Tình trạng căng thẳng kéo dài do công việc gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ảnh: energepic/pexels. |
Stress mạn tính có hại cho sức khỏe con người nhưng mỗi chúng ta đều có được mạng sống là nhờ đáp ứng stress bẩm sinh của cơ thể. Khi xưa, đứng trước một mối đe dọa, tổ tiên chúng ta phản ứng bằng cách chống lại hoặc trốn chạy. Đó là cách họ tồn tại trong thời gian đủ lâu để sinh ra những thế hệ sau. Không có stress, chúng ta đều tuyệt chủng cùng với loài khủng long.
Phản ứng lại một mối đe dọa sẽ khiến cho hệ thống vùng dưới đồi - tuyến yên - thượng thận (hypothalamus-pituitary-adrenal) sản sinh các nội tiết tố stress giúp cho cơ thể sẵn sàng chống chọi với tình huống. Stress làm hormone adrenaline và cortisol tràn ngập cơ thể.
Huyết áp, nhịp thở và nhịp tim tăng và glucose được tiết vào trong máu để chuẩn bị năng lượng. Tất cả các chức năng của hệ tiêu hóa và miễn dịch được kìm nén hoặc được trì hoãn để giúp cơ thể tập trung vào tình huống trước mắt.
Trong tình huống khủng hoảng thật sự, bạn sẽ chống lại hay trốn chạy. Bạn sẽ đốt cháy lượng adrenaline và cortisol của mình qua sự tận lực, sử dụng lượng glucose phụ trội để tăng tốc thật nhanh.
Khi đe dọa đã lắng xuống, bạn sẽ trải nghiệm sự tiết ra chất dopamine, phần thưởng của não dành cho việc sống sót khỏi thách thức. Sau đó, khi đắm mình trong ánh hoàng hôn sau một ngày làm việc, bạn sẽ thấy thư thả khi nghỉ ngơi và dành thời gian cho những người/vật bạn yêu quý. Tất cả những hành động này sẽ giúp duy trì sự cân bằng trao đổi chất và nội tiết tố.
Đối với nhiều người trong chúng ta ngày nay, “đánh lại hay bỏ chạy” không phải là một cơ chế sống sót khẩn cấp mà là một phương thức vận hành mặc định. Có lẽ chúng ta cho rằng mình sẽ thể hiện tốt hơn nếu bị áp lực hoặc sẽ thăng hoa khi đến điểm cuối. Do đó chúng ta trở thành những kẻ nghiện adrenaline đúng nghĩa.
Chúng ta nghiện sự tăng vọt chất norepinephrine và theo sau đó là sự phát thải chất dopamine. Ngay sau đó cơ thể tiếp nhận và kích hoạt một đáp ứng sinh lý tương tự tổ tiên chúng ta từng cần để chống lại (hoặc bỏ chạy) để giữ mạng. Những nội tiết tố stress tràn ngập cơ thể khi chúng ta bị kẹt xe, xếp hàng dài, mắc kẹt vào một cuộc họp hoặc đến trường đón con trễ.
Cuốn sách Ăn bẩn sống lâu của tác giả Dr. Josh Axe. Ảnh: H.H |
Kết quả chung cuộc là cơ thể của chúng ta liên tục bị đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, hiếm khi những nội tiết tố stress này tan hết hoặc cơ thể ít có thời gian tĩnh dưỡng và lấy lại cân bằng. Chúng ta không xoa dịu chính mình hoặc tự tước bỏ thời gian nghỉ dưỡng sau một sự kiện đầy stress.
Thậm chí chúng ta lại chuyển sang một hoạt động mới cũng đầy stress và cơ thể chúng ta nhận thông điệp rằng chúng ta đang ở trong một trạng thái khẩn cấp không ngớt.
Đặc tính này không chỉ nảy sinh từ những thói quen xấu hoặc thiếu những kỹ năng đối phó tích cực. Ở một số người, đặc tính này được cài vào từ lúc mới sinh hoặc thời thơ bé. Những tổn thương đầu đời có thể châm ngòi cho cơ thể tiết ra thêm nhiều cortisol để đáp ứng với stress.
Người ta đã nghiên cứu trên động vật và thừa nhận tổn thương đầu đời có thể thiết lập một đặc tính cho bệnh ruột thẩm thấu (và thậm chí những vi khuẩn gây bệnh có thể di cư vào trong gan và lá lách) từ lúc mới sinh. Ở những trường hợp khác, thậm chí có sự chuyển đổi tinh vi trong quần thể vi sinh vật ở giai đoạn đầu đời.
Sự chuyển đổi này cũng có thể làm gián đoạn sự phát triển bình thường trong cơ thể của trục đồi thị‑tuyến yên‑tuyến thượng thận hoặc mối liên hệ thân-tâm.
Khi hệ thống này không có điều kiện trưởng thành một cách trọn vẹn, nó có thể thay đổi tính đáp ứng của chuỗi phản ứng não-tuyến nội tiết-cơ thể và não-hệ miễn dịch-cơ thể. Ngược lại, những người ít bị stress theo huyết thống hoặc hệ vi sinh vật được cân bằng từ sớm sẽ biết cách đối phó với stress dễ dàng hơn phần nào.
Những người có cuộc sống gia đình hay tranh cãi hoặc những đứa trẻ có đường ruột bị dồn ứ nhiều vi khuẩn đáng lo ngại, khi lớn lên cơ thể sẽ tiết ra nhiều cortisol hơn và chịu viêm nhiều hơn để đáp ứng với stress trong suốt cuộc đời.