Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chất cấm nhiều do Trung Quốc mua heo trên 120 kg

"Gần đây Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về heo trên 120 kg. Điều này đã kích thích người chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc", Giám đốc Sở Nông nghiệp TP HCM trả lời chất vấn sáng 10/12.

Phiên chất vấn của HĐND TP HCM sáng 10/12 nóng ngay từ đầu với những chất vấn về an toàn thực phẩm.

Theo đại biểu (ĐB) Phạm Hưng Út, Sở Công Thương báo cáo tình hình thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng thì ông và cử tri hết sức yên tâm. Nhưng đó là dành cho những người người có điều kiện và thời gian còn tại chợ truyền thống, khu công nghiệp thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hết sức báo động.

"Vậy Sở Công Thương có biện pháp gì đảm bảo cho người dân và công nhân tại những nơi này?", đại biểu Út hỏi.

Đề xuất có nghị quyết về an toàn thực phẩm

Đại biểu Út quyết liệt đề nghị: "Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống nên tôi đề nghị có một nghị quyết về vấn đề này".

Giám đốc Sở Công thương TP HCM Lê Văn Khoa trả lời chất vấn về an toàn thực phẩm. Ảnh: Hải An.

Giám đốc Sở Công thương Lê Văn Khoa trả lời, hiện có 5 doanh nghiệp của TP công bố 246 điểm bán thực phẩm an toàn. Sở đánh giá cao sự cam kết đầy trách nhiệm và có phần dũng cảm của các doanh nghiệp bởi điều đó gắn với uy tín, thương hiệu và danh dự người quản lý.

Ông Khoa cho biết thêm nguồn cung rau củ quả, thịt do Sở Nông nghiệp phụ trách. Còn vào hệ thống phân phối, ngành Công thương xác định là trách nhiệm của mình. Trên cơ sở các điểm bán thực phẩm an toàn ban đầu, TP sẽ tiếp tục phối hợp các sở ngành, triển khai rộng ở chợ và các cửa hàng tiện lợi.

"Nói như vậy không phải 246 điểm này là an toàn, các điểm khác thì không. Các nơi đều có kiểm tra, kiểm soát của các bên", ông Khoa cho biết.

Giám đốc Sở Công thương dẫn lời Sở Y tế cho biết thêm, ngộ độc thực phẩm ở TP giảm để minh chứng cho nỗ lực thành công trong kiểm soát vệ sinh thực phẩm.

Chưa thỏa mãn với phần trả lời, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM, yêu cầu công khai các điểm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Bà nhắc lại, đây là vấn đề toàn dân lo, Thành ủy chỉ đạo quyết liệt. Hành động của Sở, ngành làm sao bảo đảm niềm tin của người dân và cần thực thi bằng biện pháp, giải pháp cụ thể, quyết liệt.

"Tập trung trọng tâm vào ba vấn đề là lời hứa - giải pháp - những việc chưa làm được", Chủ tịch HĐND yêu cầu Sở Nông nghiệp trả lời.

Nên học Thái Lan, Đài Loan

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN & PTNT TP, nhận định, nguyên nhân lớn nhất của việc chưa thực hiện mạnh mẽ Luật An toàn thực phẩm là liên quan đến thể chế.

Đã nhiều lần, Sở kiến nghị với Bộ NN & PTNT và lãnh đạo TP, để gửi những bức xúc, bất cập giữa quy định của luật và thực tế. Bộ Nông nghiệp sau đó có văn bản trả lời rất chung chung. Trả lời bất cập thì quay lại chính văn bản mà Sở nêu.

Giám đốc Sở NN & PTNT Nguyễn Phước Trung trả lời chất vấn về an toàn thực phẩm. Ảnh: Hải An.

Đơn cử, liên quan đến chất cấm, theo Thông tư 54 khi kiểm tra lò mổ, nếu phát hiện thì tạm đóng cửa, kiểm tra lại khi nào không còn chất cấm thì mới cho hoạt động lại. Tuy nhiên khi tiến hành kiểm tra thì thương nhân né tránh, chủ trại dời giờ mổ.

"Bộ trưởng giao Cục trưởng Cục chăn nuôi nghiên cứu vấn đề của TP, sau 1 tuần sửa thông tư. Nhưng hơn 1 tháng sau mới sửa thông tư, giải pháp nửa vời, cho hủy hoặc giữ lại. TP đề xuất nên hủy", ông Trung nói.

