Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cảnh sát Ai Cập giăng bẫy ‘săn lùng’ người đồng tính

Tại Ai Cập, cảnh sát đang sử dụng các ứng dụng hẹn hò phổ biến để truy tìm và buộc tội những người thuộc cộng đồng LGBT.

Ai Cap anh 1

Từ lâu, các cáo buộc về việc cảnh sát truy tìm những người thuộc cộng đồng LGBT đã xuất hiện ở Ai Cập - quốc gia kỳ thị đồng tính luyến ái nặng nề.

Theo chia sẻ của cây bút Ahmed Shihab-Eldin, người từng lớn lên ở Ai Cập, ông nhận thức rõ sự kỳ thị đồng tính tràn lan khắp nơi trong xã hội này. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, những người bạn của ông cho biết mọi thứ đã trở nên tàn nhẫn hơn nhiều và các chiến thuật theo dõi cũng tinh vi hơn.

Ai Cập không có luật riêng chống lại đồng tính luyến ái, nhưng cuộc điều tra của BBC phát hiện tội "đồi trụy" - một loại tội mại dâm - đang được sử dụng để hình sự hóa các mối quan hệ của cộng đồng LGBT.

Các báo cáo của cảnh sát cũng cho thấy cách họ giăng bẫy và thậm chí ngụy tạo bằng chứng để bắt giữ những người đồng tính.

Giăng bẫy

Các nhân chứng đã tiết lộ cách cảnh sát bắt chuyện với họ qua ứng dụng hẹn hò. Trong một cuộc trò chuyện trên WhosHere, viên cảnh sát dường như đang gây áp lực buộc đối phương phải gặp mặt trực tiếp. Sau đó, người này đã bị bắt giữ.

Đoạn tin nhắn được chia sẻ với BBC.

Cảnh sát: Anh đã ngủ với đàn ông bao giờ chưa?

Người dùng: Rồi.

Cảnh sát: Chúng ta gặp nhau nhé?

Người dùng: Nhưng tôi sống cùng bố mẹ.

Cảnh sát: Đừng ngại, chúng ta có thể gặp nhau ở nơi công cộng và sau đó đến căn hộ của tôi.

Ai Cap anh 2

Cây bút Ahmed Shihab-Eldin của BBC trò chuyện với nhân chứng có biệt danh Laith. Ảnh: BBC.

Tại Ai Cập, cộng đồng LGBT rất khó gặp đối tượng hẹn hò ở nơi công cộng, do đó các ứng dụng kết đôi rất phổ biến với họ. Tuy nhiên, chính những chia sẻ trên nền tảng này có thể là căn cứ bắt giữ, dựa trên hành vi kích động đồi trụy hoặc luật đạo đức công cộng ở Ai Cập.

Cảnh sát không chỉ nhắm mục tiêu vào người Ai Cập mà cả công dân nước ngoài, bao gồm một người có biệt danh Matt.

Cảnh sát đã cử người bắt chuyện với Matt trên ứng dụng hẹn hò đồng tính nổi tiếng Grindr. Theo báo cáo của cảnh sát, sau đó Matt "thừa nhận hành vi đồi bại, sẵn sàng tham gia vào cuộc ăn chơi trác táng miễn phí, đồng thời gửi những bức ảnh cơ thể của anh ta". Anh bị bắt, buộc tội "đồi trụy" và bị trục xuất.

Trong một số báo cáo điều tra khác, cảnh sát dường như cố gây áp lực lên những người chỉ đơn thuần tìm kiếm một tình bạn hay mối quan hệ mới, buộc họ đồng ý quan hệ tình dục vì tiền.

Theo các chuyên gia pháp lý Ai Cập, nếu có chứng cứ nghi phạm quan hệ vì tiền, hoặc đề nghị trao đổi, các nhà chức trách sẽ có cơ sở đưa vụ việc ra tòa.

BBC đã liên hệ với một nạn nhân của kế hoạch này - vũ công đồng tính nam có biệt danh Laith. Vào tháng 4/2018, Laith nhận được tin nhắn qua điện thoại: "Xin chào bạn khoẻ không?". Người này đã rủ Laith đi uống nước.

Tuy nhiên, khi Laith đến chỗ hẹn, anh không gặp người đã liên lạc với mình. Thay vào đó, Laith bị cảnh sát bắt và tống vào phòng giam của đội phòng chống tệ nạn xã hội. Một viên cảnh sát thậm chí đã dụi điếu thuốc vào cánh tay anh, Laith kể và cho ông Eldin xem vết sẹo.

"Đó là lần duy nhất trong đời tôi cố gắng tự sát", Laith nói.

Phá vỡ sự im lặng

Laith bị bỏ tù 3 tháng vì "thói quen ăn chơi trác táng". Sau khi anh kháng cáo, bản án được giảm xuống một tháng. Laith nói rằng cảnh sát cũng cố gắng ép anh tiết lộ danh tính những người đồng tính khác mà anh biết.

"(Viên cảnh sát) nói với tôi: 'Tôi có thể bịa ra một câu chuyện hoàn toàn khác về anh nếu anh không cho tôi vài cái tên’", Laith kể lại.

Ai Cap anh 3

Người hâm mộ mang cờ ủng hộ cộng đồng LGBT trong buổi hòa nhạc ở Cairo vào năm 2017. Ảnh: Reuters.

Chính phủ Ai Cập từng công khai lên tiếng về việc sử dụng hoạt động giám sát trực tuyến để truy tìm mục tiêu mà họ gọi là "các cuộc tụ tập đồng tính luyến ái".

"Chúng tôi đã tuyển dụng cảnh sát trong thế giới ảo để khám phá hàng loạt bữa tiệc tình dục nhóm, tụ tập đồng giới", Ahmed Taher, cựu trợ lý của Bộ trưởng Nội vụ về tội phạm Internet và buôn người, nói với tờ Ahl Masr vào năm 2020.

Ai Cập cũng từng bắt giữ hàng chục người hâm mộ vẫy cờ cầu vồng ủng hộ quyền của cộng đồng LGBT tại một buổi hòa nhạc ở Cairo vào năm 2017, theo Guardian.

Trước động thái của cảnh sát Ai Cập, Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung của Vương quốc Anh cho biết họ không hỗ trợ Ai Cập trong việc đào tạo cảnh sát về các hoạt động này.

Nghị sĩ Anh Alicia Kearns cũng khẳng định bà muốn làm nhiều hơn nữa để cảnh báo khách du lịch thuộc cộng đồng LGBT về những rủi ro ở các quốc gia như Ai Cập, "nơi xu hướng tính dục có thể bị vũ khí hóa chống lại họ".

"Tôi sẽ kêu gọi chính phủ Ai Cập ngừng tất cả hoạt động nhắm vào các cá nhân trên cơ sở xu hướng tính dục”, bà nói.

Chính phủ Ai Cập không trả lời yêu cầu bình luận của BBC.

Trong khi đó, các băng nhóm tội phạm cũng đang sử dụng chiến thuật tương tự cảnh sát để tìm kiếm những người đồng tính. Chúng tấn công và làm nhục họ, đồng thời tống tiền họ bằng cách dọa đăng video lên mạng.

BBC đã tìm ra hai nạn nhân, gọi là Laila và Jamal.

Cách đây vài năm, một đoạn phim lan truyền khắp nền tảng trực tuyến của Ai Cập cho thấy cả hai bị buộc thoát y, nhảy múa, bị đánh đập và lạm dụng. Họ nói rằng những người đứng sau video là Bakar và Yehia.

Nhóm phóng viên BBC đã xem ít nhất 4 video có sự xuất hiện của Bakar và Yehia hoặc nghe tiếng họ tống tiền và lạm dụng các nạn nhân trước khi đăng video lên Whatsapp, YouTube và Facebook.

Một trong những nạn nhân xuất hiện trong video này là Saeed, 18 tuổi. Anh chia sẻ từng cân nhắc hành động pháp lý với Bakar và Yehia, nhưng bị luật sư ngăn cản. Vị luật sư giải thích rằng xu hướng tính dục của Saeed sẽ bị coi là tội ác, hơn cả những gì anh phải chịu đựng. Gia đình Saeed cũng bỏ rơi anh khi nhận được đoạn video tống tiền.

"Tôi bị trầm cảm sau những gì đã xảy ra, khi đoạn video lan truyền đến tất cả bạn bè của tôi ở Ai Cập. Tôi không đi ra ngoài và không dùng điện thoại’, anh nói.

Việc đưa tin về cộng đồng LGBT đã bị cấm tại Ai Cập kể từ năm 2017, khi cơ quan quản lý truyền thông tuyên bố đồng tính luyến ái là một "căn bệnh đáng xấu hổ" và không nên được quảng bá, theo Egyptian Streets.

Song những người như Laila, Saeed, Jamal và Laith đã chọn bước ra khỏi bóng tối và phá vỡ sự im lặng.

Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn

Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.

Nơi trứng gà thành món xa xỉ, sách mỏng đi vì đồng tiền lao dốc

Sau nhiều tháng đồng tiền lao dốc, Ai Cập ngày càng cảm nhận rõ cuộc khủng hoảng lạm phát khiến trứng gà trở thành mặt hàng xa xỉ và nhiều người phải mua sách trả góp.

Vì sao Ai Cập kêu gọi người dân ăn chân gà?

Triển vọng kinh tế của Ai Cập xấu đến mức chính phủ phải kêu gọi người dân ăn chân gà để thay thế các thực phẩm giàu protein khác.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm