Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau và liên tục thay đổi kịch bản để chiếm đoạt tiền của người dân. Ảnh: T.L. |
Chiều 24/10, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội định kỳ, Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM, cho biết cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao đã có xu hướng gia tăng.
Qua công tác nghiệp vụ, Công an TP.HCM đã ghi nhận các đối tượng tạo lập các trang web, ứng dụng, mạng xã hội mạo danh tổ chức ngân hàng, tổ chức tài chính, đơn vị trung gian thanh toán.
Sau khi tiếp cận nạn nhân bằng nhiều hình thức, các đối tượng áp dụng nhiều kịch bản khác nhau để đối phó với cơ quan chức năng và dẫn dụ người dân.
Theo đó, một số kịch bản thường được sử dụng là mời nâng cấp thẻ tín dụng; vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp; thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ; hướng dẫn cập nhật sinh trắc học, thông tin tài khoản...
Sau đó, các đối tượng thao túng và yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu và đặc biệt là mã OTP xác thực.
Đồng thời, hiện nay có hiện tượng đối tượng dẫn dụ nạn nhân cài đặt ứng dụng giả mạo trên điện thoại thông minh; các ứng dụng này có chứa mã độc và chiếm quyền điều khiển điện thoại để đánh cắp thông tin sau đó thực hiện việc chuyển tiền trực tuyến để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Một kịch bản khác còn được các đối tượng lừa đảo áp dụng là tạo hình ảnh giả mạo hóa đơn chuyển tiền, liên hệ doanh nghiệp, hộ kinh doanh để mua hàng. Sau đó, các đối tượng đưa ra nhiều lý do để lý giải cho việc chuyển khoản, nhưng nạn nhân chưa nhận được tiền.
Các đối tượng sẽ chiếm đoạt tài sản, hàng hóa của nạn nhân hoặc thông báo chuyển thừa tiền, nhờ mua giúp hàng hóa ở các doanh nghiệp khác kèm số điện thoại liên hệ, thực chất là do các đối tượng đóng giả.
"Hàng hóa nhờ mua giúp có giá tiền cao hơn rất nhiều so với giá trị niêm yết để kích thích ham muốn có lời khi mua giúp. Khi nạn nhân chuyển khoản, số tiền sẽ bị các đối tượng chiếm đoạt", Thượng tá Nguyễn Thăng Long phân tích.
Với thực trạng này, Công an TP khuyến cáo người dân thường xuyên nâng cao nhận thức về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến.
Đồng thời, cần chú ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trong quá trình tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn website không rõ nguồn gốc; chỉ cài đặt các ứng dụng trực tuyến từ các nguồn chính thức của hệ điều hành điện thoại.
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau và liên tục thay đổi kịch bản nhưng mục đích cuối cùng vẫn là tiền trong các tài khoản ngân hàng, ví điện tử, ứng dụng thanh toán trực tuyến... của nạn nhân.
"Do đó, khi gặp những tình huống yêu cầu thực hiện các hoạt động liên quan các loại tài khoản hay cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại dùng để đăng ký tài khoản và yêu cầu chuyển khoản thì phải cảnh giác, lưu ý, kiểm tra kỹ tất cả các thông tin liên quan trước khi thực hiện việc giao dịch", lãnh đạo Công an TP nhấn mạnh.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.