Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hồ sơ về Lục Châu học' và những mảnh vỡ quá khứ

Cuốn sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung đã đặt lại vấn đề về nền văn học Quốc ngữ miền Nam giai đoạn 1865 - 1930.

Dựa trên việc khai thác, tìm tòi từ nguồn tư liệu đồ sộ ở miền Nam giai đoạn 1865 – 1930, Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã phục hồi một mảng ký ức về đời sống, văn hóa của con người trên vùng đất mới đã vô tình bị lớp bụi thời gian che phủ.

Ngay từ nhan đề Hồ sơ về Lục Châu học: Tìm hiểu con người ở vùng đất mới, việc sử dụng danh từ Lục Châu để chỉ vùng đất mới ở phương Nam đã ít nhiều gây ra sự ngạc nhiên lẫn tò mò cho độc giả.

Bởi kể từ lúc tiếp nhận bước chân mở cõi của những cư dân Việt đầu tiên cho đến khi trở thành thuộc địa của thực dân Pháp, hầu hết chúng ta chỉ biết đến tên gọi của vùng đất Nam Bộ một thời dưới cái tên Nam Kỳ Lục tỉnh.

Chính bằng việc tìm lại và sử dụng một cách gọi vốn từng được dùng khá nhiều trong một số tờ báo Quốc ngữ và cũng là một trong những danh từ đặc trưng của miền Nam thời kỳ 1865 – 1930, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung, một người đã dành khá nhiều tâm huyết trong cuộc đời làm học thuật của mình cho việc nghiên cứu văn học Nam kỳ thời kỳ đầu đã tìm tòi, lật mở từng trang ký ức về một mảng văn học Quốc ngữ phong phú lúc bấy giờ đã vô tình rơi vào quên lãng.

Đồng thời, cũng lấy chính nguồn tư liệu đó để làm tiền đề, ông tiếp tục xây dựng lại phần nào diện mạo của đời sống tinh thần và văn hóa của miền Nam với những biến đổi và khác biệt trong suy nghĩ, nếp sống,… cũng như những ảnh hưởng, tác động từ bên ngoài trong buổi giao thời.

sach nghien cuu ve mien Nam anh 1
Tác phẩm Hồ sơ về Lục Châu học của nhà nghiên cứ Nguyễn Văn Trung.

Một mảng văn học bị bỏ quên

Giai đoạn 1865 – 1930 chứng kiến sự chuyển tiếp sang một thời kỳ mới của nền văn học Việt Nam. Cùng với gót giày xâm lược của thực dân Pháp, những trào lưu tư tưởng, văn hóa phương Tây cũng dần xâm nhập và ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người Việt lúc bấy giờ.

Sự phổ biến sâu rộng của chữ Quốc ngữ đã kéo theo một không khí sinh hoạt văn học khá sôi động mà trong đó, bên cạnh những tác phẩm dịch từ chữ Hán, chữ Nôm hay Pháp văn là một lượng lớn các tác phẩm văn học sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn phương Tây do các cây bút mới trước tác xuất hiện trên báo chí đương thời hoặc được xuất bản thành sách.

Tuy nhiên, theo Nguyễn Văn Trung, khi nhìn nhận về văn học giai đoạn này, những tác giả và tác phẩm tiêu biểu được đề cập đến đa phần tập trung ở miền Bắc. Trong khi đó, mảng văn học ở miền Nam ở thời kỳ này dường như chỉ hiện diện một cách khá mờ nhạt trong khi đây lại là “một mảng văn học phong phú, đa dạng và đi trước miền Bắc về nhiều thể loại.”

Trong phần đầu của cuốn sách, bằng cách dẫn chứng những tác phẩm của một số tác giả, các đầu báo lớn như: Nam Kỳ địa phận, Lục tỉnh Tân văn, Nông cổ mín đàm… Nguyễn Văn Trung đã cố gắng phục hồi lại diện mạo của mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua này.

Đồng thời, để giải thích cho câu hỏi tại sao một phần chiếm vai trò không hề nhỏ trong lịch sử phát triển của nền văn học hiện đại Việt Nam lại rơi vào tình trạng quên lãng như vậy, ông đã đưa ra một số lý do chính mang yếu tố chủ quan lẫn khách quan.

Trong đó, ngoài việc nêu lên ảnh hưởng của hai tờ báo lớn đương thời là Đông Dương tạp chíNam Phong hay công trình khảo cứu văn học sử của các học giả, Nguyễn Văn Trung còn chỉ ra nguyên nhân đến từ việc tiếp nhận tiêu chí văn chương chủ đạo từ văn đàn miền Bắc của chính các nhà văn đương thời ở cả hai miền đối với mảng văn học giai đoạn 1865 – 1930 trên vùng đất mới.

Tuy vậy, với Hồ sơ về Lục Châu học, để làm rõ sự thiên lệch trong đánh giá và tiếp nhận tiêu chí văn chương này, nhà nghiên cứu không chỉ dựa vào việc phân tích các tác phẩm văn chương và những ý kiến của văn giới xuất hiện trên báo chí Quốc ngữ lúc bấy giờ, mà đi xa hơn, ông đã mở rộng phạm vi nghiên cứu “vượt khỏi lãnh vực khoa học: tìm hiểu con người ở vùng đất mới.”

Từ đó, quá trình chi phối của hoàn cảnh, nếp sống, lối suy nghĩ lên quan điểm, tiêu chí văn chương của giới cầm bút ở cả hai miền góp phần đưa đến việc đánh giá chưa đúng mức và bỏ quên, bỏ qua mảng văn học Quốc ngữ ở miền Nam trong giai đoạn lịch sử kể trên sẽ được bộc lộ một cách toàn diện nhất.

sach nghien cuu ve mien Nam anh 2
Báo Nông cổ mín đàm là một trong những tư liên quan trọng được tác giả sử dụng trong sách.

Sinh hoạt tinh thần trên vùng đất mới

Cũng bằng chính nguồn văn bản, tư liệu phong phú trong giai đoạn 1865 - 1930 mà bản thân đã sưu tầm được, Nguyễn Văn Trung tiếp tục phác họa lại diện mạo của không gian văn hóa của xứ Lục Châu hay Nam Kỳ Lục tỉnh thời kỳ đầu.

Ở đó, trong một môi trường mới mang những đặc thù khác biệt về tự nhiên và xã hội, nền Nho học vẫn có một thế đứng nhất định trong hệ tư tưởng của dân chúng dưới một hình thái, một cách tiếp nhận khác.

Nho học ở miền Nam nếu nhìn nhận với chủ kiến từ gốc văn hóa ở quê hương cũ ở miền Bắc có thể được xem là “hầu như mất gốc”. Tuy nhiên, khi xem xét dựa trên một điểm nhìn toàn diện hơn, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra nền Nho học ở đây vẫn phát triển mạnh mẽ theo một chiều hướng mới và còn “được hiểu theo cốt lõi, tinh túy hơn nơi quê cũ.”

Bên cạnh đó, việc trở thành thuộc địa của Pháp ngay từ những buổi đầu xâm lược và quá trình thâm nhập của Thiên Chúa giáo đã làm cho những sinh hoạt tinh thần ở Nam Kỳ Lục tỉnh thời bấy giờ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi luồng văn hóa Tây phương.

Tuy nhiên, sự đan xen giữa hai đường lối liên hiệp với chủ trương “tôn trọng luật lệ phong tục quốc gia của người Annam” và đường lối đồng hóa với mục tiêu “biến người bị trị thành người Pháp về văn hóa” cùng với sự chống đối hoặc cộng tác của giới Nho sĩ, trí thức Nam kỳ lúc bấy giờ cũng tạo nên cho văn hóa miền Nam những khúc quanh vô cùng thú vị.

Đồng thời, trong tác phẩm, Nguyễn Văn Trung cũng xây dựng nên một số nét tiêu biểu khác đã kiến tạo nên môi trường văn hóa đặc biệt của Nam Kỳ Lục tỉnh dưới thời thuộc địa.

Đó là sự xuất hiện của đạo Cao Đài và những liên hệ của nó với thực trạng tôn giáo, xã hội và nhân sinh quan của cư dân phương Nam; không khí sinh hoạt của báo chí, văn học với những tác giả, tác phẩm tiêu biểu; những quy luật của đời sống tinh thần tại Nam Kỳ thể hiện qua lời ăn tiếng nói hay lối viết lách;…

Cũng chính từ sự khác biệt đó, câu hỏi tại sao mảng văn học Quốc ngữ ở vùng đất Lục Châu một thời lại rơi vào tình trạng bị quên lãng hoặc đánh giá chưa đúng tầm mức đã được làm sáng tỏ.

Sự quên lãng này xuất phát từ những khác biệt khi đánh giá dựa trên tiêu chí văn chương chịu ảnh hưởng mạnh của văn đàn miền Bắc vốn đề cao tính chuẩn mực trong hành văn hoặc xây dựng tác phẩm.

Với lối viết, lối nghĩ hàm chứa quá nhiều khác biệt bắt nguồn từ sự “nghĩ sao viết vậy” trong sáng tác, mảng văn học Quốc ngữ miền Nam buổi đầu đã không được tiếp nhận một cách đúng mức. Vì vậy, mặc dù mang một bề dày phát triển từ khá sớm, mảng văn học này lại rơi vào tình cảnh bị bỏ quên, bỏ qua.

Lật lại tất cả vấn đề, khai thác và phân tích nguồn tư liệu phong phú liên quan mật thiết đến một lát cắt đặc biệt trên tiến trình phát triển của văn học Việt Nam, đưa ra những giải thích và viện dẫn hợp lý từ thực tế đời sống văn hóa của Nam Kỳ Lục tỉnh, bằng tác phẩm đầy tâm huyết và nghiêm cẩn của mình, Nguyễn Văn Trung không chỉ khôi phục lại một mảng văn học bị bỏ quên theo hướng chân thực nhất, mà thông qua đó, ông còn đưa ra những tiền đề mới mẻ và cụ thể để mở ra một hướng mới trong việc nghiên cứu về văn học, văn hóa và đời sống tinh thần ở vùng đất mới.

Từ đây, ông cũng góp phần mang lại một sự nhìn nhận thích hợp và vị trí xứng đáng hơn cho nền văn học Quốc ngữ miền Nam trong buổi sơ kỳ.

Một Việt Nam khác nhìn từ ‘Xứ Đàng Trong’

Với sự nghiêm cẩn và khách quan trong nghiên cứu, Li Tana đã đưa đến cho công chúng một góc nhìn mới mẻ về cuộc Nam tiến của người Việt vào thế kỷ 17- 18.



Cường Nguyễn

Bạn có thể quan tâm