Cuốn sách miêu tả tiến trình chuyển đổi nhận thức của một con người qua hai giai đoạn: từ một kẻ đần độn trở thành thiên tài và từ một thiên tài trở lại kẻ đần độn.
Charlie Gordon, người thiểu năng với chỉ số IQ 68, như một đứa trẻ 6 tuổi, bị gia đình hắt hủi và buộc phải làm chân sai vặt để tự nuôi sống bản thân mình.
Dù luôn bị cười chê là kẻ đần độn nhưng chàng trai này rất cố gắng để trở nên tốt hơn. Anh học đọc, học viết, và tập viết thường xuyên bằng sổ nhật ký. Anh cũng luôn khao khát được thông minh hơn.
Charlie đã đồng ý trở thành một đối tượng thí nghiệm cho các giáo sư trong việc nghiên cứu khả năng thông minh của con người. Và thông qua một cuộc phẫu thuật cải thiện IQ, anh đã dần khắc phục những nhược điểm trí tuệ, bắt kịp những người bình thường và rồi vượt qua họ, trở thành một thiên tài xuất chúng.
Thật không may, sự thông minh không đi liền với sự phát triển về kỹ năng xã hội hay tình cảm tâm hồn, nên Charlie bắt đầu rơi vào một vùng đầy những mâu thuẫn, dằn vặt, đau khổ và rồi anh nhận ra rằng, những người anh thực sự muốn làm bạn, những người đã từng cười với anh, bây giờ, họ sợ hãi, xa lánh anh.
Và Charlie thông minh đã phát hiện ra rằng “trí tuệ là một trong những món quà tuyệt vời nhất của con người. Nhưng thường thì người ta để tâm tìm kiếm kiến thức chứ chẳng mấy khi tìm kiếm tình yêu... Trí tuệ mà không có khả năng cho và nhận tình cảm sẽ dẫn đến hiện tượng suy sụp tinh thần và đạo đức, rối loạn thần kinh chức năng và thậm chí rối loạn tâm thần... Bộ não nào tự thẩm thấu, tự thu hút chính nó theo mục đích tự tôn, loại trừ mọi mối quan hệ con người với nhau chỉ có thể dẫn tới bạo lực và đau khổ”.
Tác phẩm Hoa trên mộ Algernon của nhà văn Daniel Keyes. |
Sau này, chú chuột Algernon, con vật đã được thử nghiệm trước đó như Charlie đã chết, và Charlie gần như đã biết kết cục cuối cùng của mình. Những ngày tháng khủng khiếp đã bắt đầu xảy ra với anh khi anh dần mất đi tất cả những ý thức mà mình đã từng có.
Thật tuyệt vời khi một người đần độn trở thành một người thông minh, nhưng cảm giác thật khủng khiếp nếu một người thông minh phải quay trở về những ngày dốt nát, u mê, tăm tối của mình.
Câu chuyện khép lại bằng lời nhắn gửi của Charlie trước khi tự nguyện vào sống trong trại dành cho người thiểu năng để chủ động chờ đón cái chết một cách dũng cảm và sòng phẳng, như anh đã luôn như vậy. “Đặt giùm hoa lên mộ Algernon”. Điều còn cao quý hơn cả trí thông minh, đó là sự đồng cảm, tình yêu thương và lòng trắc ẩn.
Cuốn sách được viết như một loạt các mục nhật ký của Charlie, với chính tả, ngữ pháp và tư tưởng càng về sau càng được cải thiện. Ngôn ngữ của Hoa trên mộ Algernon uyển chuyển, tinh tế và sâu sắc.
Keyes đã tỏ ra rất dụng công trong việc xây dựng tâm lý của nhân vật Charlie. Anh hiện lên là một con người dị biệt, dù lúc đần độn hay khi thông minh, độc giả cũng sẽ dễ gặp gỡ anh, bởi Charlie có đầy đủ những bản tính nguyên sơ nhất, mà con người luôn nỗ lực bồi đắp, đó là tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Keyes đã thành công khi viết nên một cuốn sách đau lòng tuyệt đẹp như vậy, đã khơi dậy được những rung động đẹp đẽ nhất của con người.
Đọc Hoa trên mộ Algernon có thể cảm thấy được sự gặp gỡ trong hạt nhân triết lý mà nhà văn người Pháp Camus đã đặt ra trong cuốn Thần thoại Sysiphus, đó là sự tri nhận thế gian của con người. Camus cho rằng, con người bất hạnh bởi họ đột ngột có sự hiểu, sự nhận biết tình thế và hoàn cảnh của thế giới xung quanh mình.
Nếu Charlie cứ mãi là kẻ ngây ngô, anh sẽ không bao giờ biết rằng, nụ cười mà những người xung quanh anh dành cho anh là sự trêu chọc, là giễu cợt, anh sẽ không cảm thấy bất hạnh. Nhưng khi đã trở thành một người thông minh, cuộc đời của anh trở thành đau đớn, khi anh ý thức được về cuộc đời.
Vậy thực sự, đâu là hạnh phúc, hay đâu là cái khiến anh hạnh phúc? Dù vậy, Camus hay Keyes cũng nhấn mạnh rằng, trí tuệ (hoặc sự tri nhận) là quan trọng nhưng điều kỳ diệu nhất của con người đó là tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Đó mới thực là đóa hoa đẹp nhất, đóa hoa hóa giải, hàn gắn mọi ranh giới của đời sống.
Câu chuyện của Charlie ban đầu được Keyes viết thành một truyện ngắn, và dành giải thưởng Hugo vào năm 1960, sau đó, nhà văn tiếp tục mở rộng và viết thành một cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh. Cuốn sách cũng nhận được giải thưởng văn học năm 1966. Năm 1968 bộ phim Charly, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cũng đã dành được một giải thưởng Oscar cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất.