Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tiếng vang làng báo' ra số duy nhất năm 1936

"Tiếng vang làng báo" ra số đầu tiên thành công rực rỡ. Vì thiếu vốn và rơi vào tầm ngắm của thực dân, báo chưa kịp ra số thứ hai đã bị đình bản.

Lịch sử báo chí Việt Nam trước tháng 8/1945 có những tờ báo tư nhân mang xu hướng cách mạng, yêu nước. Tuy nội dung tốt, vì thiếu vốn hoạt động, cũng như bị thực dân gây khó dễ, một số tờ báo phải đóng cửa. Trường hợp Tiếng vang làng báo là ví dụ.

Một kiểu trang tin tổng hợp

Chung số phận với một số tờ báo "đoản mệnh" khác, Tiếng vang làng báo là một trong những tờ báo có tuổi đời ngắn, khi chỉ sống được qua một số, theo lời Trần Huy Liệu, người tham gia ban biên tập của báo.

Tuy nhiên, thông tin về thời gian tồn tại của báo có sự bất nhất trong những sách liên quan sau này. Thư tịch báo chí Việt Nam, Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam cùng chung thông tin “xuất bản số ra mắt, ngày 6/5/1936; ngày 20/5/1936 và cũng là số cuối cùng”. Trong khi đó, cuốn Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 ghi: “Số ra mắt, 6/5/1936; số 1, 29/6/1936 và bị cấm”.

Trong trí nhớ Trần Huy Liệu, báo có trụ sở ngay trường Hùng Vương thuộc phố Sinh Từ, Hà Nội. Còn trong tin giới thiệu báo ra mắt được đăng trên Phong hóa, tòa soạn ở số 16 đường Hồng Phúc. Theo Đường phố Hà Nội, phố Hồng Phúc dài 208 m, từ phố Hòe Nhai đến Hàng Đậu.

Sở dĩ có cái trụ sở tréo ngoeo ấy là bởi người khai sinh ra Tiếng vang làng báo là hiệu trưởng trường Hùng Vương mà Trần Huy Liệu gọi là "anh Sơn", theo hồi ức của ông trong Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Tieng vang lang bao anh 1

Trần Huy Liệu tham gia viết báo Tiếng vang làng báo. Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Tìm trong Thư tịch báo chí Việt Nam Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, "anh Sơn" tên họ đầy đủ là Nguyễn Cao Sơn, giám đốc của báo. Báo được in ở nhà in riêng với khổ 455x315 mm.

Cái tên báo cũng khá hay: Tiếng vang làng báo. Theo đơn xin phép, báo “chỉ có việc trích những dư luận ở trên các báo xung quanh mỗi vấn đề, chứ không tự mình viết ra”.

Tuy nhiên, như Hồi ký Trần Huy Liệu có ghi, để không làm báo bị yếu thế so với đồng nghiệp, bộ sậu của báo tìm cách lách. Tên của báo ở bìa 1 là hai chữ “Tiếng vang”, được thiết kế nổi bật.

Trong khi ấy, hai chữ “làng báo” bị bóp nhỏ. Vì thế, độc giả quen tên báo là “Tiếng vang”, còn chữ “làng báo” thì bỏ rơi luôn.

Vang to một tiếng rồi… thôi

Trong hồi ký, Trần Huy Liệu không cho hay về thời gian ra đời của báo cụ thể như thế nào, nhưng vẫn có thể đoán định được. Theo thông tin ông cung cấp, báo chuẩn bị ra số đầu tiên, đúng dịp Nguyễn Văn Vĩnh qua đời. Theo Nhất Tâm trong sách Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), ngày ông Vĩnh mất nhằm 1/5/1936.

Trong dịp này, nhiều tờ báo đưa tin về cái chết của Nguyễn Văn Vĩnh và ca ngợi ông. Thậm chí, Phong hóa số 186, ra ngày 8/5/1936, còn cho hay để tỏ lòng thương tiếc ông, các nhật báo nghỉ một kỳ còn tuần báo ra chậm một ngày.

Riêng Tiếng vang làng báo, như Trần Huy Liệu nhớ, cũng nhân sự kiện ông Vĩnh mất, trong số 1 ra mắt “để có một tiếng vang phản ứng lại, chúng tôi trích đăng một bài của Nguyễn Văn Vĩnh đã đăng trên báo Đông Dương tạp chí".

Nói như vậy, báo phải ra sau ngày ông Vĩnh mất. Lần manh mối về ngày ra báo, ta tìm được thông tin giới thiệu về báo trên tờ Phong hóa số 185, ra ngày 1/5/1936, và số 186, ra ngày 8/5/1936. Ở trang 5 hai số này có mẩu tin giới thiệu sự ra mắt của Tiếng vang làng báo, nội dung nguyên văn như sau:

“Anh em chị em! Chỉ đọc có

Tiếng Vang làng Báo là đủ

Một tờ báo chưa từng có ở Đông Dương bao giờ.

Tòa báo: 16 RUE HỒNG PHÚC - HANOI

SỐ ĐẶC BIỆT ra ngày 6 Mai, bán 2 xu”.

Mẩu tin giới thiệu báo Tiếng vang làng báo ở trên không thấy bài viết nào đề cập hay liên quan ông Vĩnh. Điều này cũng dễ hiểu vì ông Vĩnh mất đúng ngày 1/5 nhưng mất tận bên Lào, mà báo Phong hóa thì lên tin số 185 vào ngày 1/5, phải in ngày trước đó nên tin tức về cái chết của ông chưa có được.

Tieng vang lang bao anh 2

Mẩu tin giới thiệu sự ra mắt của Tiếng vang làng báo trên báo Phong hóa số 185, ra ngày 1/5/1936. Ảnh. Trần B.A.

Hiệu quả của việc xưng tên ngay số đầu đó mà thành bởi theo Hồi ký Trần Huy Liệu, “mặc dầu không có điều kiện nổ toang thiên địa, cũng đã như một cái tát đánh vào mặt bọn chủ trương trực trị”… “Báo số 1 có nói đến Nguyễn Văn Vĩnh nên đắt như tôm tươi”.

Ra đời "ngon lành" ngay số đầu như thế, nhưng báo chưa kịp phát huy lợi thế mà xông lên tiến tới, ngay lập tức hụt hơi. Là tờ báo tư nhân, báo không tránh khỏi cái khó khăn chung là tự thân vận động với vấn đề cốt tử nhất cho sự tồn tại của báo, ấy là tiền. Trong khi đó, Tiếng vang làng báo thiếu hẳn "phương tiện" này: “Chúng tôi chẳng có một đồng tiền nào làm vốn liếng”.

Báo ra số đầu tiên, tiền đầu tư hoàn toàn của người đứng chủ, "anh Sơn". Số đầu bán đắt, nhưng tiền bán lẻ lại chẳng được là bao. Đến số thứ hai, anh em phải chung tay, nhưng "chẳng ai xoay cho ra tiền". Thế là xảy ra tình trạng chẳng ai muốn là dù số hai đã được in rồi, nhưng vì không có đủ tiền trả nhà in, nên báo đành nằm chờ ở đó.

Như lời Trần Huy Liệu tâm sự, thêm việc sau đó, Thống sứ Bắc Kỳ ra đạo nghị định rút giấy phép báo, vậy là Tiếng vang làng báo còn chưa phát hành số hai cho độc giả, đã ngậm ngùi đình bản.

Báo 'Đời mới' năm 1935 trong ký ức Trần Huy Liệu

"Đời mới" không do ông chủ nào đầu tư tiền bạc, không ai quản lý. Ngay từ số đầu tiên, “nó đã phải sống bằng những món vay mượn, quyên góp của các anh em".

Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm