Cùng ngày 5/3 đúng hai năm trước, tàu USS Carl Vinson tới Đà Nẵng và trở thành tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Mỹ thăm Việt Nam sau chiến tranh.
Lễ đón chính thức tàu USS Theodore Roosevelt sẽ được tổ chức vào đầu giờ chiều 5/3 tại cảng Tiên Sa. Các thủy thủ trên tàu dự kiến tham gia một số hoạt động giao lưu nhân dân từ ngày 5-7/3, bao gồm các hoạt động thăm cơ sở từ thiện, thi đấu thể thao, và ca nhạc.
USS Theodore Roosevelt (CVN-71) là tàu sân bay thứ 4 thuộc siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz, cùng lớp với tàu USS Carl Vinson. Tàu được đặt tên để vinh danh Tổng thống Theodore Roosevelt, vị tổng thống thứ 26 của nước Mỹ.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại Vịnh Ba Tư trong bức ảnh năm 2015. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Theo giáo sư Carl Thayer, nhà phân tích quốc phòng Australia, chuyến công tác của nhóm tác chiến tàu sân bay CVN-71 ở Biển Đông cho thấy Mỹ tiếp tục duy trì chiến lược hiện diện thường xuyên và thực hiện tự do hàng hải tại khu vực.
“Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương có chính sách lâu dài là tiến hành cuộc tuần tra thường xuyên và liên tục ở Biển Đông. Chuyến công tác của tàu sân bay CVN-71 là một ví dụ rằng chính sách này đang được thực hiện”, giáo sư Thayer nói.
Theo Naval Technology, mỗi nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) của Hải quân Mỹ thường bao gồm một tàu sân bay, một tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển, và một số tàu khu trục. Trong đó, tuần dương hạm là tàu hộ tống chính, điều phối phòng thủ của nhóm tác chiến, đặc biệt là chống lại các mối đe dọa trên không.
Ngoài ra, còn có một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân bảo vệ phần còn lại của nhóm tác chiến khỏi các mối đe dọa dưới mặt nước.