Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cầu nối đưa sách đến bạn đọc

Hầu hết biên tập viên sách đều cho rằng niềm vui khi làm nghề là được tiếp cận đa dạng thể loại bản thảo, học hỏi từ nhiều tác giả và hơn hết là nhận được sự đón đọc từ độc giả.

“Làm nghề này, chúng tôi vui và cảm thấy có động lực khi được tiếp cận những bản thảo hay, làm việc cùng các tác giả có chuyên môn khác nhau để trải nghiệm ngòi bút, văn phong đa dạng của họ; sau đó chỉnh sửa bản thảo để chúng trở thành những tác phẩm được công chúng đón nhận nồng nhiệt”, anh Đình Ba - biên tập viên dòng sách khoa học xã hội, Trưởng phòng Biên tập 2, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - chia sẻ.

Thường được gọi với danh xưng “bà đỡ” cho những tác phẩm, biên tập viên chính là người đã âm thầm hoàn thiện và tôn thêm giá trị của mỗi cuốn sách khi giới thiệu chúng đến bạn đọc.

Niềm vui, động lực trong nghề

Khi nói về sứ mệnh của nghề, anh Đình Ba cho rằng khái niệm “bà đỡ” phản ánh khá chính xác đặc thù công việc biên tập sách.

bien tap vien sach anh 1

Biên tập viên Đình Ba trong buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách do anh biên tập Yêu một chút cũng đâu có sao. Ảnh: Ngọc Nhung, Thùy Linh.

Sau 7 năm gắn bó với nghề, anh Ba cho hay khi một bản thảo đến tay biên tập viên, họ sẽ phải thẩm định, nâng cấp, tạo sự chỉn chu thông qua việc sửa sang, tra cứu các chi tiết và tổng thể nội dung sách.

“Biên tập viên trước hết phải là người yêu sách thì mới cảm thấy hứng thú trong công việc. Động lực để tôi theo nghề này xuất phát từ mong muốn góp phần tạo nên những cuốn sách có giá trị, được độc giả đón nhận và khiến tác giả cảm thấy hài lòng, tin tưởng”, anh Ba trải lòng.

Niềm vui đối với biên tập viên Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM cũng đến từ cơ hội được gặp gỡ, học hỏi và quen biết nhiều tác giả khác nhau. Điều này giúp anh Ba vừa nâng cao nghiệp vụ, vừa tìm hiểu thêm nhiều kiến thức thú vị từ sách.

Biên tập viên là cầu nối, đưa bản thảo của tác giả thành một tác phẩm trọn vẹn cả về nội dung và hình thức.

Biên tập viên Nguyễn Lê

Gần 15 năm gắn bó với nghề, chị Nguyễn Lê - Phó trưởng Ban Biên tập, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông - cảm thấy vinh dự nhưng cũng “nặng trách nhiệm” với danh xưng “bà đỡ” khi nhận bất kỳ dự án xuất bản sách nào.

“Biên tập bất cứ bản thảo nào, tôi đều tâm niệm có thể đây là tác phẩm duy nhất của tác giả, để nhắc mình cố gắng chỉn chu, hoàn thiện ở mức tốt nhất", chị Lê chia sẻ.

Chị Lê cho biết hàng năm, biên tập viên thực hiện rất nhiều đầu sách, nhưng mỗi cuốn sách ra đời, chị đều nguyên vẹn cảm giác vừa hồi hộp, vừa háo hức, vui cùng niềm vui của tác giả. Khi ấy, biên tập viên thấy mình đóng vai trò cầu nối, đưa bản thảo của tác giả, thậm chí từ những trang viết tay còn dang dở, thành một tác phẩm trọn vẹn cả về nội dung và hình thức đến đông đảo bạn đọc.

Niềm vui của tác giả khi đón nhận “đứa con tinh thần” của mình ra đời hoàn hảo và sự đón nhận của bạn đọc cũng chính là nguồn động viên, khích lệ chị gắn bó với nghề.

bien tap vien sach anh 2

Chị Nguyễn Lê - Phó trưởng Ban biên tập, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông. Ảnh: NVCC.

Trải nghiệm thú vị cùng các tác giả

Khi nhắc tới danh xưng “bà đỡ”, chị Nguyễn Thu Giang - biên tập viên phòng Sách Văn học Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - cho rằng bên cạnh niềm vinh dự, bản thân người làm công tác biên tập sẽ chịu áp lực từ hai phía: Tác giả và bạn đọc.

Trong đó, niềm vui đối với chị Giang là được đồng hành cùng nhiều tác giả khác nhau, có những trải nghiệm thú vị về văn phong của từng cây viết. Còn đứng trên vai trò của bạn đọc, chị Giang luôn cảm thấy trân quý những bản thảo, cho dù tác phẩm đó có đến được với bạn đọc hay không.

Lý giải về khái niệm “bà đỡ”, biên tập viên Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho rằng danh xưng đó có nghĩa “rào trước, đỡ sau”. Tức là, người biên tập sách phải khai thác thị trường, tổ chức bản thảo, chỉnh sửa, trao đổi cùng tác giả để hoàn thiện tác phẩm đến khâu cuối cùng trước khi ra mắt bạn đọc.

“Sách là một sản phẩm đối với bạn đọc và người đọc nào cũng muốn mua được một sản phẩm tốt. Là cầu nối giữa tác giả và độc giả, tôi ý thức được rằng mình phải hoàn thiện tác phẩm một cách tốt nhất để hạn chế những phản hồi tiêu cực, đồng thời tăng những phản hồi tích cực từ độc giả”, chị Thu Giang nói.

bien tap vien sach anh 3

Chị Nguyễn Thu Giang - biên tập viên Phòng Sách Văn học Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Âm thầm làm “người đứng sau” những trang sách, nhưng chị Thu Giang vẫn tìm thấy cảm hứng làm nghề vì được trò chuyện với nhiều tác giả khác nhau, hiểu biết thêm về nhiều người, cách suy nghĩ và giá trị nhân văn mà họ muốn truyền tải qua con chữ.

Trên tất cả, sứ mệnh của người biên tập là “mang giá trị từ sách để phổ biến đến nhiều người hơn, bắc cầu để tác giả khẳng định thương hiệu và thông điệp của họ đến với công chúng”.

Trong khi đó, đối với chị Đàm Ly - Phó ban biên tập, Nhà xuất bản Hà Nội, người có 18 năm gắn bó với nghề - biên tập viên chính là “giám đốc của bản thảo”. Họ vừa phải khơi gợi, tìm hiểu và tập hợp đề tài; vừa biên tập, chỉnh sửa và tính toán thời điểm phù hợp để ra mắt tác phẩm.

“Mỗi cuốn sách khi đến tay bạn đọc phải mang giá trị chân, thiện, mỹ. Với tôi, việc được đọc đầu tiên bản thảo của tác giả và khám phá những câu chuyện hay từ các tác giả tài năng thực sự là niềm vui lớn nhất trong nghề; bên cạnh đó còn là sự háo hức đón nhận của người đọc”, chị Ly chia sẻ.

Người ẩn mình sau những trang sách

Khi một tác phẩm được vinh danh, người ta nhớ tới tác giả, dịch giả. Ít người nghĩ tới biên tập viên, người đứng sau tổ chức các khâu để cuốn sách ra đời.

Biên tập viên sách phải hiểu thị trường xuất bản

Theo ông Lê Hoàng, việc độc giả bỏ tiền mua sách sẽ quyết định sự thành bại của thị trường xuất bản. Do đó, đội ngũ biên tập viên cũng phải hiểu về thị trường.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm