Từ 8h30 sáng 5/3, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) và tàu hộ tống USS Bunker Hill có thể được nhìn thấy từ bán đảo Sơn Trà, bên ngoài vịnh Đà Nẵng.
Tới khoảng 9h30, tàu USS Theodore Roosevelt nằm ở phao số 0, trước bãi Cát Vàng ở bán đảo Sơn Trà. Một tàu hộ vệ tiến sát vào cảng Tiên Sa, theo ghi nhận của phóng viên Zing.vn.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng sẽ chủ trì lễ đón nhóm tác chiến tàu sân bay này vào đầu giờ chiều.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt nhìn từ bán đảo Sơn Trà vào sáng 5/3. Ảnh: Thuận Thắng. |
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, trong một thông cáo, nói chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt diễn ra đúng 2 năm sau lần ghé cảng lịch sử của tàu USS Carl Vinson vào năm 2018, và cũng đúng năm Việt Nam và Mỹ đang kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
“Chuyến thăm này theo sau chuyến thăm lịch sử của tàu USS Carl Vinson, tàu sân bay Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam trong hơn 40 năm”, Đại sứ Kritenbrink cho biết.
“Chuyến thăm cũng diễn ra vào thời điểm quan trọng trong quan hệ song phương. Chỉ 25 năm sau bình thường hóa, quan hệ ngoại giao của chúng ta đang tốt đẹp nhất từ trước đến nay”.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Ảnh: Thuận Thắng. |
Trong khi đó, Chuẩn Đô đốc Stu Baker, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) số 9, nói trong thông cáo rằng: “Chuyến thăm này là bằng chứng cho cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, nơi các quốc gia giàu mạnh và độc lập tôn trọng chủ quyền của nhau, và tuân thủ luật lệ quốc tế”.
Theo lịch trình trong thời gian lưu lại đây, các thủy thủ trên tàu sẽ tham gia một số hoạt động giao lưu nhân dân từ ngày 5-8/3.
USS Theodore Roosevelt có số lượng lớn tàu hộ tống. Dẫn đầu đoàn hộ tống là tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52), lớp Ticonderoga. Ảnh: Thuận Thắng. |
Tàu USS Theodore Roosevelt là tàu thứ 4 của lớp Nimitz có 5.000 thủy thủ, hỗ trợ và thực hiện các chiến dịch trên không ở ngoài biển. Nhóm tác chiến có tổng cộng 6.500 thủy thủ, bao gồm một tàu sân bay, biên đội máy bay chiến đấu, một tàu tuần dương, và 6 tàu khu trục.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt rời San Diego vào ngày 17/1 và được triển khai đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Độc giả có thể theo dõi cập nhật trực tiếp tàu áp sát cảng vào sáng nay tại phần tường thuật bên dưới.
-
Tàu xuất hiện ở ngoài khơi bán đảo Sơn Trà
Sáng 5/3, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) có thể được nhìn thấy ngoài khơi bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.
Cùng ngày 5/3 đúng hai năm trước, tàu USS Carl Vinson tới Đà Nẵng và trở thành tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Mỹ thăm Việt Nam sau chiến tranh.
Ảnh: Thuận Thắng.
-
Cam kết lâu dài của Mỹ
Theo giáo sư Carl Thayer, nhà phân tích quốc phòng Australia, chuyến công tác của nhóm tác chiến tàu sân bay CVN-71 ở Biển Đông cho thấy Mỹ tiếp tục duy trì chiến lược hiện diện thường xuyên và thực hiện tự do hàng hải tại khu vực.
“Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương có chính sách lâu dài là tiến hành cuộc tuần tra thường xuyên và liên tục ở Biển Đông. Chuyến công tác của tàu sân bay CVN-71 là một ví dụ rằng chính sách này đang được thực hiện”, giáo sư Thayer nói.
-
Tuần dương hạm hộ tống USS Theodore Roosevelt
Tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52), lớp Ticonderoga, tàu hộ tống cho USS Theodore Roosevelt, cũng xuất hiện ngoài khơi.
Mỗi nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) của Hải quân Mỹ thường bao gồm một tàu sân bay, một tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển, 2-3 tàu khu trục mang tên lửa điều khiển. Trong đó, tuần dương hạm là tàu hộ tống chính, điều phối phòng thủ của nhóm tác chiến, đặc biệt là chống lại các mối đe dọa trên không.
Ảnh: Thuận Thắng.
-
Nhiều tàu hộ tống cho tàu sân bay
USS Theodore Roosevelt có số lượng lớn tàu hộ tống. Dẫn đầu đoàn hộ tống là tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52), lớp Ticonderoga.
Bunker Hill được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis tối tân, gồm radar AN/SPY-1 cùng 122 ống phóng thẳng đứng (VLS) Mk41, có thể phóng tên lửa hải đối không SM-2, SM-6 và ESSM, tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk và tên lửa chống ngầm.
Ảnh: Thuận Thắng.
-
Hai năm trước, khi tàu sân bay USS Carl Vinson neo đậu tại Đà Nẵng, con tàu đã tạo nên một phong trào "rủ nhau đi ngắm tàu sân bay" tại đây.
Ảnh: Hải An.
-
Tàu USS Theodore Roosevelt nằm ở phao số 0, sát bán đảo Sơn Trà
Tới khoảng 9h30, tàu USS Theodore Roosevelt nằm ở phao số 0, trước bãi Cát Vàng ở bán đảo Sơn Trà.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt rời San Diego vào ngày 17/1 và được triển khai đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ảnh: Thuận Thắng.
-
Ảnh: Thuận Thắng.
-
Chuyến thăm trong năm kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt - Mỹ
Theo thông tin từ phía Mỹ, tàu USS Theodore Roosevelt và tàu USS Bunker Hill đã tới Đà Nẵng. Đại diện thành phố Đà Nẵng sẽ chủ trì lễ đón nhóm tác chiến tàu sân bay này, cùng với đại diện một số ban ngành của Việt Nam, bao gồm hải quân, quân đội, biên phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng...
“Chuyến thăm này theo sau chuyến thăm lịch sử của tàu USS Carl Vinson, tàu sân bay Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam trong hơn 40 năm”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết trong một thông cáo. “Chuyến thăm cũng diễn ra vào thời điểm quan trọng trong quan hệ song phương. Chỉ 25 năm sau bình thường hóa, quan hệ ngoại giao của chúng ta đang tốt đẹp nhất từ trước đến nay”.
-
Vì sao Đà Nẵng được chọn là điểm ghé thăm của tàu sân bay Mỹ?
Đà Nẵng là một trong số ít thành phố có cảng quy mô tiếp đón tàu sân bay khổng lồ USS Theodore Roosevelt, thuận tiện tổ chức hoạt động giao lưu giữa thuỷ thủ Mỹ và người dân địa phương.
Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) nhận định: “Trong chuyến thăm của tàu lần này, phía Mỹ muốn tham gia một số hoạt động giao lưu cùng người dân địa phương. Với những kế hoạch như vậy nhưng cảng Cam Ranh lại tương đối biệt lập”.
Do vậy, ông Thayer cho rằng Đà Nẵng được chọn vì các lý do: tàu có thể cập cảng Tiên Sa, các hoạt động giao lưu dân sự và thể thao có thể tổ chức ở những địa điểm gần đó; các thuỷ thủ Mỹ có thể rời tàu và lên đất liền, khám phá một thành phố lớn của Việt Nam.