Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biên tập viên là cầu nối mang tác phẩm giá trị đến bạn đọc

Công tác biên tập sách đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; mang những ấn phẩm có giá trị đến độc giả.

Sáng 18/5, tọa đàm với chủ đề “Vai trò của công tác biên tập với việc đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong hoạt động xuất bản sách” được tổ chức tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội).

bien tap vien sach anh 1

PGS.TS Trần Văn Hải chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Lê Vượng.

Coi trọng công tác giáo dục nhận thức

GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó chủ tịch phụ trách Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất bản - Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) nói các xuất bản phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

“Đây là cuộc đấu tranh lâu dài. Nó không phải phong trào hay đơn thuần là cuộc vận động, mà như cuộc chạy tiếp sức từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng đặc biệt chú trọng vào lớp trẻ. Trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn ra phức tạp, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phát triển dân tộc bền vững lại càng trở nên quan trọng hơn”, GS.TS Đinh Xuân Dũng nói.

Đồng tình với quan điểm đó, TS Vũ Thùy Dương - Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho rằng thế hệ trẻ là lực lượng quan trọng. Khoa Xuất bản chịu trách nhiệm đào tạo ra các biên tập viên sách. Do đó, càng cần coi trọng công tác giáo dục ý thức lý luận, chính trị cho sinh viên.

Theo PGS.TS Trần Văn Hải - nguyên Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - người làm sách thông qua việc biên tập sẽ góp phần xây dựng, định hướng nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời phát hiện những sai phạm trong bản thảo trước khi xuất bản thành sách.

bien tap vien sach anh 2

Đại diện Nhà xuất bản Khoa học Xã hội chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Lê Vượng.

Vai trò của biên tập viên sách

Cũng trong tọa đàm, PGS.TS Phạm Minh Phúc - quyền Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (đơn vị thực hiện nhiều đầu sách lý luận, chính trị, tôn giáo, khoa học) - cho rằng các nhà xuất bản cần thẩm định, biên tập kỹ càng đối với các tác phẩm thuộc chủ đề này.

“Chỉ cần thiếu nhạy cảm trong khâu biên tập, một con chữ, câu từ cũng có thể khiến nội dung sách khác đi. Không được phép lơ là, bỏ qua lỗi trong khâu biên tập, tránh gây nên những hệ lụy không đáng có”, PGS.TS Phúc nêu quan điểm.

Theo đại diện Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, biên tập viên có vai trò quan trọng. Họ phải đọc từng câu từ, cấu trúc và nghiên cứu ngữ nghĩa bên trong để phát hiện những chi tiết nhạy cảm.

Chia sẻ bên lề tọa đàm, TS Hoàng Mạnh Thắng - Giám đốc Trung tâm Thông tin nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - nói đứng trước sứ mệnh văn hóa, tư tưởng, người biên tập sách phải có trách nhiệm tập trung, nhận thức đúng đắn về bản thảo.

Cũng theo ông Thắng, biên tập viên sách không chỉ đóng vai trò là người sửa chữa về mặt câu từ trong bản thảo, mà còn phải biết trao đổi với các tác giả để tìm ra đề tài tốt.

“Biên tập viên như người gác cửa, là cầu nối để mang những ấn phẩm có giá trị từ tác giả đến đơn vị xuất bản và sau đó là độc giả đại chúng”, đại diện Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nói thêm.

Hướng đi mới cho mảng sách lý luận chính trị

Năm 2021, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thực hiện 832 đầu sách với số bản và trang in vượt xa so với 2020. Xuất bản điện tử cũng có sự chuyển biến tích cực.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm