Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cây nhãn già còn đợi chú dơi con?

Chùm quả non khiến con trẻ háo hức đến kỳ lạ. Chúng tôi đợi từng ngày để được nếm bao ngọt lành chắt chiu từ lòng đất. Mỗi mùa hè, lại có vài vị khách không mời cùng ngóng đợi.

Từ đầu tháng, các quầy hoa quả ngoài chợ đã bán đầy nhãn. Những quả nhãn tròn căng, mọng nước, ngả màu nâu vàng, như miếng cau chưa được nắng. Tuy không bắt mắt, nhưng chúng vẫn khiến người ta phải thèm thuồng. Không có cái ngọt sắc sảo như vải hay mít, cũng chẳng có mùi thơm đáo để kiểu sầu riêng. Nhãn có cái vị rất hiền lành, ngọt thanh và man mát như đường phèn.

Thế mới khiến người ta ăn hoài không thấy chán. Nói đến đây, lại nhớ đến câu thành ngữ của ông bà ta xưa: “Lạt mềm buộc chặt”. Mít và vải đều có vị ngọt đậm, dễ làm người ta khé cổ, đã thế lại mau ngán. Nhãn thì khác, mọng nước và thanh hơn nhiều. Thế nên, ăn một quả lại muốn ăn hai, hai người ngồi chuyện phiếm, cả cân nhãn hết lúc nào không biết. Nhãn cuối mùa, già quả càng ngọt.

cay nhan gia anh 1

Tháng bảy, những quả nhãn ngọt lành đã mời gọi. Ảnh: Tri thức.

Ngày bé, bên hiên nhà bà ngoại có một cây nhãn rất to. Chúng tôi đợi mãi mà nó vẫn chưa chịu bói quả. Năm ấy, nồm ẩm và mưa dầm suốt cả tháng hai. Người già trong xóm bảo “nồm hành” như thế, chẳng trông mong gì cây cối đậu quả. Ấy thế mà cây nhãn già lại chịu bói. Đợi suốt cả mấy tháng, chỉ có vài chùm nhãn lơ thơ như tóc trẻ con mới đẻ, nhưng bù lại rất ngọt.

Từ đó trở đi, năm nào nó cũng cho quả. Bà ngoại không còn dọa chặt cây nhãn ấy nữa. Có cây nhãn bói, mùa hè trong vườn rộn ràng hơn hẳn. Cứ đến khi quả gần chín, chim chóc lại kéo đến, chí cha chí chách gọi nhau, huyên náo cả một góc vườn. Chào mào luôn là người nhanh nhảu nhất, chúng có mặt từ sáng sớm. Đã thế, mấy anh bạn này lại khôn lanh, luôn chọn được quả ngọt.

Sẻ quạt đến muộn hơn, đã vậy còn hấp tấp. Hình như chẳng ăn được mấy, chúng đã vội bay đi. Ngày bé, chị em tôi luôn thắc mắc, không biết lũ chim sâu bé tẻo teo đến ăn quả, hay là bắt mồi. Lúc nào chúng cũng đăm chiêu nhìn mấy tầng lá xanh rì.

Có một vị khách đặc biệt, mãi chiều tối mới đến. Đó là lũ dơi. Bọn này là ồn ào nhất. Chưa tới nơi, chúng đã kêu lên từng hồi dài “chéc, chéc” kỳ lạ, nghe hơi rờn rợn. Cứ nghe thấy tiếng dơi kêu, con chó Mực lại bực mình sủa um lên vài tiếng.

Mèo Mướp cũng được đà thể hiện, ngồi thủ thế trong góc, y như đang rình chuột. Nghĩ mà buồn cười, một con trên trời, một con dưới đất, chúng mày diễu võ dương oai thì được cái gì chứ.

Bầy dơi đến, mấy chị em tôi lại lục đục đi đóng cửa sổ. Nếu không nhanh tay, lũ dơi bay vào nhà còn mệt hơn. Thấy ánh sáng của đèn điện, chúng sẽ hoảng loạn mà nháo nhác lên như ong vỡ tổ. Có con còn đâm vào cột, vào tường mà chết chứ chẳng chơi. Thương nhất là mấy con dơi con, quýnh quáng lao vào góc nhà, bị con mèo Mướp vồ được. Nghịch chán, đến lúc con mèo ranh mãnh đó bỏ đi thì con dơi tội nghiệp cũng chết rồi.

Để đuổi chim chóc và dơi, người ta thường lấy vải trắng buộc lên cành cây. Thế nên vào mùa hè, vườn nhà nào có cây ăn quả là biết ngay. Sáng sớm, lúc đi quét vườn hay hái rau cho bà ngoại, chị em tôi vẫn tha thẩn dưới gốc nhãn, nhặt những quả vô tình bị chim chóc làm rụng. Ôi chao! Cả năm trời mới được ăn có khác, nhãn non, chưa “xuống nước” đã thấy ngọt và thơm lắm rồi.

Cuối tháng năm âm, mưa giông đã hay tới “hỏi thăm”. Sau mỗi cơn mưa chớp nhoáng ấy, lại có vô khối nhãn rụng, tha hồ cho trẻ con nhặt nhạnh ăn chơi. Thi thoảng đi chợ, bà vẫn mua cho chị em tôi dúm nhãn lồng, cùi dày, thơm ngọt. Khổ nỗi, đứa nào cũng ngóng chờ được ăn quả nhãn trơ, cùi mỏng te như giấy trong vườn nhà.

Cuối cùng cũng đến ngày bẻ nhãn. Cả nhà tất bật nửa buổi sáng là xong. Dúm nhãn to đẹp nhất sẽ được đem thắp hương cho ông bà. Bà cẩn thận chọn mấy dúm nữa để đi biếu xóm giềng lấy thảo. Năm nào nhãn được mùa, từ đầu tháng đến cuối tháng, người ta cứ mang nhãn đi biếu qua biếu lại như thế. Của chẳng đáng bao nhiêu, nhưng tình cảm xóm giềng “tối lửa tắt đèn” mới là thứ người ta phải trân trọng.

cay nhan gia anh 2

Mỗi mùa nhãn, ký ức về cái cây già cỗi trong vườn của ngoại lại ùa về. Ảnh: Thương hiệu nông nghiệp.

Cây nhãn trơ sau vườn đã cỗi lắm rồi. Mỗi năm ra quả càng ít. Ít đến nỗi chỉ đủ cho chim chóc đến ăn, cho có tiếng líu lo trong vườn. Chúng tôi cũng đã lớn, chẳng còn người bẻ nhãn. Thế nên bà cũng mặc kệ, không để ý đến nó nữa. Nhiều lúc tôi thầm nghĩ: “Có phải vì không còn ai ngóng đợi, nên cây nhãn già giận dỗi hay không?”.

Chiều hôm ấy chợt có cơn giông

Bầu trời thay đổi nhanh hơn cả cái chớp mắt vội vàng của ngày nắng chói chang. Đang yên ả, mây đen từ đâu kéo đến ào ào. Người người vội vã trước khi cơn mưa kịp đổ xuống.

Sẽ ra sao nếu tất cả chúng ta đều trở thành hoa hậu?

Có được một ngoại hình thu hút người đối diện là một điểm mạnh. Thế nhưng, vẻ ngoài không phải là tất cả. Bạn vẫn có thể tỏa sáng mà không cần một gương mặt khả ái.

Khu vườn nhỏ chứa đầy kỷ niệm tuổi thơ tôi

Nhìn mấy quả mướp lủng lẳng trên giàn, cùng đám rau dền non mơn mởn, ta thấy lòng bình yên đến lạ. Nhớ lại những ngày mùa xuân chưa xa, đám hạt giống mới nảy mầm.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm