Hơn 100 năm qua, kể từ sau cuốn Trống đồng cổ ở Đông Nam Á của học giả Áo Franz Heger (1902),người phân các trống đồng cổ ở khu vực Đông Nam Á thành 4 loại Heger 1, Heger 2 Heger 3, Heger 4, vấn đề nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn (trống đồng loại H1) luôn tồn tại nhiều giả thuyết, tranh cãi.
Cho tới nay, có 3 luồng quan điểm chính. Các học giả Trung Quốc cho rằng quê hương trống đồng ở Vân Nam, Trung Quốc. Nhưng các nhà khảo cổ học Việt Nam khẳng định nguồn gốc là ở vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Việt Nam. Và cuối cùng, một luồng quan điểm khác cho rằng đó là một vùng rộng bao gồm cả Vân Nam, Quảng Tây ở nam Trung Quốc và vùng Bắc Bộ Việt Nam.
Trong cuốn sách Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn – cuốn chuyên khảo đầu tiên về nguồn gốc của trống đồng Đông Sơn, tác giả Tạ Đức đã đưa ra các luận cứ với nhiều bằng chứng dân tộc học, khảo cổ học, sử học, ngôn ngữ học, nhằm chứng minh rõ ràng và cụ thể quan điểm thứ hai, rằng quê hương trống đồng chính là thành Cổ Loa (Hà Nội).
Trống đồng xuất hiện và lan tỏa rộng khắp dưới thời vua An Dương Vương với những chức năng quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt xưa: biểu tượng cho vương quyền và thần quyền Bách Việt; trống lệnh; trống sấm cầu mưa; đồ tùy táng...
Tác phẩm Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn của nhà nghiên cứu Tạ Đức. |
Cơ sở của luận điểm này bắt nguồn từ việc An Dương Vương có dòng dõi với hoàng tộc Thục, dòng dõi khai minh, quan hệ họ hàng với hoàng tộc Văn Lang, Dạ Lang, Điền, Tây Âu. Đồng thời, An Dương Vương đóng vai trò lãnh đạo liên minh các nước trên trong cuộc kháng chiến chống Tần thắng lợi.
Ông trị vì vùng trung tâm, nơi đất đai màu mỡ, dân cư đông đúc, giao thông đường thủy thuận lợi. Với tư cách là thủ lĩnh uy quyền, An Dương Vương là vị vua duy nhất huy động được nhân lực, tài lực để tạo ra chiếc trống đồng lớn và đẹp nhất.
Theo đó, Tạ Đức cũng phủ nhận quan điểm của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường cho rằng Cao Lỗ là thần đá. Trong nghiên cứu của mình, ông chỉ ra đây là nhân vật lịch sử có thật, không chỉ giúp vua xây thành, làm nỏ mà còn đúc trống đồng, từ đó trở thành thần trống đồng và vị tổ sư của nghề rèn ở Việt Nam.
Việc đúc trống đồng ở Việt Nam theo tác giả dựa theo 3 nguyên mẫu: cối giã gạo lưng eo – một loại nhạc khí thời tiền sử, mô phỏng thân thể người đàn bà theo tục thờ Bà Tổ Mẫu; trống da hình thùng... Sự lan tỏa của trống đồng gắn liền với cuộc di tản của An Dương Dương ở Đông Sơn, Thanh Hóa và điểm tị nạn của người Lạc Việt tại các vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn mang đến cho độc giả những kiến thức phong phú về lịch sử, văn hóa Việt: xã hội mẫu hệ Đông Sơn; nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương; Thánh Gióng – vị thần trống đồng nước xích quỷ; đặc biệt là nguồn gốc và sự phát triển của 12 biểu tượng trên trống đồng Đông Sơn qua các thời kỳ trước Đông Sơn – Đông Sơn – sau Đông Sơn.
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy cho rằng Tạ Đức không nghiên cứu biểu tượng vì biểu tượng, mà tìm sự nhất quán tinh thần, tạo ra sự mạch lạc nội tại của các biểu tượng này. Với hệ quy chiếu là thuyết Vật Tổ, tác giả đã chỉ ra tín ngưỡng chủ đạo chi phối toàn bộ hoa văn trống đồng đó là tín ngưỡng Bà Tổ Chim – Ông Tổ Rồng của người Việt cổ từ thời đá mới cách đây hơn bốn nghìn năm.
Biểu tượng gốc Chim – Rồng này truyền nghĩa cho các cặp mặt trời – mặt trăng, lửa – nước, núi – sông … tương ứng các cặp biểu tượng Vật Tổ phái sinh như hươu, hổ, lợn, rùa, rái cá, rắn, ếch … tín ngưỡng Vật Tổ cùng với các niềm tin vật linh giáo, saman giáo, tư duy ma thuật, đặc biệt là ma thuật mô phỏng, tư duy biểu tượng âm – dương lưỡng phân, lưỡng hợp đã tạo nên tâm thức Đông Sơn, phần cốt lõi của ý thức tộc người của cư dân Lạc Việt.
Cũng theo nhà phê bình Đỗ Lai Thúy công trình nghiên cứu này như một giọt nước cho nhìn thấy cả bầu trời, mặc dù tự thân giọt nước đó cũng là một bầu trời. Bởi vậy, công trình này thực chất cũng là nghiên cứu văn hoá, văn hoá Việt Nam, góc phần hiểu Việt Nam từ nguồn cội.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Tạ Đức cho rằng đây là một đề tài nghiên cứu khó khăn và cuốn sách này chỉ là một sự khơi mở, để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tiếp tục trao đổi, thảo luận rộng rãi trên tinh thần cầu thị, khoa học, góp phần bổ khuyết vào khoảng trống nghiên cứu trống đồng ở Việt Nam, mở rộng ra là lịch sử các tộc người, các tín ngưỡng dân gian, văn hóa cổ truyền ở Đông Á, Việt Nam và Đông Nam Á.
Nhà nghiên cứu Tạ Đức (1953) tốt nghiệp ngành Dân tộc học tại khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1980. Ông công tác tại Viện Dân tộc học - Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) từ năm 1980 – 1989. Sau khoảng thời gian thực tập tại Đại học Humboldt (Đức), năm 1999 ông tham gia thành lập Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á thuộc Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á và nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Đông Sơn.
Các tác phẩm chính đã xuất bản:
Tình yêu trai – gái Việt xưa (NXB Thanh Niên, 1989).
- Nguồn gốc và sự phát triển của Kiến Trúc - Biểu tượng và Ngôn ngữ Đông Sơn (Hội Dân tộc học Việt Nam –Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, 1999).
- Tìm hiểu văn hóa Katu (NXB Thuận Hóa, 2002).
- Nguồn gốc người Việt - người Mường (NXB Tri Thức, 2003).
- Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn (NXB Tri Thức, 2013).