Căng thẳng là kẻ thù của hệ thần kinh lẫn đường ruột. Ảnh: V.W. |
Một trong những nguyên nhân lớn nhất (và thường được bỏ qua nhất) của bệnh rò rỉ ruột là cảm xúc và căng thẳng tinh thần. Stress làm cho chúng ta bệnh, làm suy kiệt cảm xúc và có thể làm trầm trọng thêm bất cứ chứng bệnh nào chúng ta đang mắc.
Trên thực tế, hơn 75% tổng số những lần thăm khám bác sĩ là vì stress và các chứng bệnh liên quan. Nhiều chứng bệnh có liên quan đến bệnh rò rỉ ruột và điều này không phải là ngẫu nhiên. Mối liên kết thân-tâm không phải là một triết lý mà là một thực tế sinh lý.
Vi sinh vật và các tế bào thần kinh trong ruột liên tục liên lạc với nhau và với bộ não thông qua cái được biết đến là trục ruột-não-vi sinh vật. Nằm ở trung tâm của trục này là dây thần kinh phế vị.
Đó là một bó dây thần kinh dày đặc chạy dọc theo sống lưng, kết nối hàng trăm triệu nơron trong hệ thần kinh đường ruột với phần nền của não ở tủy sống. Sự kết nối này là gốc của cảm giác“rộn ràng trong bụng” khi chúng ta phấn khích hoặc cảm giác “buồn lòng” khi chúng ta bị stress.
Ngoài mối liên hệ trực tiếp ruột-não này, chúng ta còn có “bộ não thứ hai” với hàng triệu dây thần kinh đường ruột. Chúng có trách nhiệm chứa những cơ quan thụ cảm phản ứng lại sự hiện diện của một số vi khuẩn đường ruột và những chất chuyển hóa như các axit béo chuỗi ngắn.
“Bộ não thứ hai” này chịu trách nhiệm sản xuất 90% serotonin của cơ thể (chất dẫn truyền thần kinh của sự thỏa mãn có tác dụng làm dịu sự lo âu và trầm cảm) cũng như hơn 50% dopamine (chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến sự phấn khích, tiếp thu và tưởng thưởng).
Khi sự cân bằng vi sinh vật trong đường ruột bị mất đi, vi trùng mầm bệnh có thể can thiệp vào sự sản xuất các chất dẫn truyền này bằng nhiều cách. Chúng có thể ăn hết dưỡng chất hỗ trợ tâm trạng và tiết ra hóa chất độc hại can thiệp vào sự tổng hợp nội tiết tố và vitamin.
Khi không thể sản xuất một lượng chất dẫn truyền tối ưu, nhiều khả năng chúng ta bị stress nặng. Stress này có khuynh hướng lâu dài trở thành thách thức đối với sức khỏe tinh thần như giận dữ mạn tính, lo âu, trầm cảm và những chứng bệnh khác.
Các cơ chế này vận hành trong một vòng tròn liên tục. Càng có ít vi sinh vật tốt, bạn càng có ít chất dẫn truyền thần kinh tích cực và càng có khuynh hướng nhạy cảm với stress.
Nếu cơ thể càng sản xuất nhiều nội tiết tố stress, bạn càng bị chứng viêm làm hư hại màng dạ dày, gia tăng khả năng phát triển chứng rò rỉ ruột, dẫn đến việc gia tăng mức độ vi khuẩn mầm bệnh và sự phát triển men quá mức. Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Ruột (Gut) vào năm 2014 nói rằng stress cảm xúc và stress tâm lý làm gia tăng mạnh mẽ nguy cơ mắc bệnh rò rỉ ruột và bệnh viêm đại tràng.
Thậm chí những cơn stress ngắn cũng có thể kích hoạt hoặc làm cho bệnh rò rỉ ruột trở nên tệ hại hơn. Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học giám sát đáp ứng stress của những người tham gia.
Họ phải đối mặt với một sự kiện căng thẳng (trong trường hợp này là một buổi phát biểu nơi công cộng) và được đo mức độ cortisol cũng như kiểm tra sức khỏe đường ruột. Người ta phát hiện ra rằng những người tiết ra nhiều cortisol nhất khi phản ứng với stress cũng bị thay đổi rõ rệt nhất trong khả năng thẩm thấu ruột.
Tôi tin rằng một trong những nhân tố góp phần vào bệnh ung thư của mẹ tôi cũng như chứng rò rỉ ruột là do bà có thiên hướng bị stress mạn tính. Mẹ tôi có ba đứa con nhỏ và làm việc năm ngày một tuần dạy trẻ em những nhu cầu đặc biệt. Là một người vợ và người mẹ tận tụy, bà hướng dẫn những hoạt động sau giờ học cho chúng tôi, hầu như ngày nào nấu bữa tối và dọn dẹp nhà cửa.
Nhìn lại, tôi không biết bà đã đảm đương tất cả mọi việc ấy như thế nào. Vì lịch làm việc quá bận rộn và stress cảm xúc, mẹ tôi liên tục bị quá tải và suy nhược. Cho đến lần thứ hai mẹ tôi được chẩn đoán là ung thư và bà đã làm theo lời khuyên của tôi thay đổi chế độ ăn.
Sách Ăn bẩn sống lâu của tác giả Dr.Josh Axe. Ảnh: H.H. |
Tuy nhiên, chính sự thay đổi lối sống đã giúp bà giảm stress. Bên cạnh việc dành nhiều thời gian hơn với thú tiêu khiển ngoài trời ưa thích nhất của mình (và tiếp xúc nhiều hơn với chất bẩn) là cưỡi ngựa và làm vườn, mẹ tôi còn:
- Cắt giảm thời gian làm việc cho đến khi được chuyển hẳn sang vị trí làm việc bán thời gian với 24 giờ một tuần
- Ngày Chủ nhật nghỉ hẳn không làm việc gì
- Tập thể dục 30 phút mỗi ngày
- Trị liệu bằng xoa bóp
- Đi bộ nhiều trong thiên nhiên
- Xem những bộ phim vui nhộn cùng với bố tôi
Mẹ tôi gặp một trở ngại tinh thần khá lớn khi tự cho phép mình giảm tải. Tuy nhiên, một khi đã quyết tâm chăm sóc bản thân để trở lại với thiên nhiên và có nhiều thời gian sống tách biệt với thế giới ganh đua, sức khỏe mẹ tôi đã thay đổi một cách tổng thể.
Việc sống chậm có thể khó thực hiện. Tôi biết điều đó! Chúng ta đều muốn sống có ích nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta có thể dễ dàng tự đưa mình vượt qua khỏi điểm giới hạn của bản thân.
Đường ruột chính là một trong những nơi đầu tiên trong cơ thể phải hứng chịu những hậu quả tai hại của stress. Một khi màng ruột bị chọc thủng, chứng viêm kéo theo có thể làm trầm trọng thêm những đáp ứng stress khác. Hãy xét kỹ cách stress ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột trong cuộc sống của chúng ta.