Biên tập viên công ty sách (BTV) phải làm các công việc như: Liên hệ, làm việc cùng người dịch, biên tập, đọc bông, làm chú thích, làm index... Nhưng nếu chỉ chừng đó việc thôi, các BTV đã thấy “may mắn” lắm rồi.
Một BTV thường theo dõi tiến độ 3-5 cuốn sách cùng lúc. Ảnh: Omega+. |
Tham gia tổ chức xuất bản
Việc đâu chỉ có vậy, song song với cuốn sách đang trực tiếp biên tập để chuyển in, BTV phải điều phối, tổ chức xuất bản nhiều cuốn sách khác, chẳng hạn: Đề xuất khai thác nếu phát hiện những cuốn sách mới/hay, tổ chức dịch các cuốn sách A-Ă-Â, làm việc và mời ai đó biên tập cuốn sách B, ai đó đọc bông cuốn sách C, làm việc với người hiệu đính cuốn sách D…
Cùng một lúc, có thể một BTV phải theo dõi tiến độ của 3-5 bản thảo, có khi hơn, để quá trình xuất bản được vận hành liên tục không đứt quãng. Các công việc soạn hợp đồng, nghiệm thu, đề xuất thanh toán cũng là việc của BTV.
Ngoài vị trí biên tập viên còn có người tổ chức xuất bản hoặc tổ chức bản thảo. Người tổ chức bản thảo của nhà xuất bản đảm nhận công việc ngay từ lúc lên ý tưởng, cấu trúc văn bản, hệ thống xâu chuỗi các tài liệu rời, định bản… đến định hướng nội dung giám sát quy trình…
Với các công ty sách tư nhân, ngoài những việc vừa liệt kê, người tổ chức còn tham gia ý tưởng thiết kế các sản phẩm phái sinh nếu có, tham gia tổ chức tọa đàm, có khi làm diễn giả, điều phối viên... Vì vậy, vị trí này tôi gọi là tổ chức xuất bản.
Trong cơ chế liên kết xuất bản hiện tại, biên tập viên có thể biên tập hoặc tổ chức sách A (liên kết với tác giả tự in hay còn gọi là làm sách gia công, nhà xuất bản tự khai thác) và biên tập sách B (sách liên kết với các công ty sách tư nhân). Họ xử lý sách B nhiều hơn sách A, ngoại trừ một số trường hợp đặc thù như NXb Sự Thật, Giáo Dục, Trẻ, Đại học Sư phạm Hà Nội…
Đối với sách liên kết, các BTV nhà xuất bản thường sẽ nhận bản thảo được giao, đọc một lần trên văn bản tiếng Việt và gửi lại cho đối tác những phần yêu cầu chỉnh sửa nếu có.
Cũng có BTV nhà xuất bản tiến hành biên tập đối chiếu, tra cứu kỹ lưỡng đến từng cước chú, sửa rất chi tiết, nhưng không nhiều.
Những người biên tập sách ở các công ty tư nhân có thể chia thành hai bậc: biên tập viên thuần túy, làm theo sự phân công của trưởng ban, như BTV nhà xuất bản; biên tập viên cao cấp, người tổ chức xuất bản, tham gia sâu rộng hơn người tổ chức bản thảo bên phía nhà xuất bản, họ theo dõi và điều phối cùng một lúc nhiều bản thảo bên cạnh việc chuyên môn là biên tập, đọc bông, đóng gói chuyển in một cuốn sách cụ thể nào đó được phân công.
Người tổ chức xuất bản cũng phải quảng giao để mở rộng quan hệ với các cộng tác viên dịch/biên tập/đọc bông có tiềm năng và thạo nghề để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Có một thực tế là hiện nay, tìm cộng tác viên biên tập và đọc bông (gọi là “tỉnh táo viên”) có chuyên môn khó hơn tìm dịch giả.
Vai trò của BTV chưa được ghi nhận đúng mức. Ảnh: Omega+. |
Người lao động thầm lặng
Có thể nói, vai trò của BTV công ty sách là rất lớn và tối quan trọng, thế nhưng họ khá mờ nhạt và ít được ghi nhận.
Ngành xuất bản có biên lợi nhuận thấp, vì thế lương của biên tập viên hoặc người tổ chức xuất bản cũng không cao so với các ngành nghề khác, nhưng trách nhiệm của họ lại rất cao. Vì vậy, cũng không nhiều người theo nghề này.
Nếu bạn hỏi tôi nghề biên tập sách là nghề gì, làm gì? Tôi chỉ có thể trả lời ngắn gọn: Biên tập viên là những người lao động thầm lặng, vật lộn với chữ nghĩa hàng ngày hàng giờ, im lặng làm mọi thứ, chạy deadline, “công ít tội nhiều” và vô danh.
Tôi không có ý định biện hộ cho những cái sai của các biên tập viên, trong đó có bản thân tôi, khi để một số sách lỗi ra thị trường. Mọi phê phán, góp ý đúng và sự tự thức tỉnh sẽ giúp các biên tập viên ngày càng trưởng thành và có trách nhiệm hơn.
Đây là quan điểm của riêng cá nhân tôi, một góc nhìn của người trong cuộc, để góp một nét vẽ trong bức tranh lớn về nghề biên tập sách.