguy. Giới truyền thông Anh cho biết, Thủ tướng David Cameron có thể sẽ thuyết phục quốc hội chấp thuận để London tham gia không kích chống lại IS ở Iraq. Trước đó, ông Cameron cam kết tiếp tục hỗ trợ và viện trợ cho lực lượng của người Kurd chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS).

Pháp: Quân đội Pháp tham gia vào cuộc không kích Iraq trong tuần trước. Các máy bay chiến đấu Rafael tấn công các kho hậu cần của IS. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius hôm 22/9 tuyên bố Pháp sẽ không mở rộng tấn công sang Syria. "Tổng thống Pháp không có ý định tương tự, về một cuộc không kích, vào Syria. Tuy nhiên, Paris sẽ giúp 'phe đối lập ôn hòa ở Syria'", ông Fabius khẳng định.

Mỹ - đồng minh ném bom, Syria đánh bộ chống IS

Trong một diễn biến được đánh giá mở ra một cuộc chiến phức tạp, lần đầu tiên Mỹ và các đồng minh Ả Rập tiến hành không kích các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.

Phương Hà

Bạn có thể quan tâm