Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải góp phần gây kẹt xe

Mới 11 tháng, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón 25 triệu khách, vượt 5 lần so với quy hoạch, tạo nên áp lực giao thông rất lớn cho TP HCM.

Tại buổi thảo luận các vấn đề Kinh tế - Xã hội trong kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP HCM khóa XIII, nhiều đại biểu (ĐB) tỏ ra bức xúc với tình trạng ngập nước, kẹt xe và thực phẩm bẩn tràn lan vẫn chưa được giải quyết hiệu quả.

ĐB Thích Thiện Tánh bày tỏ lo lắng với công tác chống ngập suốt 5 nhiệm kỳ vẫn chưa giải quyết xong. Theo ông, công tác này, giao cho nhiều cơ quan đơn vị thì khó làm. “Nên để ngập ở quận huyện nào giao cho quận huyện đó chịu trách nhiệm. Ai làm tốt, thưởng. Không tốt thì phạt thì may ra mới hết. Các nhiệm kỳ trước vẫn lo công tác chống ngập, nay vẫn cứ phải bàn. Lại thêm ùn tắc giao thông, TP xe càng ngày càng đông, nhất là xe máy”, đại biểu Thích Thiện Tánh đề xuất.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM, thảo luận tại HĐND TP HCM sáng 9/12. Ảnh: H.An

Về vấn đề kẹt xe, ĐB Tánh hỏi, Bộ GTVT hay cơ quan nào cho nhập xe môtô phân khối lớn, cản trở giao thông? Bên cạnh đó, xe buýt là loại ôtô lớn với sức chở 40-50 người nhưng không hiệu quả. “Xe buýt là loại phương tiện phục vụ cho người nghèo nhưng lại lớn quá, cản trở giao thông. Có thể giữ xe buýt, nhưng đừng dùng xe lớn. Chỉ cần những loại gọn khoảng 25 chỗ là được, để giảm thiểu ùn ứ giao thông”.

Trả lời vấn đề ùn tắc, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc GT-VT phân tích, năm 2012, tình hình ùn tắc giao thông gia tăng, Chính phủ lúc đó triển khai chỉ đạo cấp bách. TP triển khai một loạt dự án, trong đó tiến hành xây dựng 6 cầu vượt bằng thép. Giải pháp và quyết tâm, phối hợp chung, nhất là trong phối hợp điều hành của CSGT, cảnh sát khu vực... và đã kiểm soát được. Cơ bản thời gian qua tình trạng ùn tắc đã giảm.

Tuy nhiên, cuối 2015 tình trạng này lại có chiều hướng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân, đó là lượng xe đăng ký mới, nhất là ôtô tăng cao. “Số lượng phương tiện 2015 là 7,5 triệu, trong khi đầu nhiệm kỳ (năm 2010) là 4,9 triệu. Để giảm ùn tắc, Sở cùng các đơn vị liên quan đã nỗ lực thực hiện nhiều chỉ tiêu, trong đó xây dựng 74 cây cầu và 374 km đường, các chỉ tiêu về hạ tầng đều đạt”, Giám đốc Sở GTVT TP HCM nói.

Theo ông Cường, giải pháp đã có nhưng ùn tắc vẫn gia tăng thời gian qua. Ngày 4/12 vừa qua, cảng hàng không Tân Sơn Nhất đón 25 triệu khách, vượt 5 lần so với quy hoạch trước đây. “Theo kế hoạch, đáng lẽ phải có 3 tuyến tàu điện để đảm bảo, hệ thống đường trên cao kết nối. Tuy nhiên các dự án khác chưa hoàn thành, tạo nên áp lực giao thông rất lớn”, ông Cường nói. 

Khu vực Lăng Cha Cả, cửa ngõ vào sân bay Tân Sơn Nhất trong một đợt kẹt xe nhiều giờ. Ảnh: Lê Quân.

Vấn đề vận tải khách công cộng, nhất là trợ giá xe buýt, ông Cường cho biết, từ 2002 đến nay, sản lượng hành khách tăng đáng kể, hơn 1 triệu lượt người/ngày, tăng hơn 10 lần. Hình ảnh xe buýt hiện nay chưa đạt kỳ vọng. Vận tải hành khách yếu, sản lượng giảm cũng như gây ùn tắc thêm nghiêm trọng.

Giám đốc Sở GTVT thẳng thắn nhìn nhận: “Để thu hút người dân, xe buýt phải đúng giờ, tiết kiệm hơn, an toàn, bảo vệ môi trường nhưng hiện nay vẫn chưa đảm bảo được 4 tiêu chí. Để giải quyết, Sở sẽ có cách làm mới và mấu chốt là thay đổi về trợ giá”.

Ông Cường thông tin, trợ giá có giảm trong mấy năm gần đây. Năm 2011 là 1.363 tỷ, chiếm hơn 50%; năm 2012: 48% và 2013 là 42%. Tuy nhiên năm 2015 chỉ còn 35%. Ở các nước phát triển, như Anh, Pháp, Mỹ, phần trợ giá 50-60%.

Theo ông Cường, vấn đề nằm ở chỗ, ở các nước này, phần trợ giá cũng tương ứng với lưu lượng vận tải chở khách. Trong khi đó, TP trợ giá 35% nhưng chỉ phục vụ 7-8% nhu cầu đi lại của dân. 

“Thay đổi trợ giá sẽ thay đổi cách thức đấu thầu, quản lý, phương tiện, ứng dụng CNTT, vé thông minh… Dự án nghiên cứu khả thi đã có và sẽ thúc đẩy. Có thể đến giữa 2016 sẽ thay đổi bản chất về trợ giá cho xe công cộng, từ đó sẽ có điều chỉnh, thúc đẩy vận tải công cộng phát triển”.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP HCM nhận định, tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông và vệ sinh an toàn thực phẩm, không tạo được sự hài lòng của người dân và đại biểu nhiều lần đặt ra tại kỳ họp. “Nhiều đại biểu cho rằng, có hiện tượng buông lỏng quản lý, không sát, không nắm được các vấn đề này. HĐND TP HCM yêu cầu UBND TP phải tăng cường xử lý, giải quyết trong thời gian sắp tới”, bà Tâm phát biểu.




Trường Nguyên - Võ Thuận

Bạn có thể quan tâm