Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ký ức của văn sĩ xưa về ‘Đông Dương tạp chí’

Trong ký ức những người viết văn, làm báo như Thiếu Sơn, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Công Hoan, "Đông Dương tạp chí" có chỗ đứng vững chắc trong làng báo nước nhà đầu thế kỷ 20.

Lược sử của Đông Dương tạp chí, được Thiếu Sơn gói gọn trong vài dòng sau đây khi đề cập trong bài diễn thuyết “Báo giới và văn học quốc ngữ”: “Tờ Đông Dương tạp chí xuất thế năm 1914 và chỉ sống tới năm 1918 thì bị đổi ra làm Trung Bắc tân văn và Học báo”.

Tờ báo có công lớn xây dựng quốc văn

Ngay ở trang bìa của số 1 Đông Dương tạp chí, dòng chữ Pháp dưới manchette báo cho hay đây là phụ bản của báo Lục tỉnh tân văn tại Bắc Kỳ.

Với Đông Dương tạp chí, Thiếu Sơn trong Phê bình và Cảo luận cho hay báo do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút, nhưng chủ nhân của báo là F.H. Schneider. Trang 16 của số báo đầu tiên ra ngày 15/5/1913 ghi rõ thông tin này cùng địa chỉ tòa soạn:

"Mua báo - Gửi bài đăng báo - Vào cáo bạch rao hàng - Thông tin

Thì phải viết thơ cho

M. F. H. SCHNEIDER

Chủ nhân báo “Đông-dương-tạp-chí”

20 Boulevard Carreau - Hanoi".

Đường Boulevard Carreau nay là phố Lý Thường Kiệt, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Báo được phát hành thứ năm hàng tuần ở Bắc và Trung Kỳ, cụ thể là Hà Nội, Hải Phòng, và Huế.

Dong Duong tap chi anh 1

Đông Dương tạp chí số 1, ra ngày 15/5/1913. Ảnh: Trần B.A.

Trong thời gian hiện diện nơi làng báo nước Việt, Phê bình và Cảo luận nhận định Đông Dương tạp chí được xem “có công lớn trong cuộc xây dựng quốc văn”.

Tham gia viết bài cho báo là những tên tuổi lớn trên văn đàn. Họ là Tản Đà, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim…

Phan Kế Bính với Hán Việt văn khảo đăng trên Đông Dương tạp chí rất có ích cho ai học Hán văn. Báo có mục “Dịch Hán văn” do Phan Kế Bính, Dương Bá Trạc phụ trách; mục “Dịch Pháp văn” do Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh đảm nhận. Chúng đều được đánh giá có cái lợi cho độc giả khi tìm hiểu Hán văn, Pháp văn.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan xem Đông Dương tạp chí là "ông thầy hướng dẫn tôi bước vào văn học Việt Nam” trong hồi ký Những năm tháng ấy.

Lấy Đông Dương tạp chí, Nam phong tạp chí làm tài liệu luyện văn học, nhà văn Vũ Ngọc Phan còn cho biết chi tiết đáng lưu ý để không bị nhầm lẫn.

Đó là Đông Dương tạp chí loại cũ ra số đầu năm 1915 như trên đã đề cập. Về sau, có Đông Dương tạp chí do Nguyễn Giang làm chủ nhiệm.

Kỷ niệm "mượn văn" trên Đông Dương tạp chí của Nguyễn Công Hoan

Trong ký ức về thời thơ bé của nhà văn Nguyễn Công Hoan được ông ghi lại nơi Đời viết văn của tôi, tác giả còn nhớ tới Dương Phượng Dực, một người tài giỏi.

Sau này, Dương Phượng Dực có làm báo Đông Dương tạp chíTrung Bắc tân văn. Với Đông Dương tạp chí, nhà văn tương lai có một kỷ niệm đáng nhớ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Năm ấy là 1919, Nguyễn Công Hoan sắp thi Tiểu học Pháp Việt. Mặc dù sau này là nhà văn tên tuổi với những tác phẩm đi vào lòng người như Kép Tư Bền, Bước đường cùng, Người ngựa ngựa người…, thời đi học, Nguyễn Công Hoan ghét môn Luận quốc văn nhất. Cũng vì thế, có lần, anh học trò mới bị hố một vố liên quan Đông Dương tạp chí.

Dong Duong tap chi anh 2

Nhà văn Nguyễn Công Hoan. Ảnh tư liệu.

Ở lớp Sơ đẳng A, Nguyễn Công Hoan, trước đó, mỗi khi bị thầy kiểm tra môn Luận quốc văn, thường mượn vở của bạn vì ít khi làm.

Lần ấy, Nguyễn Công Hoan xung phong xin thầy cho chấm bài của mình. Đầu bài “Tả một đêm trăng trên hồ Tây”. Vốn không hứng thú với môn học, chàng ta nghĩ ra một cách khác:

“Tôi bèn mở Đông Dương tạp chí, chép nguyên si từ đầu đến cuối bài văn của ông cử Phan Kế Bính, Đêm trăng thu chơi thuyền trên hồ Tây.

Đến câu 'mấy đóa hoa nở muộm mà lá vẫn còn xanh tốt', tôi không hiểu 'nở muộm' nghĩa là gì, nhưng cứ viết đúng như thế! Cụ giáo chấm bài tôi. Đến câu này, cụ nhẹ nhàng bảo: Đây là chữ muộn chứ không phải chữ muộm, nhà in xếp sai đấy, anh không đoán ra à?”.

Anh học trò lười Nguyễn Công Hoan tuy láu cá, lấy văn người làm văn mình, còn non nớt nên chép y nguyên cả lỗi sắp chữ sai mà bị tẽn tò.

Có trách ai, chắc chỉ còn nước trách anh xếp chữ nhà in, như dạo gần đây khi đổ lỗi sai về văn bản, một số người có chức quyền “đánh võng” qua “lỗi đánh máy” mà thôi.

Đầu thế kỷ 20, trong lĩnh vực báo chương, Đông Dương tạp chí sánh cùng Nam Phong tạp chí về chỗ đứng khi tạo ấn tượng lớn lúc bấy giờ. Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương nhận xét:

“Về phương diện văn học, Nam phong tạp chí theo tôn chỉ với Đông Dương tạp chí, dùng Việt ngữ để truyền đạt học thuật cổ kim và du nhập tư tưởng đông tây, chứng rằng Việt ngữ không những chỉ thích dụng về các lối văn chương suông mà cũng có thể dùng để viết văn về sử học, triết học và khoa học nữa”.

'Tiếng vang làng báo' ra số duy nhất năm 1936

"Tiếng vang làng báo" ra số đầu tiên thành công rực rỡ. Vì thiếu vốn và rơi vào tầm ngắm của thực dân, báo chưa kịp ra số thứ hai đã bị đình bản.

Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm