Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một Việt Nam khác nhìn từ ‘Xứ Đàng Trong’

Với sự nghiêm cẩn và khách quan trong nghiên cứu, Li Tana đã đưa đến cho công chúng một góc nhìn mới mẻ về cuộc Nam tiến của người Việt vào thế kỷ 17- 18.

Trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, thế kỷ 17 – 18 là khoảng thời gian đã ghi nhận những biến cố quan trọng làm thay đổi vận mệnh của dân tộc trên nhiều phương diện.

Việc Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa đã góp phần vào việc mở rộng cương vực quốc gia cũng như tạo tiền đề cho việc xây dựng cơ nghiệp của các chúa Nguyễn ở phương Nam.

Từ đó, một cuộc nội chiến kéo dài hơn 100 năm giữa hai thế lực Trịnh – Nguyễn đã chia cắt đất nước thành hai phần lãnh thổ riêng biệt: Đàng Ngoài và Đàng Trong. Đồng thời, kéo theo nhiều hệ lụy trong đời sống văn hóa – xã hội, kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn này.

Điểm khởi đầu

Được Li Tana, một tên tuổi khá quen thuộc trong giới nghiên cứu Việt Nam học, phát triển từ luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Đông Nam Á của chính bà vào năm 1992, đến năm 1998, công trình này đã được xuất bản thành sách tại Mỹ dưới tên gọi Nguyen Cochinchina, Sothern Vietnam in 17th and 18th Centuries.

Năm 1999, cuốn sách đã được Nguyễn Nghị dịch và xuất bản lần đầu bằng tiếng Việt với tên gọi Xứ Đàng Trong. Tuy nhiên, phải đến 15 năm sau, công trình này mới được tái bản lần thứ hai. Với lần tái bản này, tác phẩm thực sự gây được một tiếng vang lớn hơn hẳn.

Cuộc chiến phân tranh quyền lực và lãnh thổ dai dẳng giữa hai thế lực Trịnh – Nguyễn không phải là một đề tài xa lạ với giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, với Xứ Đàng Trong, Li Tana đã có một cách tiếp cận và soi chiếu về cuộc phân tranh này rất khác biệt so với các công trình của nhiều người đi trước.

Gói gọn trong 7 chương sách, Xứ Đàng Trong lần lượt trình bày những vấn đề mang tính khai phá rất lớn về sử liệu như: chính trị, thương mại, quân sự, dân số, văn hóa,… Và lấy đó làm nền tảng để biện giải một cách thuyết phục cho sự hưng thịnh cũng như suy vong của chính quyền các chúa Nguyễn trong mối tương quan và đối địch với triều đình Lê – Trịnh ở phía Bắc.

Sự hưng thịnh và suy vong này cũng đồng thời liên hệ mật thiết với quá trình khai phá và phát triển của vùng đất mới phía Nam mà sau này còn được gọi là công cuộc Nam tiến của người Việt.

Viet Nam tu goc nhin anh 1
Tác phẩm Xứ Đàng Trong của Li Tana.

Quyền lực trên vùng đất mới

Thế kỷ 17 chứng kiến “một chuỗi các sự kiện diễn ra đã làm thay đổi toàn bộ lịch sử Việt Nam nói riêng và lịch sử Đông Nam Á nói chung” bắt nguồn từ việc Trịnh Kiểm chấp thuận cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa và sau đó đã gây dựng được một thế lực hùng mạnh trên vùng đất mới.

Từ sự phân rẽ quyền lực dẫn đến việc chia cắt thành hai phần lãnh thổ trên cùng một cương vực quốc gia đã tạo nên rất nhiều hệ quả. Trong đó, có sự khác biệt rất lớn về kinh tế, xã hội, văn hóa và cả hệ tư tưởng chi phối hai chính quyền ở Đàng Ngoài và Đàng Trong.

Trong nhiều đánh giá trước đây của giới nghiên cứu sử học, sự khác biệt diễn ra giữa hai phần lãnh thổ cùng những hệ quả kể trên đôi lúc chưa được đánh giá một cách đúng mực. Hoặc giả sự đánh giá chỉ được nhìn nhận từ góc độ lấy Đồng bằng sông Hồng làm chuẩn mực trung tâm để nhìn nhận phần phía Nam đất nước lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, với Li Tana, bà đã có một cách nhìn nhận hoàn toàn khác. Ngay từ đầu công trình của mình, bà đã đặt vùng đất Thuận Quảng “không đơn thuần là vùng kinh tế cũ được mở rộng ra” mà chính là “một vùng đất mới đang phát triển với một bối cảnh văn hóa khác và một dân cư hoạt động trong những hoàn cảnh hoàn toàn khác”.

