Nhân vật chính của Ruồng bỏ xuất hiện với một địa vị thanh cao và đáng kính nể trong xã hội: David - giáo sư giảng dạy tại trường Đại học Cape Town, đã từng xuất bản những công trình nghiên cứu nghệ thuật. nhưng hiện tại trong câu chuyện, ông chỉ là một lão già 50 tuổi, đã ly hôn 2 lần, hiện sống độc thân và luôn khao khát tình dục.
Ông rơi vào cơn mê tình dục với cô sinh viên trẻ măng Melanie. Và từ lúc ấy, câu chuyện trượt dài vào bi kịch ruồng bỏ của nhân vật David.
Mối quan hệ của giáo sư David và cô sinh viên Melanie bị tố giác. Hội đồng trường Đại học Cape Town đưa ông ra kỷ luật vì phạm vào điều 3.1, chính xác như lời đưa tin của tờ báo Argus là: “Một giáo sư phải ra trước trước Hội đồng kỷ luật vì tội quấy rối tình dục”.
Đoạn chất vấn giữa giáo sư David và Hội đồng trường Đại học, thực là một đoạn viết rất thú vị về bản chất của con người, cũng từ đó mà làm nổi bật sự kiêu ngạo và cô độc của một con người. Đoạn viết này dễ khiến độc giả liên tưởng đến những đoạn gặp gỡ của K và quan tòa trong tiểu thuyết Vụ án của Kafka.
Tiểu thuyết Ruồng bỏ (Disgrace) của J.M.Coetzee. |
David bị đánh bật ra khỏi xã hội văn minh nơi ông đã sống, và nhảy vào một xã hội hoang dã quê mùa ở Nam Phi, nơi con gái ông, Lucy lựa chọn cuộc sống như một người nông dân. Ông bắt đầu học cách thích nghi giữa những người quê mùa thô kệch, xấu xí, học cách tự thỏa hiệp với bản thân mình. Nhưng ông luôn đứng ở những lằn ranh của sự thỏa hiệp và phản kháng. Xã hội hoang dã này dường như ông không thể nào thuộc về.
Thế rồi, sự việc càng trượt khỏi quỹ đạo khi ông và Lucy bị 3 tên cướp tấn công tại nhà. Chúng giết hết 6 con chó, ném ông vào nhà vệ sinh và hãm hiếp Lucy, từng tên một thay nhau. David nghe con kêu: “Cứu con với” và không làm gì được.
Ông giận dữ uất ức vì những kẻ đã hiếp con gái mình, ông ép cô phải tố cáo chúng, rồi ông thua cuộc, Lucy không còn muốn ở cạnh ông nữa. Cô vượt qua cuộc hiếp dâm bằng sự bình an tại nông thôn, bằng những người bạn quê kệch đang che trở và yên lặng ở cạnh cô. Chỉ có ông là người duy nhất cô càng rời xa bởi những cuộc tranh cãi không bờ bến với ông.
Việc ông bị ném vào một vùng thôn quê Nam Phi, xa cách hoàn toàn nền văn minh của người da trắng, buộc ông phải chứng kiến sự man rợ của một xã hội, mà không thể cất tiếng lên án, với cảnh giết mổ động vật, cảnh cướp bóc, thậm chí hiếp dâm… chính là một hình thức mà tác giả đã chọn để nhân vật ném trải nỗi đau, hoàn tất một hành trình bị ruồng bỏ của con người.
Cả hai môi trường này đều không thừa nhận sự tồn tại của nhân vật David, vì ông đã lựa chọn: không thỏa hiệp với thực tại. Nhưng lựa chọn ấy đem lại điều gì cho ông? Là an ủi, hạnh phúc, hay giải phóng? Không, trước sự khắc nghiệt của xã hội thực tại, không có sự lựa chọn nào an ổn.
Mọi lựa chọn đều đau đớn, xáo trộn và đầy sự đánh đổi. Điều đó càng thể hiện rõ chủ nghĩa hoài nghi của Coetzee, như lời nhận xét của viện hàn lâm Thụy Điển khi trao giải Nobel cho ông năm 2003, “một nhà hoài nghi triệt để”.
Ở Ruồng bỏ, tác giả dồn tâm lý nhân vật vào những tình tiết có tính ngoại biệt. Thủ pháp này rất đắc dụng trong việc khắc họa thế giới nội tâm và khách quan hóa sự việc. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng của tiểu thuyết đương đại thế giới.
Coetzee đã thủ tiêu toàn bộ những đoạn miêu tả nội tâm dài, nhằm thể hiện tâm lý dằn vặt đau đớn của nhân vật. Ông chỉ đưa ra sự việc, bằng lối viết khách quan, lạnh lùng, thong thả, nhưng lại tạo được một sức nén rất lớn, khiến độc giả cảm nhận sâu sắc một đời sống khắc nghiệt, giữa hiện tại nghiệt ngã khi mọi quy ước đạo đức đều bị phá vỡ.
Lối viết của Coetzee rất gần với phong cách tiểu thuyết Milan Kundera. Đồng thời, cảm giác của con người bị ruồng bỏ, bị treo lơ lửng trong một cuộc đời “khôn kham”, cùng với cái kết thúc “nhẹ bẫng”, mà đau xót hẳn sẽ khiến người đọc nhớ nhiều đến Đời nhẹ khôn kham với một Kundera luôn cay nghiệt, luôn hoài nghi, luôn khước từ sự an ủi, thỏa hiệp trong văn chương. Văn chương của Coetzee khiến người đọc nhói đau, nghẹt thở, và sợ hãi.
Đúng như lời nhà phê bình Paul Ingendaay trên tờ nhật báo Frankfurter Allgemeine đã viết: “Coetzee không mang đến sự an ủi, mà là sự bất ổn, và cái bất ổn lớn nhất trong những tác phẩm với phong cách kiệm lời và bút pháp điệu nghệ của ông là: câu chữ – công cụ duy nhất để đối thoại với thế giới tồi tệ – có nguy cơ tự phá vỡ trước đe dọa của sự hoài nghi vào chủ nghĩa duy lý và sự hoài nghi vào xác tín đạo đức”
Nhà văn người Nam Phi J.M.Coetzee. |
Mọi cuốn tiểu thuyết của Coetzee đều nói với độc giả rằng cuộc đời là khắc nghiệt, và con người trong lòng luôn đầy hoài nghi, hoài nghi vào tất thảy mọi điều xung quanh. Nhưng không phải vì thế, những cuốn tiểu thuyết của ông thiếu đi những mảng miếng ấm áp, nên thơ, và tuyệt đẹp về con người.
Đặc biệt trong Ruồng bỏ, có rất nhiều đoạn viết đẹp đến si mê về thơ ca, âm nhạc, về sự thăng hoa của xúc cảm, về những cánh đồng hoang dã, về lòng tử tế. Vâng, về lòng tử tế. Con người cần điều đó biết bao, sau đầy những tủi nhục, ruồng rẫy, và độc ác.
Như lời Lucy nói về đứa con mình mang trong bụng bởi 3 kẻ hiếp dâm: “Đứa bé ư? Không. Con yêu nó làm sao được? Nhưng con sẽ yêu. Tình yêu sẽ lớn lên, người ta có thể tin vào thiên chúc làm mẹ để yêu mà. Con quyết trở thành một người mẹ tốt, David ạ. Một người mẹ tốt và một con người tử tế. Bố cũng nên cố thành một người tử tế đi.”
Những khoảnh khắc ấy càng khiến cuốn tiểu thuyết bừng sáng trong vẻ đẹp buồn bã đến đau lòng.
Ruồng bỏ là một trong những cuốn tiểu thuyết xuất sắc của Coetzee, cùng với Người chậm, Giữa miền đất ấy hay Đợi bọn mọi… đã giúp Coetzee đứng vào danh sách những người có sách bán chạy nhất thế giới và lần thứ hai đoạt giải Booker (1999). Ông cũng đoạt giải Nobel văn học năm 2003.