Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những điểm nhìn khác về lịch sử Việt Nam

Hiện diện trong tác phẩm là bức tranh về xã hội Việt Nam xưa được tác giả phác họa thông qua việc chắt lọc nguồn sử liệu khá đặc biệt: các bút ký của người nước ngoài.

Khoảng thời gian từ thế kỷ XVII đến XIX là một trong những khúc quanh chứa đựng nhiều biến động bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.

Cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn khiến đất nước rơi vào tình trạng chia cắt kéo dài hơn 100 năm, phong trào nông dân Tây Sơn bùng nổ và cuộc chiến chống 50 vạn quân Thanh xâm lược dưới sự lãnh đạo của “anh hùng áo vải” Quang Trung, công cuộc “tẩu quốc, phục quốc” của Gia Long – Nguyễn Ánh với kết quả là sự thống nhất đất nước và mở ra triều đại quân chủ cuối cùng của đất nước.

Đây cũng là giai đoạn ghi nhận sự xuất hiện của rất nhiều người nước ngoài mà nổi bật là các thương nhân, giáo sĩ trên lãnh thổ Việt Nam với mục đích giao thương, truyền giáo mà có không ít trong số đó là những người đã trực tiếp tham dự vào những biến cố nêu trên.

Ở thời kỳ này, bên cạnh sự xuất hiện phong phú của các tác phẩm chính sử hoặc ngoại sử do các tác gia người Việt soạn thảo còn có một phần không nhỏ các ghi chép nằm trong những tập hồi ký, du ký hay các tài liệu do những người nước ngoài thực hiện với nhiều mục đích khác nhau.

Đây có thể nói là một nguồn sử liệu khá quan trọng và độc đáo mang dấu ấn riêng của thời đại.

nguoi nuoc ngoai viet ve xa hoi Viet Nam anh 1
Cuốn sách Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài của tác giả Lê Nguyễn.

Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài là một tập hợp mang tính khái quát những bút ký đặc sắc của những cái tên như: Cristoforo Borri, Alexandre Rhodes, Thích Đại Sán, Jean Baptiste Chaigneau… Thông qua đó người đọc có thể có một hình dung tương đối rõ nét về bức tranh chính trị, xã hội và văn hóa Việt Nam trong khoảng thời gian này.

Ở đây, mỗi tác giả, khi thực hiện, họ lại mang một tâm thế khác nhau, đứng ở một vị trí khác nhau với những mục đích khác nhau, chính vì vậy, đối với cùng một vấn đề, họ có thể có từng cái nhìn, từng nhận định riêng biệt.

Đôi khi, cách nhìn nhận mà những người nước ngoài thể hiện thông qua ghi chép của họ lại có phần trái ngược với cái nhìn của các tác gia người Việt mà chúng ta có thể đã được tiếp nhận từ trước đó.

Tuy nhiên, cũng chính từ những trái ngược như vậy, người đọc lại có thể có một cái nhìn đa chiều hơn, khách quan hơn về nhiều vấn đề trong lịch sử thời kỳ này.

Bởi bên cạnh những định kiến chủ quan do sự tác động của tư tưởng thực dân, những đánh giá, quan sát của các tác giả nước ngoài về nhiều mặt khác nhau trong đời sống của cư dân Việt cũng như các nhân vật lịch sử gắn liền với thời kỳ này có thể nói là không kém sự tinh tế và chuẩn xác.

Ngoài ra, như chính tác giả Lê Nguyễn đã nhận xét ngay từ lời mở đầu của công trình, chính từ quá trình tiếp xúc và ghi nhận một cách gần gũi nhất về đời sống của cư dân trong xã hội Việt Nam đương thời trên nhiều khía cạnh khác nhau, những bút ký này đã góp phần bổ sung vào những mảng khuyết mà các tác phẩm chính sử và ngoại sử của các tác gia Việt chưa nêu bật được.

Đó còn là những phong tục tập quán, phương thức ứng xử cũng như những hình thái sinh hoạt của người Việt ở Đàng Ngoài và Đàng Trong với những khác biệt rất lớn trong một vài khoảng thời gian nhất định.

Mặc dù đây có thể là những mảnh ghép có phần còn rời rạc nhưng lại đóng vai trò khá quan trọng trong việc tạo tiền đề để có thể đưa ra được những đánh giá một cách khách quan về lịch sử.

nguoi nuoc ngoai viet ve xa hoi Viet Nam anh 2
Nhà truyền giáo Alexander Rhode - người có sự gắn bó đặc biệt với Việt Nam. 

Phần lớn những nhân vật được đề cập trong Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài là những người đã ít nhiều tham dự vào những biến cố đã xảy ra trong khoảng thời gian ba thế kỷ XVII, XVIII và XIX. Đặc biệt, có không ít trong số đó đã từng có cơ hội cận kề hoặc tham dự vào những sinh hoạt chốn cung cấm như Thích Đại Sán hay Michel Đức Chaigneau.

Chính ghi chép của những nhân vật như vậy là một trong những nguồn tư liệu quan trọng trong việc tái hiện một góc cạnh của đời sống cung đình đương thời cũng như tạo ra những điểm nhìn có phần tiệm cận và khác biệt hơn về những nhân vật có vị trí to lớn trong lịch sử Việt Nam.

Tuy nhiên, Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài, như tác giả tự nhận chỉ mới là “những nét chấm phá còn thô sơ” chứ chưa phải là một sự trình bày có hệ thống và hoàn chỉnh về những nguồn tư liệu đặc biệt này.

Có chăng đó chỉ là một sự khái lược để người đọc có thể hình dung một cách tổng quát nhất về bối cảnh xã hội với những yếu tố phụ thuộc trong một giai đoạn nhất định thông qua những ghi chép của các tác giả được đề cập.

Để có thể có được một cái nhìn chi tiết và chuẩn xác hơn để từ đó có thể rút ra được những đánh giá và nhận định của bản thân, không gì khác hơn, người đọc cần phải tiếp cận với nguyên bản trọn vẹn của các tập bút ký theo một trình tự thời gian cụ thể.

Và trong hành trình tiếp cận ấy, Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài với sự chắt lọc và sắp xếp nghiêm cẩn của tác giả Lê Nguyễn nhằm đưa ra những nét cơ bản trong các ghi chép của các thương nhân, giáo sĩ được nhắc đến sẽ là một “la bàn” mà chúng ta cần mang theo trong tư trang của mình.

'Hồ sơ về Lục Châu học' và những mảnh vỡ quá khứ

Cuốn sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung đã đặt lại vấn đề về nền văn học Quốc ngữ miền Nam giai đoạn 1865 - 1930.

Cường Nguyễn

Bạn có thể quan tâm