Nói một cách khác hơn, Li Tana đã đặt hai chính quyền Trịnh – Nguyễn ở hai phía Đàng Ngoài và Đàng Trong ở thế cân bằng về quyền lực, coi đây là hai khu vực địa chính trị độc lập về nhiều mặt.

Cũng chính từ đó đã tạo nên những nhận định mới mẻ và hợp lý hơn đối với cả hai khu vực này. Đặc biệt, cũng chính từ việc xác nhận về “một Việt Nam khác” trong giai đoạn này, sự đánh giá về quá trình mở rộng bờ cõi, những thuận lợi và khó khăn, ưu điểm và nhược điểm của chính quyền họ Nguyễn mới trở nên thực sự đầy đủ và chân xác.

Phan Kế Bính và thông điệp về quốc tuý phong tục Việt Nam

“Tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy” là thông điệp mà nhà nho duy tân Phan Kế Bính đã gửi gắm qua tác phẩm mang đậm tinh thần phản biện của mình.

Và những góc nhìn khác biệt

Để lý giải cho sự xác lập về quyền lực chính trị, hưng thịnh về kinh tế ở giai đoạn đầu và sự khủng hoảng dẫn đến sụp đổ về sau của chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong, Li Tana đã dựa trên căn bản của việc khai thác một nguồn sử liệu phong phú cũng như viện dẫn những số liệu cụ thể về kinh tế, quân sự và dân số.

Ở Xứ Đàng Trong, chúng ta thấy được rõ nét những mối quan hệ ngoại thương diễn ra tại Đàng Trong trong mối liên hệ với các thương gia đến từ nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. Đồng thời, bà cũng khắc họa sự cởi mở trong giao lưu buôn bán cũng như vai trò quan trọng của thương nghiệp đối với chính quyền họ Nguyễn thời kỳ này:

“Chúng ta có thể nói một cách hoàn toàn bảo đảm rằng chính thương nghiệp đã làm cho vương quốc mới của Việt Nam, chỉ trong vòng ít thập niên, trở nên giàu có và đủ mạnh để duy trì được nền độc lập của mình đối với phía bắc và mở rộng về phía nam.”

Chính từ sự phát triển về ngoại thương đã đưa đến sự phát triển về kỹ thuật, quân sự, lý giải phần nào cho việc chính quyền của các chúa Nguyễn mặc dù chỉ mới được gầy dựng trong một thời gian ngắn đã đủ sức đương đầu với thế lực của các chúa Trịnh đã có nền tảng vững chắc về mọi mặt.

Việc đề cao thương mại của các chúa Nguyễn dựa trên sự vắng bóng các học thuyết Khổng Nho với những trói buộc cắm rễ lâu đời ở vùng đất cũ. Chính điều này cũng đã thu hút lượng lớn di dân từ bên kia sông Gianh đi tìm đất sống mới.

Đồng thời, việc biến đổi trong ý thức hệ này cũng được Li Tana giải thích dựa theo yêu cầu của thời cuộc, chống chọi lại định kiến với chính quyền Đàng Trong phát xuất từ tư tưởng “trung quân” Nho giáo và để nhằm phù hợp với khu vực địa lý vốn mang đậm dấu tích của văn hóa Ấn Độ.

Về sự khủng hoảng và suy vong của chính quyền Đàng Trong vào thế kỷ 18, tác giả đã đặt vấn đề này dưới một góc độ toàn diện và có phần mới mẻ hơn. Đó là dựa trên việc thất bại trong quá trình chuyển đổi bộ máy quân sự sang dân sự, đặc biệt rõ nét dưới thời Nguyễn Phúc Khoát.

Sự thất bại này phát xuất từ nguyên nhân chủ quan từ cuộc tranh giành ảnh ảnh hưởng “bắt đầu nhen nhúm trong triều đình” giữa các viên chức quân sự và dân sự trong giai đoạn mà sự biến chuyển về kinh tế và dân số ngày càng bộc lộ nhiều lỗ hổng. Chính từ đó, cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn đã bùng nổ và đưa đất nước rẽ sang một bước ngoặt mới.

Và với tất cả sự biện giải lịch sử đầy tính khoa học được Li Tana truyền tải qua Xứ Đàng Trong, công trình này “đã cho chúng ta một cái nhìn tổng quát hơn và cũng có sức thuyết phục hơn” về một giai đoạn đầy biến động nhưng cũng ẩn chứa rất nhiều điều thú vị cần được khai phá trong lịch sử Việt Nam.

Cường Nguyễn

Bạn có thể quan tâm