Lễ Đoan ngọ hay Đoan dương bắt nguồn từ câu chuyện về Khuất Nguyên. Câu chuyện ấy mãi sau này, khi đã lớn lên tôi mới biết cặn kẽ, khi tìm hiểu về cái "gốc" ban đầu của ngày Tết Mồng 5 - ngày Tết đã có ở Việt Nam từ rất lâu rồi mà hồi thế kỷ 15 cụ Nguyễn Trãi từng làm thơ về nó.
Thế nhưng trong ký ức tôi cũng như hầu hết người Việt Nam khác, cái tên Đoan ngọ, Đoan dương có vẻ như quá khách sáo và xa lạ, mà cứ đến mồng 5 tháng 5 âm lịch thì chỉ biết đó là ngày Tết Mồng 5, Giết sâu bọ...
Rượu nếp mẹ ủ trong buồng cũng đã toả hương thơm nức, nước mật chảy qua chiếc rá xuống cái bát tô ở dưới sánh như mật ong, ngọt lịm. Ảnh: Kiều Trang. |
Tắm nước giếng khơi để không bị rôm đốt ngày hè
Từ đầu tháng 5 âm lịch, cái không khí chuẩn bị cho Tết Mồng 5 bắt đầu rậm rịch đầu làng cuối xóm từ chiếc cối xay lúa của mẹ: Người ta bắt đầu xay thóc nếp để làm rượu nếp cho ngày mồng 5. Nếp cái hoa vàng xay cho sạch vỏ, không giã, mà dùng luôn gạo xay nấu thành cơm rượu, tãi ra nong cho nguội rồi được mẹ trộn men, ủ kỹ và cất vào buồng cho kín gió. Bọn trẻ chúng tôi bắt đầu háo hức chờ đến ngày Giết sâu bọ từ lúc ấy.
Sáng sớm mồng 5, khi trời còn tờ mờ sáng, đã nghe tiếng bà nội nói chuyện rì rầm với bà cụ láng giềng, rồi gọi chúng tôi trở dậy. Mấy chị em tôi lồm cồm bò dậy, nhìn nhau rồi cười như nắc nẻ, đứa nọ chỉ cổ đứa kia mà trêu: "Trên cổ nó có cục vôi!", mãi rồi mới biết, đứa nào cũng được bà bôi một cục vôi vào cổ từ khi còn ngủ.
Bà bảo sáng mồng 5, trẻ con được bôi vôi vào cổ để không bị giun "đời" lên cổ nữa. Bà cắt đặt chúng tôi mỗi đứa một việc, phải khẩn trương thực hiện ngay, rồi bà tất tả chuẩn bị đi chợ.
Hoá ra Tết Mồng 5 lại bận bịu đến như vậy, chúng tôi phải làm bao nhiêu là việc. Đầu tiên, tôi và chị cả phải đi "khảo" hết các cây trái lâu niên trong vườn như mít, bưởi... Tôi trèo lên cành mít, còn chị tôi cầm chiếc chày giã cua đứng dưới gốc, vừa đánh vào thân cây, vừa hỏi vọng lên mà tôi phải "vào vai" cây mít trả lời thay. "Mit kia!" - "Dạ" - "Năm nay mày ra bao nhiêu quả?" - "Năm nay tôi ra một trăm quả" - "Quả lớn bằng đâu?" - "Quả gốc bằng giành, quả cành bằng giỏ!"...
Cứ như vậy, hai chị em tôi đi khảo hết các cây trái trong vườn cho bà. Có như vậy, năm sau cây mới sai quả, lại to đẹp, không sâu...
Xong việc khảo cây, chúng tôi lại vội vã chạy đi lấy cây thuốc, lá thuốc cho ông. Lá huyết dụ, lá đinh lăng thì trong vườn nhà có sẵn. Còn cây bông mã đề, cam thảo nam thì phải ra mãi bên đường làng.
Trời mới tảng sáng, sương đêm còn đọng trên lá cây mát rượi. Lá cây thuốc lấy sáng mồng năm được phơi khô, rồi dùng hãm uống thay chè hoặc khi cần thì làm thuốc sẽ rất hiệu nghiệm.
Chúng tôi còn lấy cả lá bưởi, lá chanh, lá hương nhu, lá mây, lá tre vân (thứ tre nhỏ, không gai, dùng làm hàng rào)... để mẹ phơi khô, nấu nước gội đầu dần. Lá lấy mồng 5, gội đầu tóc mượt lại không gàu, các chị các cô quê tôi đâu có dầu gội đầu để gội, vậy mà tóc vẫn xanh mượt như mây, thơm nức. Mẹ tôi đến bây giờ vẫn giữ thói quen chỉ gội đầu bằng nước lá, chứ không gội dầu gội bao giờ.
Vừa rửa sạch lá thuốc tãi ra chiếc nong để đem phơi, ông tôi vừa nhắc mấy chị em, đứa nào mùa đông hay bị cóng tay thì đến ngay bên chiếc cối giã cua, quệt tay vào đấy và đọc câu "thần chú": "Cóng cóng giá giá; Từ nay mày theo cối đá mày đừng theo tao!". Còn ai hay bị xước măng rô ở ngón tay thì hãy xỉa bàn tay lên mái rạ trước hiên và đọc: "Xước măng rô, Xô mái nhà", vừa làm vừa đọc đủ ba lần, đảm bảo năm ấy sẽ không bị nữa...
Xong mọi việc, thì tất cả chúng tôi cùng ra giếng tắm. Sáng mồng 5, tắm nước giếng khơi, thì người sẽ hết rôm sảy, không còn bị rôm đốt mùa hè nữa.
Nhưng tất cả những công việc này đều phải thực hiện trước khi mặt trời mọc, nếu mặt trời đã lên rồi thì sẽ không còn hiệu nghiệm. Chúng tôi tắm xong thì mặt trời mới bắt đầu nhô lên phía đằng đông, đỏ như một khối lửa.
Thế nhưng có một việc đến hết cả buổi sáng hôm đó vẫn có "hiệu nghiệm", đó là: Nếu ai ngồi bệt trên bậu cửa ra vào thì sẽ bị mọc mụn nhọt ở mông! Chúng tôi đứa nào cũng sợ.
Ảnh: Bảo tàng Y học cổ truyền và Dược cổ truyền Việt Nam. |
Những tục lệ xưa
Mặt trời lên đến ngọn tre thì bà tôi đã đi chợ về. Bà mua nào mận, nào vải cho chúng tôi ăn để "giết sâu bọ". Rượu nếp mẹ ủ trong buồng cũng đã toả hương thơm nức, nước mật chảy qua chiếc rá xuống cái bát tô ở dưới sánh như mật ong, ngọt lịm. Chúng tôi được ăn thoả thích hết món này đến món khác. Mẹ nhắc chúng tôi ăn rượu nếp thì rắc vài hạt cho đàn gà. Gà được ăn một ít rượu nếp mùng 5 sẽ không bị giun mà còn đỏ da chắc thịt nữa.
Trong cái vỉ buồm đi chợ của bà còn có cả những cây thuốc. Chợ huyện hôm ấy người ta cũng bán những vị thuốc hay cây thuốc để trồng. Bà tôi mua cho ông mấy cành cây móng tay và cuộn dây đỗ trọng để ông vừa chặt ra phơi, vừa trồng một nhánh trong vườn để đến khi cần thì có sẵn.
Ông tôi hãm một ấm trà bằng lá đinh lăng tươi, cho vào mấy lát gừng cho thơm. Cái vị thơm mát thật lạ. Ông bảo, mồng năm tháng 5 là ngày thiên địa giao khí, sinh sôi muôn vật nên là ngày linh thiêng.
Lẽ trời hiếu sinh, cây cỏ mồng 5 là thuốc cứu người cứu vật, nên người ta thường lấy cây thuốc và làm phép để chữa bệnh vào Tết mồng 5. Ngay cả hoa quả, rượu nếp ăn cũng là để chữa giun sán và các chứng bệnh khác, vì vậy mới gọi là ngày "Giết sâu bọ".
Ngày xưa khi chưa có ngày 27 tháng 2 cho các thầy thuốc, thì ở nước ta, ngày mồng 5 tháng 5 đã được coi là ngày tết thầy thuốc. Người bệnh và các môn sinh nghề thuốc nam thường mang gà, mang ngỗng đến tết thầy thuốc vào dịp này.
Người ta còn tin rằng ngày mồng 5 tháng 5 là ngày thầy thuốc nên trong ngày này, tất cả các loài rắn đều nằm trong hang, không dám ra ngoài, vì vậy mới có câu thành ngữ: "Len lét như rắn mồng năm" ...
Đến quá trưa, khi các món đồ ăn đã được chén thoả thuê thì ngày Tết mồng 5 đối với lũ trẻ chúng tôi cũng coi như đã đi qua. Nhưng với người lớn, đặc biệt là các cụ ông thì ngày mồng 5 còn được để tâm đến hết nửa đêm, xem ngày hôm ấy có mưa không.
Nếu ngày Tết mồng 5 mà có mưa thì năm đó sẽ nắng nóng vô cùng, lại có gió tây, ấy là "nắng gió tây", cứ gọi là cá rô dưới ao cũng phải nổ mắt mà chết. Nhưng ông tôi lại bảo, thôi nắng nóng một chút cũng cố mà chịu, Tết mồng 5 có mưa thì năm ấy sẽ được mùa, sách viết: "Đoan dương hữu vũ thị phong niên" mà. Thế mới biết thương ông bà, cha mẹ tôi, những người dân quê tôi, đến một niềm hi vọng cũng không trọn vẹn.
Bây giờ, sống ở nơi thành thị, người ta ăn Tết mồng 5, bất quá cũng chỉ là mua một ít hoa quả cho trẻ con ăn, nhà nào hơn nữa thì mua thêm bát rượu nếp. Kinh tế thị trường mà, mọi thứ đều có dịch vụ.
Nhiều người đã không còn hiểu rõ vì sao gọi là Giết sâu bọ. Cái không khí và phong tục ngày Tết mồng năm ngày xưa không biết có ai còn nhớ, mà có nhớ chắc cũng không có điều kiện để thực hiện. Nhưng mồng 5 tháng năm nào đó, bạn hãy thử một lần về quê ăn Tết mồng 5, Giết sâu bọ...