Các đơn khiếu nại vẫn đang được xử lý, và “vì vậy ở thời điểm này chưa có cảnh sát nào phải chịu kỷ luật”, quan chức phụ trách an ninh của Hong Kong John Lee Ka-chiu cho biết khi trả lời chất vấn từ các nghị sĩ của đặc khu.
Ông Lee cho biết trong số đó có 467 đơn khiếu nại đến từ những cá nhân cho rằng họ đã phải chịu các hành xử sai phạm của cảnh sát.
Biểu tình ở Hong Kong đã leo thang trong tháng này, khi một số người biểu tình phá hoại các cơ sở kinh doanh có liên hệ với đại lục, chặn các tuyến đường và ném bom xăng vào cảnh sát, còn cảnh sát đáp trả bằng hơi cay, dùi cui và các đợt bắt giữ hàng loạt.
Đã có hàng trăm lượt khiếu nại đối với cách cảnh sát Hong Kong ứng phó với các cuộc biểu tình. Ảnh: SCMP. |
Kể từ tháng 6, đã có khoảng 5.800 người bị bắt giữ vì liên quan tới biểu tình. Khoảng 2.600 người đã bị thương và phải nhập viện, bao gồm 470 cảnh sát, ông Lee trả lời Hội đồng Lập pháp Hong Kong.
Cảnh sát đã bắn 19 viên đạn thật, trong đó 3 phát trúng người biểu tình, và 10.000 viên đạn hơi cay.
Các nghị sĩ cũng chất vấn về những vụ việc cụ thể, như vụ xịt chất nhuộm màu xanh ở thánh đường Kowloon ngày 20/10, vụ người biểu tình bị trúng đạn thật ở Sai Wan Ho ngày 11/11, hay vụ bắt giữ 80 nhân viên y tế vào tuần trước khi họ rời Đại học Bách Khoa Hong Kong, nơi bị cảnh sát bao vây.
Cuối tháng trước, cảnh sát Hong Kong cho biết đã ghi nhận 2.600 trường hợp cảnh sát và gia đình họ bị người biểu tình đăng tải thông tin cá nhân ở trên mạng. Vì vậy, họ đang được nhận hỗ trợ lên tới 860 đôla Hong Kong (110 USD) để thay biển xe.
Các cuộc biểu tình ban đầu phản đối dự luật dẫn độ (đã bị rút lại), vốn sẽ cho phép nghi phạm Hong Kong bị đưa sang đại lục xét xử.
Nhưng sau đó, phong trào đã chuyển thành phản đối chính quyền Hong Kong, yêu cầu các cải cách chính trị sâu rộng hơn chính quyền không chấp thuận, chẳng hạn như bầu lãnh đạo đặc khu theo phổ thông đầu phiếu.