Theo ông Trung, Sở đã chỉ đạo cho thú y linh hoạt để kiểm tra các chất cấm. Có linh hoạt, có trọng điểm, nên tỷ lệ phát hiện cao hơn. Có thông tin từ các tỉnh, từ thương lái tự nguyện cung cấp thông tin, nhờ đó, kiểm tra thì phát hiện được. Các công ty cũng thay đổi cách kiểm tra, kiểm tra trước khi xuất bán.

Ông nêu biện pháp sắp tới, một là, tăng cường kiểm tra nơi sản xuất, kinh doanh. Hai là, nâng cao vai trò của ban quản lý các chợ đầu mối, giống như Thái Lan, Đài Loan làm.

Ở Thái Lan, nếu phát hiện qua test nhanh, ban quản lý có thể từ chối cho nhập chợ. Phát hiện thì thông tin công khai qua hệ thống truyền thông cho dân biết.

Một biện pháp nữa là phát triển chuỗi liên kết, cung ứng, trên cơ sở đó có nhiều cơ sở sản xuất an toàn được chứng nhận. Có DN chủ trì tổ chức thu mua, phân phối, là đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng để giữ uy tín, thương hiệu của mình. Hệ thống liên kết không giới hạn trong TP HCM mà gắn với các tỉnh thành lân cận.

Lý giải việc chất tạo nạc được người chăn nuôi sử dụng ngày càng nhiều ông Trung cho biết, thời gian gần đây Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về heo 120 kg.

"Điều này đã kích thích người chăn nuôi, sử dụng chất tạo nạc để heo đủ cân đưa qua biên giới", ông cho hay.

Chia sẻ với ông Trung, ông Phan Hoàn Kiếm - Chi Cục trưởng Quản lý thị trường TP, cho biết, vấn đề an toàn thực phẩm đã được chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua và sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành, có sự tham gia của nhiều đơn vị.

Cơ quan liên ngành đã tổ chức kiểm tra 680 vụ, trong đó 211 vụ thực phẩm nhập lậu, 22 vụ thực phẩm hết hạn sử dụng, 18 vụ không rõ xuất xứ. Tạm giữ 165 tấn thực phẩm các loại. Xử phạt 5,83 tỷ đồng. Buộc tiêu hủy 120.000 đơn vị thực phẩm, 19 tấn thực phẩm các loại...

Kết thúc phần chất vấn về an toàn thực phẩm, đại biểu Phạm Hưng Út trả lời Zing.vn. "Các sở trả lời chỉ thỏa mãn một phần. Đây là công việc lớn, rộng. Qua phần trả lời của các Sở, tôi thấy UBND nên giao cho một Sở chủ công để giải quyết, sẽ dễ đánh giá, góp ý. Như hiện nay trách nhiệm không rõ. Lần này chất vấn, thấy đổi mới. Các kỳ chất vấn trước chỉ 1 nhóm sở, lần này, đại biểu bức xúc vấn đề nào, thì có thể nêu vấn đề đó, giúp đại biểu hài lòng hơn".

Cần có thanh tra an toàn thực phẩm ở quận, huyện

Tiếp vấn đề an toàn thực phẩm bà Tâm yêu cầu các quận, huyện trả lời. Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Huỳnh Thanh Nhân, cho hay, chợ truyền thống, chợ tự phát trên địa bàn khá nhiều. Trong năm 2015, quận đã lấy mẫu giám sát 106 mẫu thịt tươi, có 33 mẫu không đạt.

Trước tình hình này ông Nhân đề nghị, ngoài lực lượng thanh tra của Sở Y tế, cần thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của quận, huyện. Không phải địa phương nào cũng cần lực lượng này nhưng với những nơi nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nên có lực lượng độc lập này để có thể kiểm tra thường xuyên.

Từ thực tế địa phương, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Thị Diệu, cho biết, quận có hơn 2.800 bếp ăn tập thể. Tuy đã tăng cường kiểm tra nhưng với số lượng nhân sự hạn chế, quận chỉ kiểm tra được trên 500.

"Quận đã thí điểm thành lập đội chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Việc này cần thiết để tiếp sức thêm các đơn vị chuyên ngành", bà Diệu đề xuất.

Thực phẩm bẩn bị buông lỏng quản lý

Trao đổi với Zing.vn sáng 9/12, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP HCM, nói HĐND TP đánh giá tình trạng thực phẩm bẩn còn tồn tại là do nhiều nguyên nhân.

Giám đốc Công an TP HCM: 'Tăng cường phòng chống khủng bố'

Thiếu tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP HCM cho biết trước nguy cơ khủng bố trên thế giới, ngành công an đã tăng cường, củng cố, rà soát phương án phòng chống.



Nhóm PV

Bạn có thể quan tâm