Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng lực sĩ Cần Thơ hoãn cưới vì SEA Games

Đang ở giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp, lực sĩ Nguyễn Anh Thông đã phải tạm gác việc lên xe hoa để chinh phục tấm HCV tại SEA Games 27.

"Xong SEA Games, anh sẽ cưới em"

Nguyễn Anh Thông là lực sĩ thi đấu thành công nhất của thể hình Việt Nam trong năm 2013. Chỉ trong vòng 3 tháng anh đã chinh phục 2 chức vô địch danh giá. Tháng 9, anh lên ngôi tại giải thể hình vô địch châu Á ở hạng cân 60kg được tổ chức tại TP.HCM. Sau đó 2 tháng anh đánh bại “tượng đài” Phạm Văn Mách để lên ngôi tại giải thế giới được tổ chức tháng 11 ở Hungary. Đây là thành quả xứng đáng cho sự khổ luyện suốt 13 năm của VĐV đến từ Cần Thơ. Mục tiêu sắp đến của anh là chinh phục tấm HCV, để hoàn thành cú hat-trick vô địch.

Ít người biết được rằng Anh Thông đã phải hy sinh hạnh phúc cá nhân để tập trung tối đa cho sự nghiệp. “Dự định của tôi là trong năm 2013 này sẽ cưới vợ. Bạn gái tôi giục cưới suốt đó chứ, nhưng tôi thấy sự nghiệp đang ở đỉnh cao nên đành năn nỉ cô ấy chờ cho qua SEA Games đã”, Anh Thông ngậm ngùi chia sẻ.

Lực sĩ người Cần Thơ năm nay đã 30 tuổi. Bạn gái anh cũng là người cùng quê, làm kinh doanh. Anh Thông rất muốn góp gạo thổi cơm chung nhưng với việc ép cân, ăn kiêng để thi đấu trong suốt 9 tháng ròng, anh không có lựa chọn nào khác là phải tạm hoãn đám cưới. “Cô ấy hiểu, thông cảm cho tôi. Thế nên tôi sẽ cố gắng để giành HCV làm quà cưới”, Anh Thông hóm hỉnh cho biết.

Hiện tại Nguyễn Anh Thông đang theo 1 chế độ ăn rất khắc nghiệt. Hàng ngày anh ăn 4 bữa với 20 chén lòng trắng trứng gà và 4 cốc tinh bột. Sở dĩ anh ăn không nhiều như thế do phải ép từ 70kg để thi đấu ở hạng cân 60kg.

Từ người bán điện lạnh đến nhà VĐTG

Nguyễn Anh Thông đến với thể hình như một định mệnh. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó có 4 anh chị em tại Cần Thơ. Bố của anh làm nghề lái xe lam, mẹ buôn bán nhỏ ngoài chợ. Vì kinh tế gia đình quá khó khăn nên khi mới 16 tuổi, Anh Thông đã phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp gia đình.

Anh Thông đang tích cực tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 27.

Năm 1998, anh xin một chân bán hàng trong một cửa hàng buôn bán điện lạnh tại TP.Cần Thơ. Làm được 2 tháng, Anh Thông được người bạn làm cùng rủ đi tập thể hình chung. Vốn mong muốn có được một hình thể đẹp, Anh Thông khăn gói đi tập thể hình đều đặn sau khi hết ca làm.

Tập được một thời gian, chủ phòng tập thể hình đến động viên Anh Thông và khuyên anh nên tập thêm để đi thi đấu vì có phom người đẹp. Kể từ đó, lực sĩ trẻ lao vào tập luyện với giáo án khắc nghiệt hơn. Đến năm 2001, Nguyễn Anh Thông tạo được tiếng vang đầu tiên bằng tấm HCĐ ở giải các CLB thể hình toàn quốc tại Đồng Nai.

Thành tích này như một cú hích tinh thần cực lớn cho Nguyễn Anh Thông để anh chăm chút cho môn thể thao mà mình theo đuổi. Ngành thể thao Cần Thơ cũng tạo điều kiện giúp anh liên tục gặt hái huy chương trong nước cho đến khi anh được triệu tập vào ĐTQG năm 2008.

Mất đến 3 năm, Anh Thông chỉ tập cùng các đồng đội chứ không được xuất ngoại thi đấu. Nhưng điều đó không làm nhụt chí “Hercules” Tây Đô. Đến năm 2011 anh mới được cho đi thi đấu và giành HCB ở ĐNA lẫn châu Á. Một năm sau anh giành cả 3 HCB ở cả 3 giải khu vực, châu lục và thế giới.

Thành công đến với Nguyễn Anh Thông không phải ngẫu nhiên. Nó là thành quả từ những nỗ lực phi thường khi anh liên tục ép cân dài hạn từ 70kg xuống thi đấu ở hạng cân 60kg. Anh là một trong 3 võ sĩ của Việt Nam giành HCV thế giới kể từ năm 2001.

Lực sĩ người Cần Thơ chưa nghĩ đến những thành quả quá xa xôi. Anh hạnh phúc với những gì mà thể hình đã mang lại: “Thể hình giúp tôi có được ngày hôm nay và đỡ đần được cho gia đình. Cách đây 2 năm tôi bỏ ra hơn 300 triệu để mở phòng tập cùng với người bạn ở Cần Thơ để bố mẹ trông nom. Đến giờ vốn vẫn chưa thu được nhưng tôi thấy vui vì thành quả mình đã đạt được”.

Theo nghiệp thể thao là phải chấp nhận hy sinh và đánh đổi. Tấm HCV mà Nguyễn Anh Thông đang hướng đến tại SEA Games 27 quý giá vì những điều như thế.

May mắn cho Anh Thông khi anh được ngành thể thao Cần Thơ hỗ trợ hết mình. Sau chức VĐTG anh được tặng gần 100 triệu đồng tiền thưởng. Ngoài ra, lương và chế độ tại Cần Thơ của anh cũng được tăng lên gần 20 triệu đồng/tháng và không bị cắt khi lên tập trung cùng ĐTQG.

Nguyễn Đăng

Bạn có thể quan tâm