Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Báo 'Đời mới' năm 1935 trong ký ức Trần Huy Liệu

"Đời mới" không do ông chủ nào đầu tư tiền bạc, không ai quản lý. Ngay từ số đầu tiên, “nó đã phải sống bằng những món vay mượn, quyên góp của các anh em".

Trần Huy Liệu được biết đến ở rất nhiều vị trí, nhà cách mạng, nhà báo, nhà sử học… Sự nghiệp báo chí của ông rất đáng kể.

Ông từng trải qua đời làm báo sôi nổi trước năm 1945 và ở Côn Đảo. Trong những tờ báo ông đứng chủ và cộng tác, có tờ Đời mới.

Làm báo nơi căn gác hẹp

Trong lịch sử ra đời, phát triển của báo chí Việt Nam, nhiều tờ báo mang tên Đời mới. Riêng với tờ Đời mới được nói tới ở đây, Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam cho hay:

“ĐỜI MỚI. Hà Nội. Xuất bản hàng tuần. Số 1, ngày 24/3/1935; số cuối cùng, số 4, ngày 14/4/1935. Giám đốc: Lê Văn Hòe; Quản lý: Nguyễn Mạnh Chất; Tòa soạn 17, phố Hàng Khoai; In ở nhà in riêng. 450x300mm”.

Báo Đời mới do Nguyễn Đức Kính (anh ruột Nguyễn Đức Chính), sau khi ra khỏi nhà tù Sơn La, đã cùng một số người bạn chủ trương.

Dạo ấy vào tháng 2/1935, Trần Huy Liệu (1901-1969) đang ở quê nhà, sau khi ở Côn Đảo, được mời về Hà Nội làm báo.

Bao Doi moi nam 1935 anh 1

Thiên phóng sự Côn Lôn ký sự của Trần Huy Liệu từng đăng trên Đời mới, được báo Ánh sáng số 42, ra ngày 21/9/1935, đăng lại. Ảnh chụp lại file báo Ánh sáng số 42.

Trần Huy Liệu nhớ nhiều thông tin liên quan báo. Trong hồi ký Mặt trận Dân chủ Đông Dương, ông cho biết để xin được giấy phép ra báo, những người đã bị án chính trị chắc chắn khó.

Ông Lê Viết Hổ, dẫu không làm báo, nhưng không có vấn đề gì về chính trị trong mắt thực dân, đã đứng tên xin xuất bản báo và được phép.

Trụ sở của tòa soạn báo ở số 17 phố Hàng Khoai. Tiếng là tòa soạn nhưng đó là căn gác chật hẹp với cách trang trí không hơn gì một gia đình.

Các thành viên của tòa soạn có những cái tên như Nguyễn Đức Kính, Lê Văn Hòe, Thành Thế Vỹ, Nguyễn Mạnh Chất và Trần Huy Liệu.

Việc duyệt bài ở đây cũng không giống các tòa soạn báo thông thường: “Tòa soạn chúng tôi không có lệ duyệt bài, nghĩa là ai muốn viết gì thì viết”.

Khi Trần Huy Liệu về làm báo, số báo Đời mới đầu tiên đã được xuất bản. Từ số 2 trở đi, báo có thiên phóng sự Côn Lôn ký sự của Trần Huy Liệu.

Theo Hồi ký Trần Huy Liệu, Côn Lôn ký sự chỉ đăng được 3 kỳ trên Đời mới. Sau đó, báo Ánh sáng ở Huế đăng lại từ đầu thiên phóng sự ấy kể từ số 23 (4/5/1935).

Xem những số báo Ánh sáng được lưu trữ trên website của Thư viện Quốc gia Việt Nam, thấy rằng Côn Lôn ký sự được đăng rải rác không đều kỳ. Có thể thấy nội dung Côn Lôn ký sự trên số 39, ra ngày 14/9/1935; số 42, ra ngày 21/9/1935…

Tờ báo của những ký giả thừa nhiệt huyết, nhưng thiếu… tiền

Không có ai đứng chủ về mặt nội dung, chẳng có ai trị sự, thiếu một tổ chức lãnh đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể, chuyên nghiệp nên các bài viết trên báo không đi theo một hướng.

Thậm chí, các bài viết có những điểm mâu thuẫn nhau, nhưng về cơ bản, “màu đỏ vẫn nổi bật hơn các màu khác”.

Cũng vì cái màu đỏ theo xu hướng cộng sản ấy, Đời mới được chính quyền sở tại dạo đó rất "quan tâm". Trần Huy Liệu từng kể luôn có ít nhất 4 tên mật thám thay phiên nhau canh gác, theo dõi tòa soạn Đời mới. Mỗi khi mấy ông nhà báo bước chân khỏi cửa, chúng liền bám theo.

Báo Đời mới được lập ra, nhưng lại thiếu cơ sở để có thể tồn tại lâu dài, ấy là vốn. Báo không do ông chủ nào bỏ vốn, chuyện tiền bạc lại không có ai quản lý. Để xuất bản được, ngay từ số đầu tiên, “nó đã phải sống bằng những món vay mượn, quyên góp của các anh em”.

Thế nên, mới đến số 2, các nhà báo đã phải lo sốt vó vì không có tiền trả nhà in. Bởi vậy, “có lúc báo 'nằm vạ' ở nhà in Long Quang, chờ mấy ngày mới có tiền chuộc ra”.

Vấn đề này chẳng phải chỉ có ở Đời mới. Nhiều tờ báo dạo trước 1945 rơi vào thảm cảnh “chạy ăn từng bữa”, “giật gấu vá vai” kiểu đó và việc “nằm vạ” ở nhà in là chuyện thường.

Bao Doi moi nam 1935 anh 2

Nhà báo Trần Huy Liệu. Ảnh tư liệu.

Lại nói về Đời mới, ngay cả bộ sậu làm báo cũng ăn ở cùng một chỗ kiểu sinh hoạt tập thể ở nhà ông giáo Khánh, nhưng cũng không nói đến chuyện trả tiền ăn uống, sinh hoạt.

Với những hạn chế về tài chính, tổ chức bộ máy, dẫu báo chiếm được nhiều cảm tình từ công chúng, theo Trần Huy Liệu, đến số 7, tương đương 7 tuần sống nơi làng báo, Đời mới bị chính quyền rút giấy phép, kết thúc chóng vánh sinh mệnh của tờ tuần báo thiếu hẳn ban trị sự, phương tiện tài chính và luôn sống trong tình trạng đói vốn.

Tuy vậy, căn cứ thư tịch báo chí, cũng như luận chứng thiên phóng sự của nhà báo họ Trần đăng được 3 kỳ trên Đời mới kể từ số 2, việc Đời mới ra được 4 số là xác đáng hơn.

Ngay chính Trần Huy Liệu, khi viết hồi ký Mặt trận Dân chủ Đông Dương, đã phải rào trước rằng: “Viết tập hồi ký này, tôi cố gắng nhớ lại để nói lên những sự thật mà tôi đã biết, đã sống. Nếu có gì sai lầm thì thường là sai lầm về con số và ngày tháng vì lâu ngày đã lộn xộn quên đi, chưa kịp tra cứu”.

Hồi ký trên ra đời năm 1960, đã cách 25 năm quá vãng Đời mới rồi.

Tản Đà khai sinh ‘chiếc thuyền nan’ An Nam tạp chí như thế nào?

"An Nam tạp chí" được Tản Đà khai sinh năm 1926 với mục đích cao cả. Nhưng đường làm ông chủ báo của thi sĩ thật bấp bênh khi báo ra dăm số bị đình bản, hồi sinh rồi đình bản.

Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm