Hiện trường MH17 rơi tại miền đông Ukraina. Ảnh: AP |
Một đội ngũ gồm 50 chuyên gia tới từ Hà Lan và Australia cùng các quan sát viên tới từ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã nhiều lần cố gắng tiếp cận hiện trường máy bay Boeing 777 của Malaysia rơi hôm 17/7 tại miền đông Ukraina nhưng không thành. Hôm 30/7, OSCE gửi một phái đoàn trinh sát từ thành phố Donetsk với nhiệm vụ tìm ra con đường có thể giúp họ tiếp cận khu vực hiện trường, CNN cho hay.
Phiến quân Ukraina đã bàn giao 2 hộp đen của MH17 và 227 thi thể nạn nhân trong vụ tai nạn cho phía Hà Lan, nhưng các nhà điều tra vẫn muốn tiếp cận hiện trường bởi họ hy vọng một số bằng chứng còn sót lại có thể giúp họ làm sáng tỏ một số nghi vấn. Hôm nay là ngày thứ 4 họ cố gắng tiếp cận khu vực này.
Những gì đã ngăn cản các nhà điều tra tới hiện trường?
Hôm 28/7, xung đột giữa quân đội và phiến quân Ukraina xảy ra tại một số thị trấn dọc con đường đi tới hiện trường MH17 rơi. Giao tranh đã ngăn cản bước chân của những nhà điều tra.
Phía Kiev phủ nhận sự kiểm soát đối với khu vực mà OSCE muốn tiếp cận. Họ cho biết, quân đội Ukraina đang ở cách hiện trường tai nạn khoảng 40 km. Tuy nhiên, quân đội nước này đang cố gắng giành quyền kiểm soát từ tay phiến quân. "Ngay sau khi phiến quân rời đi, các chuyên gia sẽ có thể bắt đầu làm việc tại hiện trường", Andrey Lisenko, phát ngôn viên của quân đội Ukraina, nói với các phóng viên vào hôm 29/7.
Liên Hiệp Quốc và các nước nhiều lần kêu gọi hai bên thực hiện một lệnh ngừng bắn để đảm bảo an toàn cho các nhà điều tra tới hiện trường MH17 rơi.
Chính phủ Malaysia đã ký một thỏa thuận với phiến quân nhằm đưa đội ngũ cảnh sát quốc tế không vũ trang tới khu vực này để bảo vệ hiện trường, nhưng giao tranh đã khiến thỏa thuận thất bại.
Những ai đã tiếp cận với hiện trường kể từ khi MH17 rơi?
Phiến quân ngăn cản các nhà điều tra tiếp cận hiện trường. Ảnh: AP |
Ngày đầu tiên, khi vụ tai nạn xảy ra, phiến quân ủng hộ Nga tỏ vẻ chống đối và không cho phép quan sát viên của OSCE tiếp cận. Nhưng sau đó, họ đã tỏ ra dễ dàng hơn đối với các phái đoàn và nhà báo. Cuối cùng, phiến quân huy động hàng trăm công nhân và thợ mỏ tới hiện trường thu thập hơn 100 thi thể nạn nhân, đưa những người xấu số này tới một nhà ga tàu hỏa gần đó để chuẩn bị hồi hương.
Trong chuyến đi tới hiện trường vào hôm 25/7, Ivan Watson, một phóng viên của CNN, cho biết, khu vực này gần như đã bị "bỏ rơi". Ai đó đã dọn các mảnh vỡ trong khu vực. Những người duy nhất còn để ý tới vùng xảy ra thảm họa là những cư dân gần đó, những người trồng trọt trên các cánh đồng, nơi MH17 rơi.
Sự vắng mặt của chính phủ Ukraina và các lực lượng quốc tế đã làm dấy lên những lo ngại về chuyện hiện trường bị xâm phạm.
Matthew Greaves, một chuyên gia về điều tra tai nạn, nhận định: "Nếu tai nạn này xảy ra trên một cánh đồng tại Anh, giới chức sẽ phong hỏa hiện trường hoàn toàn và phân công bên nào sẽ điều tra. Nhưng MH17 lại rơi tại miền đông Ukraina, nơi đang xảy ra chiến sự. Vì vậy, vấn đề điều tra và bảo vệ hiện trường khó có thể xác định".
Ý kiến từ các chuyên gia
Ưu tiên hàng đầu của đoàn chuyên gia là tìm kiếm thi thể của các nạn nhân còn lại. Ảnh: AP |
Trong một tuyên bố hôm 28/7, người đứng đầu nhóm chuyên gia Hà Lan cho biết, ưu tiên lớn nhất của họ hiện giờ là tìm kiếm các nạn nhân. Thứ nhất là vì các lý do nhân đạo, những người xấu số hoàn toàn đủ quyền để được trở về với người thân. Thứ 2, thông qua việc khám nghiệm thi thể, các nhà điều tra sẽ thu thập thêm bằng chứng để hỗ trợ giả thuyết về vụ tai nạn.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia này cũng sẽ không bỏ qua hiện trường MH17 rơi. "Tôi nghĩ đống đổ nát tại hiện trường sẽ giúp củng cố giả thuyết cho nhóm điều tra hơn là những thi thể. Họ muốn một cái nhìn tổng thể chứ không muốn chỉ dựa vào một vài bằng chứng", Greaves nói.
Trong trường hợp hiện trường đã bị thay đổi, bằng kỹ năng chuyên môn, các nhà điều tra sẽ cố gắng tái hiện lại hiện trường. Thông thường, họ sẽ xem xét các bộ phận quan trọng của máy bay, ví dụ như phần đuôi.
Greaves cho biết, với tình hình an ninh như hiện nay, công tác điều tra lại càng phải khẩn trương. Nếu những chuyên gia tìm thấy một chứng cứ hoặc một thứ gì mà họ nghi ngờ, họ có thể đưa chúng về để kiểm tra.
Thời gian để các nhà điều tra công bố kết quả cuối cùng rất khó xác định. Nếu mọi việc thuận lợi, họ có thể nhanh chóng công bố bản điều tra sơ bộ. Nhưng với một tai nạn lớn hoặc sự cố lớn, những nhà điều tra thường phải mất từ một đến hai năm mới hoàn thành bản báo cáo đầy đủ.