Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu hỏi nhức nhối trước thềm World Cup ở Qatar

Chỉ ít ngày tới, người hâm mộ bóng đá sẽ tận hưởng không khí tại các sân vận động hay sống trong hàng trăm khách sạn ở Qatar, được xây dựng từ hàng chục nghìn lao động nước ngoài.

Các cổ động viên bóng đá sẽ sớm tá túc tại nhiều khách sạn ở Qatar khi bay đến quốc gia Trung Đông này theo dõi theo những trận đấu tại World Cup 2022. Những khách sạn hay các sân vận động hào nhoáng đều là kết quả của những năm lao động, bao gồm hàng chục nghìn công nhân nước ngoài.

Đến nay, nhiều người cho rằng đây là kỳ World Cup gây tranh cãi nhất, cả về thời gian thi đấu lẫn quá trình nước chủ nhà chuẩn bị cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh.

Mới đây, Khalid Salman, đại sứ World Cup của Qatar, đã đối mặt làn sóng chỉ trích vì bình luận của ông về người đồng tính, khẳng định đồng tính là điều bất hợp pháp và bị cấm tại Qatar.

Các tổ chức hoạt động bảo vệ quyền con người đã chỉ trích phát biểu của ông Salman về người đồng tính là "có hại và không thể chấp nhận".

12 năm với những hoài nghi

Trong số 8 sân vận động tổ chức các trận đấu tại World Cup, Qatar đã xây mới 7 sân vận động, cũng như những sân bay, tàu điện ngầm, các tuyến đường mới, cùng 100 khách sạn phục vụ du khách.

Toàn bộ tuyến phố đã đã được đổi mới quanh sân Lusail Iconic, nơi diễn ra trận chung kết.

Chính phủ Qatar cho biết đã thuê 30.000 lao động nước ngoài để xây dựng các sân vận động, chủ yếu là lao động từ Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Philippines.

Vào năm 2021, tờ Guardian cho hay 6.500 lao động nhập cư từ những nước trên đã thiệt mạng tại Qatar kể từ khi quốc gia Trung Đông này giành quyền đăng cai World Cup hồi năm 2010. Số liệu này được thu thập từ thông tin của đại sứ quán các nước ở Qatar.

Tuy nhiên, chính quyền Qatar cho biết con số tổng thể là nhầm lẫn, và không phải mọi thương vong được báo cáo đều liên quan đến các dự án cho World Cup. Phía Qatar nói nhiều người chết do tuổi già hoặc các vấn đề khác.

lao dong o qatar anh 1

Chính quyền Qatar và một số tổ chức quốc tế đã luôn "khẩu chiến" về cách đối xử với lao động nước ngoài. Ảnh: Reuters.

Chính quyền Doha nói trong các báo cáo tai nạn giai đoạn 2014-2020, đã có 37 lao động thiệt mạng tại công trình xây dựng sân vận động, với chỉ 3 người là “liên quan đến công việc”.

Tuy nhiên, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nói con số này dưới mức thực tế. Chính quyền Qatar đã không tính những trường hợp đau tim hoặc suy hô hấp là liên quan đến công việc, dù đây là những triệu chứng khi say nắng, do làm việc nặng dưới nhiệt độ cao.

Các báo cáo mà ILO thu thập lại chỉ ra 50 lao động nước ngoài thiệt mạng và 500 người khác bị thương nghiêm trọng chỉ trong năm 2021, với hơn 37.000 người khác bị thương nhẹ. Đài BBC Arabic cũng thu thập các bằng chứng chỉ ra chính quyền Qatar đã báo cáo thương vong ít hơn thực tế.

Dấu hỏi về điều kiện sống

Trong 12 năm kể từ khi Qatar đăng cai World Cup, nhiều tổ chức thế giới đã lên án cách chủ nhà đối xử với người lao động.

Vào năm 2016, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã cáo buộc các công ty Qatar cưỡng bức lao động. Nhiều công nhân phải sống trong những chỗ tồi tàn, buộc phải trả phí tuyển dụng, bị khấu trừ lương và tịch thu hộ chiếu.

Kể từ năm 2017, chính quyền Qatar đã tung ra nhiều biện pháp bảo vệ lao động nước ngoài làm việc trong điều kiện nắng nóng, giảm giờ làm, và cải thiện chỗ ở.

Nhưng trong báo cáo năm 2021 của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW), lao động nước ngoài vẫn bị trừ lương và bị trừng phạt bất hợp pháp, cũng như không được trả lương trong nhiều tháng, theo BBC.

Các công ty Qatar thường có một cách vận hành được gọi là “kafala”, với việc họ sẽ tài trợ cho những người nước ngoài đến Qatar làm việc, nhưng cấm những người này bỏ việc.

lao dong o qatar anh 2

Chính quyền Qatar bị cáo buộc đã không đảm bảo đủ điều kiện sống cho lao động nước ngoài. Ảnh: BBC.

Dưới áp lực từ các tổ chức nhân quyền, chính quyền Qatar đã bỏ thông lệ này, nhưng Tổ chức Ân xá cho hay nhiều công ty vẫn gây sức ép ngăn người lao động chuyển chỗ làm.

Phản ứng của các bên

Chính quyền Qatar đã phối hợp cùng ILO để đưa ra một loạt cải cách. Trong đó bao gồm đảm bảo các công ty trả lương đúng hạn.

Phát ngôn viên chính phủ Qatar nói các cải cách đang cải thiện điều kiện của người lao động nước ngoài tại đây. “Số lượng những công ty vi phạm các quy định sẽ tiếp tục giảm khi những biện pháp thực thi có hiệu lực", người này khẳng định.

Trong khi đó, quan điểm của các đội tuyển tham gia World Cup năm nay cũng trở thành tâm điểm chú ý.

Mới đây, Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) đã gửi thư đến 32 đội tuyển tham dự, nói rằng họ nên “tập trung vào bóng đá” và không cuốn vào các vấn đề chính trị, hay “đưa ra những bài học đạo đức”.

Tuy nhiên, liên đoàn bóng đá ở một số nước vẫn phản ứng trước tình hình tại Qatar. Tuyển Anh và xứ Wales nói rằng “nhân quyền được áp dụng ở mọi nơi”, trong khi Liên đoàn bóng đá Australia đã đăng một video chỉ trích Qatar ngược đãi lao động.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...

Biểu tình tại Bảo tàng FIFA phản đối Qatar

Cuộc biểu tình được tổ chức nhằm gây sức ép buộc nước chủ nhà Qatar tôn trọng và có biện pháp bảo vệ cộng đồng LGBT+ tại World Cup 2022.

Đại sứ World Cup của Qatar gây bức xúc

Khalid Salman, đại sứ World Cup của Qatar, đối mặt làn sóng chỉ trích vì bình luận của ông về người đồng tính.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm