Xin đừng quên nhau: Lời hoa muốn nói là tập tạp bút của nhà báo/nhà văn Phan Quang về chủ đề hoa. Với vốn sống sâu rộng, kiến văn độc đáo, cuốn sách không chỉ đem tới cho người đọc những chia sẻ thú vị về hoa mà còn là về nhân sinh, cuộc sống.
Nhân dịp Tết đến, xuân về, Zing.vn trích đăng một số bài viết trong cuốn sách vừa được NXB Kim Đồng ấn hành.
Nếu hoa đào biểu tượng Tết Hà Nội thì mai vàng đặc trưng Nguyên đán trong Nam. Hai màu hoa, hai đầu đất nước.
Tôi còn nhớ cảm xúc đầu năm Bính Thìn 1976, thành phố Sài Gòn được giải phóng chưa lâu, nhìn thấy hoa đào Nhật Tân trong căn nhà một người quen. Bạn thơ của anh từ Hà Nội vừa gửi hoa vào theo chuyến bay cuối cùng trong năm để cho anh càng nhớ thương hơn đất Bắc xa cách hai mươi năm chưa kịp trở về.
Và còn nhớ sự nôn nao tột cùng vừa đớn đau vừa kỳ vọng hai năm trước tại chiến trường Quảng Trị, khi tôi chợt nhìn thấy mai vàng nở cạnh hầm chữ A. Trong đạn bom, mai vàng vẫn sống, vẫn ra hoa.
Xin đường quên nhau - lời hoa muốn nói là một cuốn sách thú vị về các loài hoa. |
Mai vàng là một phần thời niên thiếu của tôi. “Thân cây cứng và thẳng, lá xanh nhạt mà sáng mịn, hoa có năm cành, nhuỵ như ngọc, lòng hoàng đàn, mai vàng cũng giống như mai trắng nhưng sắc thắm và ngan ngát mùi hoa. Khi hoa rụng thì cuống khô, biến thành sắc hồng trông lại giống như một bông hoa, khác hẳn mọi loài hoa”.
Một bông hoa tàn biến thành bông hoa khác. Điều ấy tự tôi nhận ra từ lúc còn rất bé, rất lâu trước khi đọc những dòng thông thái trên tại bộ sách Đại Nam nhất thống chí, phần nói về Non Mai Nguồn Hàn.
Tôi thử trồng mai vàng tại Hà Nội. Và đã thành công.
Gốc mai con một người bạn quê hương gửi biếu, đã trải qua bao mùa rét buốt Hà thành. Mấy năm đầu, tôi tự an ủi: không được nhìn hoa thì ta ngắm lá. Quả thực sang xuân, cây mai ra lá non cực đẹp. Lúc đầu lá mỏng, nhạt và mịn như lụa nõn rồi cùng với nắng xuân, mỗi khắc mỗi giờ mỗi ngày lại to, dày và thắm hơn cho đến khi lá xanh đọng màu lục đậm thì tất cả các cành của cây mai đã sum suê. Tôi chưa hề thấy một lá mai nào rụng trước tiết tiểu hàn.
Năm ngoái, giáp Tết tôi có việc đi xa. Mùng năm tháng giêng về, kịp ngắm mấy bông mai nhà mới nở như trong mơ giữa tiết trời xuân ấm. Dăm bông nữa, chưa nhiều, lần lượt theo nhau nở cho đến đầu tháng hai để cùng biến thành những bông hoa khác - “đúng như sách” và đúng như ấn tượng của mình buổi ấu thơ.
Cây xương rồng, theo người ta nói, bảy năm mới ra hoa một lần.
|
Tôi nhớ có lần đọc truyện ngắn của nhà văn nữ người Pháp Colette, đầu đề Cây xương rồng. Một bà cụ tuổi ngoại bảy mươi sống cô đơn trong căn hộ nhỏ, một hôm nhận được thư con rể từ một thành phố khác mời mẹ đến nghỉ chơi mấy tháng cùng hai con và các cháu.
Một hạnh phúc thật sự đang đến với cụ. Từ nhiều năm nay, cụ vô cùng thiếu vắng đứa con gái cưng từ khi nó đi lấy chồng. Người đọc cũng có thể hiểu ngầm, giữa cụ bà và người con rể hình như có chuyện thiếu cảm thông nào đó, đã lâu con gái không về thăm mẹ.
Nhưng rồi bà quyết định biên thư trả lời, cảm ơn con rể và con gái. Bởi lẽ cây xương rồng bà chăm chút lâu nay trong phòng sắp nở hoa. Cây xương rồng, theo người ta nói, bảy năm mới ra hoa một lần. Mà năm nay tuổi bà đã ngoại bảy mươi...
Người ta không thể tham lam, cùng một lúc ôm hai niềm hạnh phúc.
Khác xương rồng và giống hệt hoa đào, mai vàng ta năm nào cũng nở. Cây mai nhà tôi xuân năm ngoái ra hoa bói, xuân năm nay rồi mới thật sự là mùa đầu mai vàng Hà Nội của tôi đây.
Vậy thì tôi sẽ khước từ mọi chuyến đi xa cuối năm dù thú vị đến đâu. Để còn ở nhà mà xem bà con xóm phố náo nức sắm Tết, mà theo dõi cây mai vàng Hà Nội nhà mình hé nụ rổi phổng dần, xòe cánh, thắm màu. Để may ra được sống lại những ngày mai vàng làng quê một thời nào đó.