Quan hệ giữa Nga và phương Tây đang trải qua thời kỳ sóng gió nhất kể từ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh. Ảnh: Reuters. |
Những biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây đối với Nga không những gây sức ép trực tiếp với nước này mà còn tạo ra áp lực đối với Liên minh châu Âu (EU), trong đó có vấn đề về xuất nhập khẩu vũ khí. Tất cả thỏa thuận, hợp đồng giữa EU và Moscow về vấn đề này ở hiện tại và tương lai đều bị ảnh hưởng, như thỏa thuận xuất khẩu tàu chiến lớp Mistral trị giá 1,6 tỷ USD của Pháp, CNN đưa tin.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về kinh tế và quân sự lại cho rằng lệnh cấm vận vũ khí sẽ không ảnh hưởng nhiều đối với Moscow, vì Nga là một trong số ít các nước trên thế giới có khả năng tự cung tự cấp trong vấn đề quốc phòng.
Nga là nước xuất khẩu quân sự lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Năm 2013, nước này thu về 13,2 tỷ USD từ việc xuất khẩu loại hàng này. Khách hàng lớn nhất của Moscow là Ấn Độ và Trung Quốc, một trong những nước không tham gia trừng phạt Nga.
Ảnh hưởng của Nga đối với phương Tây về vấn đề vũ khí
Mô hình tàu chiến lớp Mistral của Pháp. Ảnh: RT |
Châu Âu đặt ra rất nhiều quy định nghiêm ngặt đối với việc mua bán vũ khí. Nhưng chỉ tính trong năm 2012, 922 trường hợp đã được cấp giấy phép để bán số vũ khí trị giá khoảng 259 triệu USD cho Moscow. Năm 2013, EU kiếm về 583 triệu USD từ việc bán vũ khí cho Nga. Phần lớn trong số đó là tiền thanh toán hợp đồng bán tàu chiến lớp Mistral. Và đây cũng là vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay.
Giới chuyên gia quân sự đánh giá rất cao loại tàu chiến cao cấp nhất của Pháp bởi những khả năng mà Mistral sở hữu. Tuần trước, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết hợp đồng mà Paris đã ký với Moscow khó có thể bỏ. Nếu hủy hợp đồng, nước này sẽ phải bồi thường cho Nga khoảng 4 tỷ USD, một số tiền không hề nhỏ trong điều kiện kinh tế khó khăn của các nước châu Âu. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết, họ sẽ xem xét thái độ của Nga trước khi bàn giao con tàu thứ hai.
Ảnh hưởng của phương Tây đối với Nga về vấn đề vũ khí
Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Ảnh: CNN |
Nga là một nhân tố quan trọng trên thị trường cung cấp vũ khí, nhưng nước này cũng dựa vào châu Âu trong một số giao dịch lớn.
David Prater, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cho biết, châu Âu đã cung cấp những vũ khí nguy hiểm đầu tiên cho Nga.
Theo dữ liệu của SIPRI , năm 2001, Nga mua hai động cơ của Đức cho tàu tên lửa; năm 2011, Moscow mua 60 xe quân sự trị giá 24 triệu USD của Italia và đặt hợp đồng mua tàu chiến lớp Mistral với chính phủ Pháp; năm 2012, nước này mua 4 máy bay vận tải hạng nhẹ của Czech và mỗi chiếc trị giá 3,2 triệu USD. Ngoài ra, Nga mua ít nhất 8 máy bay của Israel trị giá khoảng 50 triệu USD vào năm 2009.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Moscow cũng nhập khẩu vũ khí và thiết bị quân sự từ Ukraina nhưng đã giảm dần trong hai năm qua.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Các nhà lãnh đạo phương Tây đang cố gắng đưa ra những biện pháp để trừng phạt Moscow. Ảnh: Reuters |
Các nhà lãnh đạo phương Tây đang cố gắng đưa ra những biện pháp để trừng phạt Moscow. Nga sẽ bị hạn chế trong việc tiếp cận thị trường vốn châu Âu cũng như xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Các hợp đồng xuất nhập hàng hóa và công nghệ sử dụng cho mục đích quân sự và dân sự sẽ bị ngưng trệ.
"Trong ngắn hạn, lệnh cấm vận vũ khí dường như không tác động đáng kể cũng như làm thay đổi sức mạnh quân sự của Nga", Siemon Wezeman, chuyên gia của SIPRI nói.
Tuy nhiên Wezeman cũng nhận định, về lâu dài, Nga có thể sẽ thiệt thòi khi mất quyền sở hữu hệ thống phòng thủ điện tử công nghệ cao mới nhất của EU.