Dưới góc tiếp cận của ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM - phát triển văn hóa đọc và thị trường xuất bản không chỉ là các chính sách, hoạch định của cơ quan quản lý. Nó có thể bắt đầu từ chính mỗi người làm sách, đọc sách.
Câu chuyện đó được ông Lê Hoàng chia sẻ với đội ngũ làm sách của một công ty ở Hà Nội hôm 3/9.
Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Thị trường xuất bản có phát triển nhưng thấp
“Ai là người trả lương cho các bạn?” - câu hỏi mà ông Lê Hoàng nêu ra với các biên tập viên đã khơi mở một câu chuyện dài trong thị trường xuất bản hiện nay.
Câu trả lời là giám đốc doanh nghiệp trả lương đúng, nhưng chưa đi tới ngọn nguồn vấn đề. Theo ông Lê Hoàng, người trả lương cho các biên tập viên, họa sĩ thiết kế, chế bản, phát hành… chính là bạn đọc.
Độc giả có dốc túi tiền ra để mua sách hay không sẽ quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Do đó, nhiều người nói độc giả là “ông chủ” của người làm sách.
Trong thị trường xuất bản, số lượng bản sách là yếu tố sống còn. Một cuốn sách in ra với số lượng lớn bao nhiêu, lợi nhuận tăng bấy nhiêu. Chỉ có tăng số lượng bản sách, tiền tác quyền, lương trả biên tập viên mới tăng; giá sách sẽ giảm.
Chúng ta làm lệch, đầu tư nhiều vào việc làm ra cuốn sách, mà ít để ý cách xúc tiến bán sách.
Ông Lê Hoàng
Số lượng bản sách lại liên quan trực tiếp sức đọc của người dân. Nhiều người đọc sách, mua sách mới có thể tăng được lượng bản sách.
Tuy vậy, các số liệu cho thấy người Việt đọc sách chưa nhiều. Phân tích số liệu xuất bản từ năm 2014 đến 2019, ông Lê Hoàng cho biết số đầu sách đã tăng tới 30%, nhưng số bản in chỉ tăng 19%.
Năm 2019, ngành sách có 440 triệu bản, nhưng chỉ 140 triệu bản sách ra thị trường, còn lại là sách giáo khoa. Chia trung bình cho 97 triệu dân, lượng sách mà mỗi ngươi hưởng thụ là 1,4 bản sách/người/năm.
Doanh thu bán sách trên đầu người ở Việt Nam năm 2017 là 2 USD/người/năm. Con số này thấp hơn so với các nước trong khu vực: Malaysia (8,7 USD/người/năm), Thái Lan (10 USD/người/năm…
Từ số liệu đó, ông Lê Hoàng cho rằng ngành sách chưa quan tâm đúng mực vấn đề thị trường.
“Chúng ta làm lệch, đầu tư nhiều vào việc làm ra cuốn sách, mà ít để ý cách xúc tiến bán sách”, ông Lê Hoàng nói.
Phó chủ tịch Hội Xuất bản cho rằng người làm sách, cụ thể là đội ngũ biên tập viên, cần thay đổi tư duy để góp phần phát triển thị trường.
“Chúng ta đang bỏ rất nhiều tiền bạc, công sức, nhưng nếu cuốn sách mà mình lao tâm khổ tứ làm ra không bán được thì sao? Kinh tế xuất bản là bài toán khó hiện nay của toàn ngành”, ông Lê Hoàng nói.
Ông Lê Hoàng cho rằng biên tập viên phải tiếp cận nhiều đối tượng bạn đọc, từ giáo viên, thủ thư, phụ huynh, đến học sinh, để tìm hiểu nhu cầu của họ với sách. |
Biên tập viên phải hiểu thị trường
Trước nay, ngành sách quan niệm kinh doanh là công việc của người làm công tác phát hành. Ông Lê Hoàng cho rằng biên tập viên phải tham gia vào quá trình kinh doanh. Phó chủ tịch Hội Xuất bản đề xuất biên tập viên thực hiện 4 giải pháp.
Biên tập viên không chỉ là người khai thác, nhận bản thảo, biên tập, đối chiếu rồi hoàn thành. Đội ngũ biên tập cũng phải thâm nhập thị trường, đến cửa hàng sách, lắng nghe hơi thở thị trường.
Biên tập viên phải tiếp cận các đối tượng bạn đọc, giáo viên, thủ thư, phụ huynh để xem nhu cầu của họ với sách là gì. Từ đó, người làm công tác biên tập mới biết được nhu cầu thị trường, nắm “trend”, định hướng đề tài, tổ chức bản thảo.
“Nếu không tham gia kinh doanh từ lúc này, chúng ta không ‘ngửi’ được, không đánh giá được bản thảo này bán được hay không”, ông Lê Hoàng nói.
Biên tập viên phải trả lời được mảng sách của mình hiện nay có thị trường ra sao? Họ phải báo cáo tại sao bạn đọc thích hay quay lưng với mảng sách nào.
Ông Lê Hoàng tại buổi chia sẻ nghề nghiệp với đội ngũ nhân viên Nhã Nam hôm 3/9. Ảnh: Nguyễn Minh Hoàng. |
Thứ hai, biên tập viên cho ra đời cuốn sách, trong vòng 6 tháng phải báo cho giám đốc biết tác phẩm đang được bán trên thị trường ra sao; phải trả lời được câu hỏi “vì sao bán chạy?” hoặc “vì sao sách ế?”.
Quá trình thâm nhập thị trường như vậy mới tôi luyện cho biên tập viên bản lĩnh “ngửi” bản thảo. Nếu không thâm nhập, họ không thể chịu trách nhiệm sách bán được hay không.
Thứ ba, bản thẩm định mà biên tập viên gửi giám đốc duyệt in, chính là bản cung cấp cho người làm công tác phát hành, người bán sách. Người bán sách dựa vào đó để truyền thông, quảng bá ra thị trường.
Thứ tư, biên tập viên phải tiếp cận độc giả của mình. Họ có thể giới thiệu về cái hay, điều bổ ích trong cuốn sách mình làm ra tới từng đối tượng. Tùy từng mảng sách, biên tập viên có cách tiếp cận khác nhau. Ví dụ, làm sách thiếu nhi, sách bổ trợ giáo dục có thể đề xuất xây dựng tủ sách lớp học, tủ sách cho con...