Tàu hộ tống USS Bunker Hill, thuộc nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, đã cập cảng tại Đà Nẵng vào trưa 5/3. Trong lúc đó, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang đậu bên ngoài vịnh Đà Nẵng. Lễ đón chuyến thăm Việt Nam của đội tàu diễn ra đầu giờ chiều 5/3.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại lễ đón tàu, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, đô đốc John Aquilino nói rằng "Mỹ đứng cạnh Việt Nam trong lúc các bạn gìn giữ chủ quyền, sự độc lập và thực thi các quyền hàng hải theo luật pháp quốc tế".
"Tôi muốn nói rằng quan hệ Việt - Mỹ là cực kỳ quan trọng và chúng tôi cam kết với (duy trì) một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, và mối quan hệ sẽ đưa Việt Nam toàn vẹn về chủ quyền, thịnh vượng bên cạnh Mỹ", ông nói.
Tàu hộ tống USS Bunker Hill cập cảng tại Đà Nẵng. Ảnh: Reuters. |
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói rằng mục đích chính của chuyến thăm là kỷ niệm mối quan hệ ngoại giao 25 năm của Mỹ và Việt Nam, nhưng sự kiện cũng "chứng minh cam kết của Washington với khu vực".
"Tôi sẽ nói rằng động lực thúc đẩy mối quan hệ song phương Việt - Mỹ là các giá trị chúng tôi chia sẻ về thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng", đại sứ Mỹ nói.
Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chào đón thủy thủ đoàn đến thăm Đà Nẵng và nói rằng thường thì cầu Rồng ở đây chỉ phun nước vào cuối tuần, nhưng vì chuyến thăm của nhóm tàu Mỹ, cầu sẽ phun nước trong suốt tuần này.
Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng Huỳnh Đức Trường ra đón Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương John Aquilino tại cảng Tiên Sa. Về phía Mỹ có cả Đại sứ Daniel Kritenbrink. Ảnh: Thuận Thắng. |
Đà Nẵng là một trong số ít thành phố có cảng quy mô tiếp đón tàu sân bay khổng lồ USS Theodore Roosevelt, thuận tiện tổ chức hoạt động giao lưu giữa thuỷ thủ Mỹ và người dân địa phương.
Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) nhận định: “Trong chuyến thăm của tàu lần này, phía Mỹ muốn tham gia một số hoạt động giao lưu cùng người dân địa phương. Với những kế hoạch như vậy nhưng cảng Cam Ranh lại tương đối biệt lập”.
Do vậy, ông Thayer cho rằng Đà Nẵng được chọn vì các lý do: tàu có thể cập cảng Tiên Sa, các hoạt động giao lưu dân sự và thể thao có thể tổ chức ở những địa điểm gần đó; các thuỷ thủ Mỹ có thể rời tàu và lên đất liền, khám phá một thành phố lớn của Việt Nam.
Chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt sẽ diễn ra từ ngày 5-9/3. Thủy thủ đoàn sẽ tham dự một số hoạt động bao gồm lễ đón tàu, họp báo chung, chào xã giao lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Hải quân Việt Nam, có các hoạt động trao đổi nghiệp vụ và giao lưu cộng đồng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết.
Độc giả có thể theo dõi diễn biến lễ đón tàu trong phần tường thuật dưới đây.
-
Tàu hộ tống cập cảng Tiên Sa
Tàu hộ tống USS Bunker Hill, thuộc nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, đã cập cảng tại Đà Nẵng vào trưa 5/3. Sự xuất hiện của tàu Bunker Hill đánh dấu khởi đầu cho chuyến thăm của nhóm tác chiến tàu sân bay SS Theodore Roosevelt, chuyến thăm thứ hai của tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam sau chiến tranh.
Trong lúc đó, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang đậu bên ngoài vịnh Đà Nẵng. Lễ đón sẽ diễn ra vào đầu giờ chiều 5/3.
Ảnh: Thuận Thắng.
Tàu hộ vệ Mỹ đậu tại cảng vào trưa 5/3. Ảnh: Thuận Thắng.
Thủy thủ đoàn trên tàu Bunker Hill chuẩn bị xuống cảng. Ảnh: Thuận Thắng.
-
USS Theodore Roosevelt có số lượng lớn tàu hộ tống, với tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52), lớp Ticonderoga, là tàu dẫn đầu.
Bunker Hill được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis tối tân, gồm radar AN/SPY-1 cùng 122 ống phóng thẳng đứng (VLS) Mk41, có thể phóng tên lửa hải đối không SM-2, SM-6 và ESSM, tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk và tên lửa chống ngầm.
Ảnh: Thuận Thắng.
-
Lễ đón và họp báo sắp diễn ra
Buổi họp báo và lễ đón tàu sân bay dự kiến diễn ra vào đầu giờ chiều.
Chuyến thăm trước của tàu sân bay Mỹ là với tàu USS Carl Vinson cách đây đúng hai năm, cũng tại Đà Nẵng.
Các chuyên gia quốc tế đều đánh giá chuyến thăm lần này mang ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ song phương Việt - Mỹ trong lúc hai nước đang kỷ niệm 25 năm ngày bình thường hóa quan hệ, đồng thời cũng gửi thông điệp đến nhiều nước trong khu vực.
-
"Cột mốc trong quan hệ song phương"
Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nói khi bước xuống cảng rằng ông "vinh dự sâu sắc được ở Việt Nam".
Chuyến thăm ngày hôm nay đánh dấu 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ, ông nói.
"Chúng tôi tin tưởng các đối tác của mình với tình bằng hữu được thiết lập dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau", theo đô đốc Aquilino. "Việc tàu ghé cảng cho thấy cột mốc mới trong quan hệ song phương của hai nước chúng ta, thể hiện sự hợp tác liên tục và sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Việt Nam".
-
Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng Huỳnh Đức Trường ra đón Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương John Aquilino tại cảng Tiên Sa. Về phía Mỹ có cả Đại sứ Daniel Kritenbrink. Ảnh: Thuận Thắng.
-
"Mỹ đứng cạnh Việt Nam trong lúc các bạn gìn giữ chủ quyền và thực thi quyền hàng hải"
"Mỹ đứng cạnh Việt Nam trong lúc các bạn gìn giữ chủ quyền, sự độc lập và thực thi các quyền hàng hải theo luật pháp quốc tế", Đô đốc Aquilino nói. "Tôi muốn nói rằng quan hệ Việt - Mỹ là cực kỳ quan trọng và chúng tôi cam kết với (duy trì) một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, và mối quan hệ sẽ đưa Việt Nam toàn vẹn về chủ quyền, thịnh vượng bên cạnh Mỹ".
Ông cũng hoan nghênh vai trò của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Ảnh: Thuận Thắng.
-
"Mối quan hệ Việt - Mỹ đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết"
"Khi chúng ta bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, hai nước không hề có giao thương hay bất kỳ hình thức kết nối nhân dân nào", Đại sứ Kritenbrink nói tại lễ đón.
"Ngày nay, mối quan hệ của chúng ta đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, với chiều sâu và cả bề rộng đang tuyệt vời. Kim ngạch thương mại mỗi năm đạt 77 tỷ USD, bên cạnh mối quan hệ giữa nhân dân hai nước, hợp tác trong an ninh, năng lượng, pháp lý...".
Ông nói rằng mối quan hệ đối tác và hữu nghị với Việt Nam là yếu tố then chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, nó cũng diễn ra đồng thời với vai trò quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam, thể hiện qua việc Việt Nam đang đóng vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm nay.
"Chuyến thăm này nhấn mạnh cam kết của chúng tôi đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, nơi các nước tôn trọng chủ quyền của nhau, thực thi luật pháp quốc tế", ông nói. "Không chỉ ở khía cạnh an ninh, tự do hàng hải đảm bảo cho chúng ta những tuyến đường biển được rộng mở, điều cốt lõi tạo cho nền kinh tế của chúng ta và các quốc gia trong khu vực".
-
Đà Nẵng nồng nhiệt đón đoàn
Đại diện thành phố Đà Nẵng nói rằng ông xin nồng nhiệt chào mừng nhóm tàu sân bay đến thăm Đà Nẵng trong 5 ngày.
" Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, đã được lãnh đạo hai nước nhất trí", ông nói. "Tôi tin tưởng chuyến thăm sẽ tốt đẹp và tăng cường tình hữu nghị, sự kết nối giữa nhân dân hai nước. Tôi chúc thủy thủ sẽ có những ngày đáng nhớ tại đây".
Ảnh: Thuận Thắng.
-
Mỹ giúp Việt Nam tăng cường năng lực hàng hải, ứng phó thảm họa
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo, Đại sứ Kritenbrink nói rằng mục đích chính của chuyến thăm là kỷ niệm mối quan hệ ngoại giao 25 năm của Mỹ và Việt Nam, nhưng sự kiện cũng "chứng minh cam kết của Washington với khu vực".
"Nếu bạn lùi lại và nhìn rộng ra một chút về bối cảnh, chuyến thăm cũng cho thấy các cam kết của chúng tôi với khu vực, các nguyên tắc chúng tôi chia sẻ như một trật tự dựa trên luật lệ, giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình và luật pháp quốc tế".
"Tôi sẽ nói rằng động lực thúc đẩy mối quan hệ song phương Việt - Mỹ là các giá trị chúng tôi chia sẻ về thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng", đại sứ Mỹ nói. "Việc bạn nhìn thấy chuyến thăm thứ 2 của tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam chỉ trong hai năm cho thấy mối quan hệ của chúng tôi với các đối tác Việt Nam".
Về tương lai mối quan hệ, ông nói rằng đôi bên sẽ tiếp tục xây dựng lòng tin chiến lược, thực hiện các hoạt động khác. Mỹ sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực hàng hải, khả năng ứng phó thảm họa, hỗ trợ Việt Nam thực hiện vai trò gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan.
-
"Các quốc gia có thể chung sống hòa bình"
Về câu hỏi "mối quan hệ này nên được gọi là gì", Đại sứ Kritenbrink nói rằng "điều đối tác Việt - Mỹ đang tốt đẹp hơn bao giờ hết".
Đô đốc Aquilino nói rằng môi trường hàng hải trên khắp Thái Bình Dương liên kết các quốc gia có chung quan điểm, theo đó, tất cả quốc gia hành xử theo luật pháp quốc tế có thể chung sống hòa bình, xây dựng sự thịnh vượng.
-
Mỹ sắp chuyển giao thêm tàu tuần tra cho Việt Nam
Đô đốc Aquilino cũng cho biết Mỹ sẽ chuyển giao tàu tuần tra cho Việt Nam vào cuối năm nay, với cách thức tương tự lần trước. "Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng con tàu đã sẵn sàng. Chúng tôi sẽ hợp tác để huấn luyện thủy thủ đoàn, và chúng tôi sẽ hỗ trợ Việt Nam chừng nào các bạn còn cần".
"Chúng tôi cũng đang có những chương trình khác như việc bán UAV trinh sát ScanEagle cho Việt Nam. Và chúng tôi sẵn lòng thảo luận về bất kỳ việc chuyển giao thiết bị nào Việt Nam muốn", ông nói.
-
Tàu USS Theodore Roosevelt ở ngoài khơi vịnh Đà Nẵng
Ảnh: Thuận Thắng.
-
Cầu Rồng sẽ phun nước để đón tàu sân bay
Đại diện thành phố Đà Nẵng nói rằng thường thì cầu Rồng ở đây chỉ phun nước vào cuối tuần, nhưng vì chuyến thăm của nhóm tàu Mỹ, cầu sẽ phun nước trong suốt tuần này.
Chuẩn đô đốc Stuart Baker, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay, nói rằng khi ông nói chuyện với thủy thủ đoàn, các thủy thủ nói rằng Việt Nam là địa điểm họ muốn ghé đến nhất. Trong khi đó, đại sứ Mỹ nói rằng Đà Nẵng là nơi yêu thích nhất của ông ở Việt Nam với bãi biển đẹp, con người dễ chịu và ẩm thực tuyệt vời.
-
Thủy thủ đoàn của tàu sân bay lên bờ
Ảnh: Thuận Thắng.
-
"Tôi không muốn ăn thức ăn nhanh"
"Thời tiết ở đây cũng ẩm y như trên biển vậy, nên tôi đang đổ mồ hôi", Ernesto Sanchez, một thủy thủ trên tàu, nói với Zing.vn. "Lên bờ cũng tốt, dù tôi cũng thích cảm giác ở trên biển. Tôi thích cảm giác nhìn những con sóng vì nó cho cảm giác bình yên, nhưng cơ thể tôi được cấu tạo cho đất liền. Tôi hy vọng thành phố đang có lễ hội gì đó. Có lễ hội thả đèn trời không?".
"Tôi muốn ăn thử mọi loại thức ăn Việt Nam. Tôi không muốn phải ăn thức ăn nhanh nữa".
Lần cuối cùng Sanchez gặp gia đình là ở San Diego, California (Mỹ), nên anh không nghĩ gia đình sẽ tới đây để gặp mình.
-
Đà Nẵng là điểm ghé thăm lý tưởng cho tàu sân bay Mỹ
Đà Nẵng là một trong số ít thành phố có cảng quy mô tiếp đón tàu sân bay khổng lồ USS Theodore Roosevelt, thuận tiện tổ chức hoạt động giao lưu giữa thuỷ thủ Mỹ và người dân địa phương.
Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) nhận định: “Trong chuyến thăm của tàu lần này, phía Mỹ muốn tham gia một số hoạt động giao lưu cùng người dân địa phương. Với những kế hoạch như vậy nhưng cảng Cam Ranh lại tương đối biệt lập”.
Do vậy, ông Thayer cho rằng Đà Nẵng được chọn vì các lý do: tàu có thể cập cảng Tiên Sa, các hoạt động giao lưu dân sự và thể thao có thể tổ chức ở những địa điểm gần đó; các thuỷ thủ Mỹ có thể rời tàu và lên đất liền, khám phá một thành phố lớn của Việt Nam.
-
Báo chí tham quan tàu sân bay
Sau lễ đón, báo chí sẽ được ra tham quan tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
USS Theodore Roosevelt là một trong những tàu sân bay hiện đại và lớn nhất của Mỹ. USS Theodore Roosevelt có thể chở khoảng 5.600 người, gồm 3.200 thủy thủ và 2.480 phi công.
USS Theodore Roosevelt mang theo lương thực đủ để hoạt động trong 90 ngày, mỗi ngày phục vụ 18.150 suất ăn. Nhà máy chưng cất nước ngọt trên tàu cung cấp 1,5 triệu lít nước một ngày, tương đương lượng nước dành cho 200 gia đình.
USS Theodore Roosevelt thường có số lượng lớn tàu hộ tống. Dẫn đầu đoàn hộ tống là tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52), lớp Ticonderoga. Bunker Hill được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis tối tân, gồm radar AN/SPY-1 cùng 122 ống phóng thẳng đứng (VLS) Mk41, có thể phóng tên lửa hải đối không SM-2, SM-6 và ESSM, tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk và tên lửa chống ngầm.
-
Cận cảnh tàu sân bay USS Theodore Roosevelt
Ảnh: Thuận Thắng.
-
"Thật tuyệt được bước lên mặt đất"
"Tôi cảm thấy rất háo hức, bạn biết đấy, được bước chân trên đất sau một thời gian rất dài ở trên biển. Không gian trên tàu thì chật chội hơn ở đây nhiều, không khí ở đây thoáng đãng hơn, trong lành hơn", Mathew Pennell, nhân viên dân sự trên tàu sân bay, nói với Zing.vn.
"Gia đình tôi không đến thăm tôi ở đây, nên tôi sẽ ở trải qua thời gian ghé cảng cùng đồng nghiệp của mình, tôi muốn thăm vào một vài nơi, hoặc ra bãi biển, tìm hiểu văn hóa".
Ảnh: Thuận Thắng.
-
Chuyến thăm thúc đẩy quan hệ hai nước, đóng góp vào an ninh khu vực
Trong buổi họp báo thường kỳ chiều 5/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rằng chuyến thăm của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu tuần dương USS Bunker Hill là "chuyến thăm thông thường của một đoàn tàu sân bay Mỹ, nằm trong khuôn khổ những hoạt động nhân dịp 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ 2 nước phát triển, phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực”.