Bầu trời xanh ngắt, nắng chói chang cháy xém cả những chiếc lá ngoài vườn. Mấy chục năm trước cũng nắng, cũng nóng nhưng không đến nỗi như bây giờ, nắng khiến người ta sợ phải ra khỏi nhà, sợ phải đi đâu đó. Nhưng sợ nhất cảm giác như “cực hình” mỗi khi ngồi vào mâm cơm. Nhớ khi tôi còn đang tuổi ăn tuổi lớn, sao thấy món nào cũng ngon, toàn những thứ dân dã, có khi tìm thấy ngay quanh nhà.
Bát canh dưa sắn. Ảnh: Internet. |
Buổi trưa đi học về, tôi vội sà vào mâm cơm, bụng đói nhũn, gắp vội như thể chưa bao giờ được ăn. Nhất là vào những trưa nắng mẹ nấu canh dưa sắn với lạc thì thật không còn gì bằng. Canh dưa sắn là vậy, vừa có mùi thơm, vị chua thanh của dưa, quyện với vị ngọt, bùi của lạc hạt sống giã dối nấu cùng...
Vùng trung du - dưa sắn là một món ăn rất quen thuộc trong những bữa cơm. Những nương sắn trồng theo các triền đồi thoai thoải, theo những xóm núi hay ở nơi bán sơn địa. Thân cây sắn nhiều người còn lấy về ken lại, cắm một đầu xuống đất để làm hàng rào, như thế cây sẽ tươi lâu, có thể nẩy lộc, hàng rào sẽ rất bền mà lại kín nên gà lợn, hay trâu bó khó có thể vào vườn phá phách.
Sắn không chỉ trồng để lấy củ, người ta còn lấy ngọn cây sắn để làm dưa, thậm chí ngày xưa khi đói quá, ngọn sắn còn được luộc lên để ăn chống đói. Ngọn sắn mà ngày bé chúng tôi hay gọi là “gà” được hái về, nhặt bỏ những lá bên dưới, rồi sau đó vò nát. Hòa nước muối vừa độ mặn và cho ngọn sắn đã vò vào, đổ nước lên, dùng một chiếc vỉ đan bằng tre, rồi lấy hòn đá đủ nặng để nén xuống, như người ta vẫn thường nén cà.
Ngọn sắn là món ăn đặc trưng vùng trung du. Ảnh: Internet. |
Cứ để như vậy, để ba đến bốn ngày là dưa chua là ăn được. Dưa sắn không ăn sống như các loại dưa muối khác, mà phải nấu lên. Có nhiều cách chế biến dưa sắn, như xào với tỏi, nấu canh, hay cũng có thể kho cá hoặc tép nhưng phổ biến hơn cả là nấu canh và kho tép.
Những con tép dầu rửa sạch, cho thêm tương và nước hàng, cùng với nước, đun cho cạn bớt. Dưa sắn rửa sạch cho lên trên, đun tiếp đến khi nồi tép kho cạn vừa phải, cũng là lúc dưa sắn vừa nhừ. Tương kết hợp với vị chua của dưa sắn làm cho mùi tanh của tép giảm đi rất nhiều, độ chua của dưa cũng làm cho còn tép nhừ hơn.
Vào những buổi trời mưa, lành lạnh mà ăn cơm với tép kho dưa sắn thì không gì thích hơn. Con tép mục mềm, không hề thấy mùi tanh, những cọng dưa sắn cũng rất mềm, ăn lại bùi. Cơm vừa nấu xong vẫn bốc hơi nghi ngút, xới lên bát, gắp một chút dưa cùng con tép và cùng một miếng cơm vừa phải thì thực là ấm bụng biết nhường nào. Đó là những bữa cơm ngon với sản vật dân dã của quê tôi, những thứ đã góp vào nỗi nhớ của người trung du khi đi xa.
Bây giờ dưa sắn không được dùng nhiều, nên ở các chợ quê tôi ít người còn bán. Khi xưa chợ nào cũng bày bán những nắm dưa sắn màu nâu sẫm, vắt hết nước nắm lại từng nắm bằng cái bát nước chấm, hoặc đong bằng cái bát ăn cơm, chứ chẳng bán bằng cân, lạng bao giờ.
Dưa sắn quê tôi lại thành đặc sản, đôi khi còn khó mua nữa. Nhất là những ai đi xa lâu ngày, cứ về đến quê là hỏi xem có mua được dưa sắn không? Rồi để được ăn thỏa thuê một bữa, cho đỡ thèm, đỡ nhớ cái vị quê xưa, cái vị của vùng đồi, của con tép từ những mương những rạch...