Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, người Việt đã để lại nhiều bảo vật, trong đó có hàng trăm chiếc trống đồng Đông Sơn. Trong số đó, trống đồng Kính Hoa được phát hiện gần đây là chiếc trống còn khá nguyên vẹn, mang theo vẻ đẹp về mặt mỹ thuật.
Không chỉ có những hình khắc động vật chưa từng xuất hiện trên các trống khác, trống đồng Kính Hoa còn mang kỹ thuật đúc với đường nét trang trí tinh xảo, phản ánh nhiều đặc tính văn hóa, lịch sử của người Việt.
Với những giá trị và vẻ đẹp đó, Thủ tướng đã ký quyết định số 2283/QĐ-TTg (ngày 31/12/2020) công nhận trống Kính Hoa là bảo vật quốc gia (đợt 9).
Sau khi giám định, nghiên cứu về chiếc trống đồng Kính Hoa, GS.TS Trịnh Sinh và kỹ sư Nguyễn Văn Kính đã tiến hành thực hiện cuốn sách Trống đồng Kính Hoa - Bảo vật quốc gia Việt Nam (Nhà xuất bản Thế giới ấn hành).
GS.TS Trịnh Sinh, một trong hai tác giả của công trình, chia sẻ với Zing về quá trình thực hiện sách cũng như giá trị văn hóa của trống đồng Kính Hoa.
Bức tranh lịch sử của người Việt cổ
- Quá trình ông cùng người bạn đồng hành là kỹ sư Nguyễn Văn Kính thực hiện cuốn sách này diễn ra như thế nào?
- Tôi có cơ duyên gặp kỹ sư Nguyễn Văn Kính, nhà kinh doanh hoa lan. Ông ấy có duyên được sở hữu chiếc trống đồng còn nguyên vẹn, nhiều hoa văn đẹp của nền văn hóa Đông Sơn. Ông đã nhờ tôi giám định xem đây là trống thật hay trống mới đúc.
Qua giám định 10 tiêu chí, tôi khẳng định là trống thật. Ngay sau đó, chúng tôi bàn nhau viết một cuốn sách về chiếc trống độc đáo này.
Ở lần xuất bản thứ nhất, cuốn sách đã gây tiếng vang trong giới học thuật và xã hội. Ngay năm sau đó, sách được tái bản với số lượng 1.000 cuốn, có sửa chữa và in đẹp hơn bằng giấy chất lượng, bìa làm bằng vải đũi, có tấm đồng in tên sách, tên tác giả, nhà xuất bản.
Quá trình viết sách được thực hiện khá nhanh gọn. Cuốn sách tái bản được viết trong vòng một năm. Sự công phu, đồ sộ của nó xuất phát từ kinh nghiệm và tư liệu tích lũy cả đời của nhóm tác giả chúng tôi. Bởi trước khi viết cuốn sách này, chúng tôi đã viết khá nhiều sách về mảng lịch sử, khảo cổ học và mỹ thuật.
- Theo ông, những dấu tích, chạm khắc để lại trên bề mặt trống đồng Kính Hoa nói lên điều gì về thời đại văn hóa Đông Sơn từ chuyện ăn, ở, đến đi lại, tập tục?
- Chiếc trống đồng Kính Hoa giúp các nhà khoa học dựng lên được một phần bức tranh lịch sử thời bấy giờ về cảnh quan vùng châu thổ sông Hồng, về đời sống vật chất và tinh thần người Việt cổ.
Không quên khẳng định rằng trống đồng Kính Hoa là trống đồng duy nhất được xếp hạng Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân. Trong quá trình xếp hạng, trống đã được giới chuyên môn các cấp trong các hội đồng xét duyệt như Sở Văn hóa Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa, Hội đồng Di sản quốc gia xem xét kỹ lưỡng, thông qua và đánh giá cao.
Đây là bảo vật quý của dân tộc, độc đáo và mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Nó thuộc về văn hóa Đông Sơn mà chủ nhân là những người Việt cổ, tổ tiên của chúng ta.
