Trong đời mình, thi sĩ Tản Đà ngoài bầu rượu túi thơ làm bạn, cũng đua tranh cùng bạn bè nơi báo chương. Kinh qua những Đông Dương tạp chí, Hữu thanh… năm 1926, nhà thơ đẻ đứa con riêng do mình đứng chủ: An Nam tạp chí.
"Chiếc thuyền nan" An Nam tạp chí ra đời
Theo thông tin trên số đầu tiên của An Nam tạp chí, báo chính thức hiện diện trong làng báo Việt ngày 1/7/1926. Báo ra mỗi tháng hai kỳ, chủ nhân là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Trụ sở của báo ở Hàng Lọng gần Gare, số 50 Route Mandarine, Hà Nội. Báo được in bởi nhà in Kim Đức Giang.
Trong Thi sĩ Tản Đà (Tản Đà thư cục xuất bản, 1939), Lê Thanh cho hay dù báo quán ở Hà Nội, nhưng nhà in báo lại tít trong Vinh. Thế nên ông Tản Đà mới thường phải đi ra đi vào giữa hai nơi.
Nơi “Mấy nhời rãi [giãi] tỏ cùng các bạn đồng bang”, Tản Đà tự bạch việc ra báo. Theo đó ông đệ đơn lên Chính phủ xin ra tạp chí ngày 9/12/1925. Đến ngày 11/2/1926 thì được nghị định của Chính phủ cho phép. Tuy nhiên phải sau 5 tháng An Nam tạp chí mới diện kiến độc giả.
An Nam tạp chí, số 1 ra ngày 1/7/1926. Ảnh: Trần B.A. |
Để biết tinh thần của báo, xem nội dung số đầu tiên, ta biết được đôi điều. Ngay trong bài “Kính cáo quốc dân An Nam ta”, An Nam tạp chí đã tỏ bày cái thiên chức mà báo nhận lĩnh khi ra mặt với báo giới trong nước.
Báo cho hay dạo ấy bởi chăng bao việc vui buồn hay dở của quốc dân trong sự “bảo hộ”, “khai hóa” của Pháp, những mong đất nước văn minh, quốc dân có tư cách, việc luân thường, phong hóa cần được xem trọng. Do đó nên báo tỏ bày (chép nguyên văn):
“Bản chí nay ra đời, vì quốc dân truyên [chuyên] giữ một việc đó... Ai là người có công về thế đạo nhân tâm, Bản chí phải tinh biểu bằng ngòi bút để làm khuyên cho kẻ khác, xin ai đừng có bận lòng ơn. Ai là người có tội với xã hội nhân quần, Bản chí phải trừng trị bằng câu văn để làm dăn [răn] cho kẻ khác, xin ai đừng có đem lòng oán.
... Bản chí đối với quốc dân ta, cảm tình vô hạn, kỳ vọng vô hạn, không thể biết nói sao cho xiết; nay xin chỉ có một câu rằng: Người An Nam, báo An Nam”.
Mục đích tối thượng của báo như lời trên, chính ở việc lĩnh chức trách làm cho “nhân tâm phong tục được thuần chính, cho đại đa số quốc dân có tư cách, để cùng nhau học theo đường trí thức, bước lên đài văn minh”. Và ngay ở trong số báo đầu tiên, nội dung các bài viết cũng thể hiện đôi điều cho mục đích báo đề ra.
Để chào mừng sự khai sinh của một tờ báo mới mẻ, ông chủ bút Tản Đà vẫn với sở trường của mình, có bài thơ “Sông cái chiếc thuyền nan” đăng trên số 1, nội dung là:
Thả chiếc thuyền nan bé tẻo heo,
Cũng buồm, cũng cột, cũng giây lèo.
Nghìn trùng sóng gió ba khoang nứa,
Bốn mặt non sông một mái chèo.
Những hẹn nước mây thu mấy độ,
Thử xem giời biển rộng bao nhiêu.
Con đường vô hạn vui chăng ta?
Mà hỡi giòng [dòng] sông tiếng nước reo?
Số đầu tiên, ông chủ bút bao sân
An Nam tạp chí số 1 nội dung khá phong phú. Qua 40 trang báo, các bài luận đa phần do ông chủ bút viết như “Thử nghĩ về tiền đồ nước Nam ta”, “Chức trách của người có gia đình” và bài “Nhời luận thuyết giải về nghĩa thiên lương”. Tản Đà còn góp mặt với bài “Hán văn hàm thụ”, “Nhời thư của hai chị em gái nhà nghèo khuyên răn nhau” dạy cách viết thư.
