Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo các lệnh trừng phạt mới đối với Nga.: CNN |
Trong vòng cấm vận lần này, Mỹ bổ sung ba ngân hàng nhà nước Nga là VTB, Ngân hàng Moscow, Ngân hàng Nông nghiệp Nga cùng Công ty đóng tàu United (St. Petersburg) vào danh sách trừng phạt. Washington cấm mọi cá nhân hoặc công ty Mỹ giao dịch với các cơ quan, tổ chức Nga nêu trên. Như vậy, 5 trong số 6 ngân hàng nhà nước lớn nhất Nga đã nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Mỹ cũng cấm mọi hoạt động xuất khẩu hàng hóa hoặc công nghệ cho các cơ quan trong lĩnh vực năng lượng của Nga, đình chỉ các chương trình tín dụng khuyến khích xuất khẩu sang Nga hoặc hỗ trợ dự án phát triển kinh tế tại Nga.
Trước đó, EU đã thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga tại các lĩnh vực dầu mỏ, thiết bị quốc phòng. EU cũng bổ sung một số quan chức Nga thân cận với Tổng thống Vladimir Putin vào danh sách đóng băng tài sản và cấm đi tới châu Âu.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói nỗ lực phối hợp của Mỹ và EU khi gia tăng trừng phạt Nga sẽ gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế Nga, buộc Nga ngưng ủng hộ phe ly khai ở miền đông Ukraina.
Tuy nhiên, ông Obama phủ nhận những ý kiến cho rằng quan hệ Mỹ - Nga đang nguội lạnh dần có thể dẫn tới một sự đối đầu mới. "Đây không phải là Chiến tranh Lạnh. Đây là vấn đề rất cụ thể liên quan tới việc Nga không chấp nhận rằng Ukraina có thể đi theo con đường của riêng mình", Tổng thống Obama nói.
Bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, tuy lưỡng lự trong vấn đề mở rộng trừng phạt Nga vì quan hệ kinh tế Đức - Nga, nhưng thừa nhận vòng trừng phạt mới "khó tránh khỏi".
Nga sẽ không "ăn miếng trả miếng"
Moscow luôn phủ nhận những cáo buộc của Mỹ và EU, khẳng định Nga không cung cấp vũ khí hạng nặng cho phiến quân nổi dậy tại Ukraina.
Đại sứ Nga tại EU, ông Vladimir Chizhov, nói: "Tôi thất vọng vì EU đang trượt dài trên con đường sẽ chẳng dẫn tới điều gì. Tôi hiểu rằng họ quan ngại về tình hình, chúng tôi cũng vậy, nhưng đây không thể là cớ để áp đặt cấm vận". Đại sứ Chizhov cho rằng EU nên trừng phạt chính phủ Ukraina vì vai trò của Kiev trong cuộc xung đột ở miền đông.
Phát biểu trước khi phương Tây công bố vòng trừng phạt mới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 28/7 khẳng định, trừng phạt chỉ khiến Nga càng độc lập hơn về kinh tế, đồng thời củng cố niềm tin vào sức mạnh to lớn của mình. Theo Moscow Times, ông Lavrov cũng nói rằng, tuy không thể "làm ngơ" trước hành động tiêu cực của phương Tây, nhưng Moscow sẽ không áp đặt trừng phạt "ăn miếng trả miếng" vì đây là điều không xứng đáng với vị thế một cường quốc như Nga.