Qua hình hoa văn trang trí trên trống, chúng ta thấy được rằng người xưa đã biết dệt vải (dấu tích vải còn lưu trên mặt trống. Điều này còn nói lên công nghệ dệt, loại cây làm nguyên liệu dệt…), ngày hội múa hóa trang có cắm lông chim trên đầu, hội bơi thuyền với hình ảnh 6 thuyền trên tang trống, trên thuyền có cả lầu và có người ngồi trên lầu, người ngồi chèo thuyền.
Đặc biệt, giữa mặt trống có ngôi sao nhiều cánh, tượng trưng cho hình Mặt Trời, điều này có liên quan đến tục thờ Mặt Trời. Giữa các cánh sao lại có hình từng cặp “giao long” là hình ảnh của cá sấu. Hình ảnh các cặp “giao long” cũng được thấy trên một số đồ đồng Đông Sơn khác.
Hình các động vật độc đáo mới thấy ở trống này là hình con sam, chim đậu trên lưng cá sấu, con cáo, chim bay… Bên cạnh đó là hình các nhà sàn, hoa văn bông lúa. Những hình ảnh này nói lên việc người xưa đã biết trồng lúa, ăn cơm và ở nhà sàn.
Qua đây, chúng ta cũng có thể thấy người xưa đã nắm được kỹ thuật đúc trống thành thạo, tinh túy.
Chủ nhân đúc trống đồng
- Trong thời gian khảo sát, nghiên cứu về trống đồng Kính Hoa, đâu là những điểm thú vị mà nhóm tác giả đã phát hiện được? Chúng có ý nghĩa gì?
- Thú vị nhất là trên trống đồng Kính Hoa có những hình trang trí động vật mà vùng ven biển ở đồng bằng Bắc Bộ mới có như sam, cá sấu. Điều này chứng minh những vùng xa biển như Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) không phải là chủ nhân đúc trống Đông Sơn. Đó là di sản đích thực mà chỉ người Việt đúc được.
Chính trống đồng Kính Hoa là bằng chứng xác thực nhất về chủ nhân trống thuộc loại đẹp nhất là trống Đông Sơn do người Lạc Việt, tổ tiên chúng ta đúc và sử dụng chúng chứ không phải người nơi khác mang từ các vùng núi xa xôi đến địa bàn của văn hóa Đông Sơn.
- Cuốn sách được trình bày công phu, gồm nhiều hình ảnh, tư liệu quý giá. Phần hình ảnh được thực hiện như thế nào?
- Phần hình ảnh do nhóm tác giả chúng tôi kết hợp với Nhà xuất bản Thế giới thực hiện. Chúng tôi có những máy ảnh chuyên nghiệp và ống kính đặc tả nên cho ra những tấm ảnh đẹp, đặc biệt là ảnh vết hằn của vải trên mặt trống.
Nhóm tác giả cũng phải quan sát, tìm tòi các góc độ để lấy được những khuôn hình đẹp, hiệu quả và đúng chủ đề mình muốn diễn tả.
Bên cạnh đó, chúng tôi phải dùng đèn chụp cho ánh sáng tốt nhất, phù hợp với độ sáng và nét của hiện vật.
- Sách được thể hiện dưới dạng song ngữ Việt - Anh. Vậy ông có mong muốn gửi gắm thông điệp gì đến độc giả trong và ngoài nước?
- Việc thực hiện sách song ngữ là do chúng tôi muốn quảng bá hình ảnh di sản độc đáo, bảo vật quốc gia đến với bạn bè trên thế giới. Tôi tin nhiều học giả rất muốn sở hữu cuốn sách có cả tiếng Anh để tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về chủ đề này.
Tôi và ông Nguyễn Văn Kính cũng đang viết một cuốn sách song ngữ Việt - Anh về chủ đề hoa văn trên những đồ đồng Đông Sơn đẹp nhất. Đây sẽ là cuốn thứ ba trong series sách này.