Máy bay Mỹ hạ cánh trên tàu sân bay USS George H.W. Bush sau khi thực hiện không kích ở Syria. Ảnh: Reuters |
Mỹ tấn công các nhà máy lọc dầu để chặn nguồn cung cấp tài chính cho Nhà nước Hồi giáo (IS). Không quân của Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất tham gia đợt không kích. Lầu Năm Góc xác nhận đợt không kích các nhà máy lọc dầu, song không cung cấp thông tin cụ thể.
Những nhà máy lọc dầu mà Mỹ tấn công là kết cấu đúc sẵn và cơ động nên người ta có thể di chuyển và vận hành chúng rất nhanh. Một quan chức Mỹ nhận định những nhà máy lọc dầu như vậy có thể đem lại doanh thu 2 triệu USD mỗi ngày.
Trong một động thái khác nhằm vào tài chính của IS, hôm 24/9 chính phủ Mỹ công bố danh sách hơn 20 cá nhân và tổ chức thuộc diện khủng bố nước ngoài và hỗ trợ khủng bố để dễ dàng phong tỏa tài sản và chặn các giao dịch tài chính.
Bộ Tài chính Mỹ khẳng định hành động của họ sẽ cản trở các nỗ lực của IS, al Nusrah Front, al-Qaeda và Jamaa Islamiya trong việc quyên góp, vận chuyển và tiếp cận các nguồn tài chính phục vụ cho các chiến binh khủng bố nước ngoài.
Động thái của Mỹ diễn ra vào lúc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 24/9 (giờ Mỹ) đã nhất trí rằng các nước cần coi việc công dân ra nước ngoài chiến đấu với các nhóm chiến binh thánh chiến, tuyển mộ hoặc hỗ trợ những người khác tham gia thánh chiến là một tội hình sự nghiêm trọng.
Theo Reuters, tại cuộc họp do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì, hội đồng 15 nước thành viên đã nhất trí thông qua một nghị quyết do Mỹ soạn thảo, bắt buộc các nước “ngăn chặn và trấn áp” việc tuyển mộ và di chuyển của các chiến binh vũ trang đến các cuộc xung đột ở nước ngoài.
Giới quan sát nhận định hành động mới của Liên Hiệp Quốc phản ánh mối quan ngại của quốc tế về sự trỗi dậy của quân số các chiến binh nước ngoài tham chiến cùng IS và mối đe dọa khi họ quay về quê hương. Các chuyên gia nói khoảng 12.000 chiến binh từ hơn 70 quốc gia đã gia nhập các nhóm cực đoan ở Syria và Iraq.