Ông chủ bút Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Ảnh tư liệu. |
Lĩnh vực kinh tế nông nghiệp cũng được chú ý với bài dịch “Việc tàm tang”, bài viết “Nghề nhuộm thâm ở Xuân Cầu” và bài “Một cách đo ruộng thú vị”; lĩnh vực luật pháp cũng góp mặt với bài “Việc pháp luật” do Sơn Xá Lê Khắc Hoa thuộc Đông Dương tư pháp viết.
Mảng du ký thì có bài “Cuộc du lãm ở khu thứ nhất về đường xe lửa Vinh - Đông Hà” và bài “Nghìn năm non Thúy ông Từ Đạm”. Mảng văn học hẳn nhiên không thiếu khi ông chủ bút là một thi sĩ. Trong số 1 thấy có mảng thơ qua các bài “Vịnh cái cây ở bên đường phố Hanoi”, “Khuyên anh giáo”. Mảng văn dịch có “Ngô Việt xuân thu”.
Xem qua các tác giả viết bài, ta thấy được hai tên tuổi lớn của nền văn học nước nhà dạo ấy. Ngoài ông chủ bút “bao sân” khá nhiều mảng, có Ngô Tất Tố góp mặt không phải qua truyện ngắn, tiểu thuyết sáng tác, mà qua mảng… nông nghiệp với bài dịch “Việc tàm tang” và bài “Một cách đo ruộng thú vị”.
Tác giả của Tắt đèn cũng góp mặt ở phần văn dịch với “Ngô Việt xuân thu”. Ngoài ra là các tác giả khác nhưng tên tuổi khá lạ như Lê Khắc Hoa, Lưu Văn Thọ, Nguyễn Ngọc Liên... Hẳn buổi ban đầu việc tổ chức báo, mời cộng tác viên còn gặp khó.
Nơi số 1, báo cũng đã có một số bài quảng cáo cho hiệu sách, hiệu thuốc, thư điếm, nhà máy cũng như mời gọi quảng cáo, giới thiệu các sách xuất bản của Tản Đà thư quán, Tản Đà thư cục.
Khá vui là trên số báo này, ông chủ bút có lời rao tìm lại một bản Giấc mộng con để tái bản, cho thấy công tác lưu trữ đứa con tinh thần của nhà thơ ưa rượu thực lỏng lẻo: “Nay tôi muốn in lại quyển Giấc Mộng Con, mà tìm lấy một bản cũ thực khó. Vậy ai có mà gửi về cho xin kính biếu một năm An nam tạp chí - Ai có mà gửi về sau thời thôi”.
Mục quảng cáo trong An Nam tạp chí, số 1. Ảnh: Trần B.A. |
Tâm huyết với báo nhưng An Nam tạp chí về sau rơi vào hoàn cảnh thảm hại khi chết đi sống lại mấy lần mà theo Nguyễn Văn Phúc trong Tôi với Tản Đà (NXB Đời mới, 1944) thì số phận của tờ báo ấy là “An Nam tạp chí ra đời, lại thất bại, rồi lại ra đời, lại thất bại khiến cho nhà thi sĩ phải bôn tẩu long đong nay Bắc lại mai Nam”.
Đó cũng là ý kiến của Lê Thanh khi ông cho hay An Nam tạp chí là tờ báo con cưng của thi sĩ: “Nó đã chết đi sống lại mấy lần và vẽ thêm cho ông mấy nét nhăn trên trán. Nó không cho ông an cư bên núi Tản sông Đà, bắt ông nay đây mai đó, lang thang quản bút với sơn hà”.
Vẫn lời của Lê Thanh, với An Nam tạp chí, Tản Đà bị thất bại mà theo lời thi sĩ Thề non nước thì đó là do ông không có đất làm báo, cũng như ngày xưa Tào Tháo không có đất dụng võ.
Sau này, khi An Nam tạp chí đình bản rồi được Tản Đà hồi sinh, thi sĩ cho rằng chiếc thuyền nan “nghìn trùng sóng gió ba khoang nứa” khi nó chào đời lần đầu mong manh quá. Do đó như Mộng Tuyết kể trong hồi ký Núi Mộng gương Hồ thì ở lần hồi sinh, ông chủ bút “ví tờ báo của mình như con tàu sắt vượt đại dương. Bấy giờ, thi sĩ lại cũng có bài thơ vịnh con tàu An Nam rất mạnh mẽ”.
Về đời An Nam tạp chí, xem Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, ta biết báo lênh đênh sống chết thời gian 1926-1933 với số 1 như trên đã nêu, đình bản ở số 10 (tháng 3/1927); số 11 ra tháng 7/1930 đến số 24 (tháng 6/1931), sau đó ra số 25 (tháng 1/1932). Số ra ngày 1/9/1932 đánh số lại thành số 1 thành bán nguyệt san, đình bản hẳn ở số 9 (ngày 1/3/1933).