Người dân ở Raqqa trước một cửa hàng bị phá hủy hôm 23/9. |
Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố thông tin trong một tuyên bố phát đi tối 22/9 (theo giờ Mỹ) nhưng nói tình hình hiện tại không cho phép họ cung cấp thêm các thông tin chi tiết.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói: “Tôi có thể xác nhận rằng quân đội Mỹ và lực lượng các nước đối tác đang tiến hành hành động quân sự chống lại những kẻ khủng bố IS ở Syria, sử dụng kết hợp máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và tên lửa Tomahawk tấn công mặt đất”.
CNN dẫn nguồn tin riêng cho hay các cuộc không kích ở Syria lần này nhằm vào khả năng chỉ huy và kiểm soát của IS cũng như khả năng tiếp tế và huấn luyện của lực lượng này.
Trước khi rời Nhà Trắng đến New York dự họp tại Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố tiếp tục chiến đấu chống các chiến binh IS và cam kết kêu gọi sự ủng hộ quốc tế nhiều hơn cho nỗ lực này. Ông Obama nói sức mạnh của liên minh, giờ đây là hơn 40 nước bao gồm cả năm nước Ả Rập tham gia không kích hôm 23/9, cho thấy Mỹ không đơn độc trong cuộc chiến chống IS.
Syria đã được thông báo
Trong số các mục tiêu mà Mỹ và đồng minh tấn công có thành phố Raqqa ở miền đông Syria - nơi được coi là đầu não của IS, một nhóm theo dõi nói ít nhất 20 mục tiêu bị đánh trúng. Ngoài ra, các cứ điểm của nhóm Nusra có liên hệ với al-Qaeda ở biên giới với Iraq cũng bị tấn công.
Giám đốc Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria Rami Abdulrahman cho biết đã có ít nhất 50 cuộc không kích, tiêu diệt ít nhất 70 chiến binh IS. Các cuộc tấn công Nusra cũng tiêu diệt 50 chiến binh của nhóm này và làm 8 thường dân thiệt mạng.
Đài truyền hình Syria cho hay Mỹ đã thông báo với đại diện nước này tại Liên Hợp Quốc hôm 22/9 (theo giờ Mỹ) rằng các mục tiêu của IS ở Raqqa, cách Damascus 400 km, sẽ bị tấn công. Bộ Ngoại giao Syria nói nhận được thư thông báo của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông qua người đồng cấp Iraq.
Trong tuyên bố phát đi trên truyền hình, Bộ Ngoại giao Syria không nêu ra phản ứng về các cuộc không kích của Mỹ nhưng nói chính phủ sẽ tiếp tục tấn công IS ở Raqqa và Deir al-Zor.
Một nhà phân tích trả lời phỏng vấn trên truyền hình quốc gia Syria nói các vụ không kích không bị coi là một sự gây hấn bởi chính quyền Damascus đã được thông báo trước.
Cũng cần nhắc lại rằng trước đó Mỹ nhấn mạnh sẽ không hợp tác với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad dưới bất kỳ hình thức nào để tiêu diệt IS. Quan điểm của Washington vẫn là muốn nhìn thấy sự ra đi của ông Assad.
Đây cũng là điều mà phe đối lập ở Syria mong muốn. Nhóm đối lập Liên minh dân tộc được phương Tây hậu thuẫn của Syria nói họ hoan nghênh các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh, cho rằng điều này sẽ củng cố sức mạnh cho họ trong việc đấu tranh chống lại Tổng thống Assad.
Giới quan sát nhận định với các cuộc không kích, Mỹ đã bước vào một cấp độ mới trong việc can dự vào cuộc chiến ở Syria. CNN dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ nói trong khi Washington nhận thức được rằng các cuộc không kích nhằm vào IS sẽ dẫn đến một sự đáp trả thì hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy đang có một cuộc tấn công khủng bố được lên kế hoạch nhằm vào Mỹ.
Vai trò các nước Ả Rập
Một quan chức Mỹ giấu tên nói Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Jordan và Bahrain đều tham gia mặc dù vai trò cụ thể của họ lần này vẫn chưa rõ. Qatar đóng vai trò hỗ trợ trong các cuộc không kích.
Giới quan sát bình luận việc tham gia của các đồng minh Ả Rập vào các cuộc không kích được coi là tối quan trọng cho uy tín của chiến dịch do Mỹ đứng đầu, đồng thời phản ánh sự quan tâm của Mỹ rằng bất cứ chiến dịch lâu dài nào cần dựa vào các nước trong khu vực. Các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông đang hoài nghi liệu Washington sẽ tham gia cuộc xung đột này bao lâu.
Nhiều nước Ả Rập có không lực mạnh, trong đó có Saudi Arabia và UAE. Trước đó, Saudi Arabia cũng đã đồng ý làm nơi để Mỹ huấn luyện quân nổi dậy đối lập ở Syria. Tuy nhiên, nhiều nước vùng Vịnh miễn cưỡng gia nhập chiến dịch của Mỹ, sợ rằng sẽ bị phiến quân IS hoặc lực lượng trung thành với chính phủ Syria trả đũa.
Chiến dịch không kích diễn ra chỉ vài giờ trước khi ông Obama đến New York dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nơi ông sẽ vận động thêm một số nước hậu thuẫn kế hoạch tiêu diệt IS của Washington.
Trong khi đó, Cao ủy người tị nạn Liên Hợp Quốc hôm 23/9 nói đang lập kế hoạch đón khoảng 400.000 người ở thị trấn Kobani (Syria) chạy tị nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ để tránh sự bành trướng của IS. Khoảng 138.000 người tị nạn Kurd ở Syria hồi tuần trước đã bắt đầu cuộc di dân vào Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện hai cửa khẩu ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mở.
Nga cảnh báo
Hôm 23/9, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố bất cứ cuộc không kích nào vào các vị trí của IS trên lãnh thổ Syria phải có sự đồng ý của Damascus, nếu không điều đó sẽ thổi bùng căng thẳng trong khu vực.
“Nỗ lực hoàn thành mục tiêu địa chính trị của một nước nào đó vi phạm chủ quyền của những nước khác trong khu vực chỉ làm gia tăng căng thẳng và làm tình hình thêm bất ổn”, tuyên bố nhấn mạnh.
Trước đó, trong một tuyên bố được phát ngay trước khi chiến dịch không kích diễn ra, Moscow cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã nói với tổng thư ký Liên Hợp Quốc rằng mọi cuộc không kích vào các căn cứ của IS bên trong lãnh thổ Syria “không nên được thực hiện mà không có sự đồng ý từ chính phủ Syria”.