Khi tiếp cận lịch sử từ góc nhìn hiện đại, có những điều ta không thể phân định rõ ràng trắng đen. Có lẽ, chính bản chất xam xám ấy mà ta càng bị lịch sử cuốn hút. Nó khiến ta đặt câu hỏi về con người, về những giới hạn đúng sai. Một người vĩ đại cũng có thể là một kẻ tồi tệ, một người tài ba có thể là một kẻ độc tài.
Julius Caesar - nhà độc tài huyền thoại của La Mã
Hẳn nhiên, nhắc tới cái tên khét tiếng này thôi ta cũng thấy rùng mình. Bị coi là kẻ đặt nền móng cho sự sụp đổ của nền cộng hòa thành Rome, nhưng Julius Caesar cũng được nhiều người ngợi ca là “người vĩ đại nhất từng sống”.
Julius Caesar là một con người phức tạp. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo nhưng cao quý; ông bị thống lĩnh tối cao Sulla ra lệnh phải ly hôn với người vợ mình yêu thương nhưng ông đã từ chối, ngay cả cho dù điều ấy đồng nghĩa với án tử; ông từng bị cướp biển bắt cóc hồi trẻ; ông vươn lên đỉnh cao quyền lực và trở thành một luật gia, chính trị gia, tướng quân, kỹ sư, sử gia và thầy tư tế cao quý vĩ đại của thành Rome; và nhất là, ông phát minh ra loại lịch mà chúng ta vẫn đang sử dụng ngày nay.
Theo Philip Freeman, Julius Caesar vừa là một trong những anh hùng vĩ đại nhất lịch sử nhân loại, vừa là một trong những ác nhân tàn bạo nhất. Các học giả hiện đại chia thành hai phe ủng hộ và phản đối di sản của Caesar.
Có người xem người đàn ông này là một nhà trị vì công bằng, những sử gia khác lại hướng ánh mắt lạnh lùng về phía người đàn ông đã gây ra cái chết cho rất nhiều người, đã áp đặt quyền lực thống trị của hoàng đế lên các phán quan được bầu.
Ngay cả trong văn học nghệ thuật, hình ảnh Julius Caesar cũng khiến nhiều văn sĩ suy tư. Mark Twain đã viết rằng Caesar khơi lên những cuộc chiến với những kẻ man di không phải vì họ đã làm gì hại đến ông ta, “mà là vì ông ta thèm muốn đất đai của họ, khao khát ban phúc lành cho những người vợ góa và con côi của họ”. Shakespeare đã cố gắng áp dụng cả hai quan điểm, ca ngợi cả Caesar cũng như những kẻ bày mưu thảm sát ông ta.
Theo Philip Freeman, cuốn tiểu sử Julius Caesar - nhà độc tài huyền thoại của La Mã không tập trung ca ngợi Caesar hay chôn vùi ông ta giữa những kẻ bạo chúa của lịch sử. Freeman cho biết ông chỉ muốn kể câu chuyện về cuộc đời và thời đại của Caesar cho bất kỳ ai muốn hiểu biết thêm về nhân vật độc đáo này và thế giới mà ông đã sống.
Alexander Đại đế - vị vua kỳ tài xứ Macedonia
Alexander III, người đã chỉ huy các chiến binh Macedonia trong 13 năm từ bán đảo Hy Lạp tới sông Indus và chinh phục Ai Cập, Ba Tư. Câu chuyện thần kỳ này khiến bao thế hệ hậu thế say mê, ngưỡng mộ, tôn thờ Alexander như một vị thánh.
Nhưng đồng thời, không ít người cùng thời khi ghi chép về ông đã không bỏ lỡ cơ hội phỉ báng kẻ mà họ cho là tàn bạo, coi mạng người như rác, thèm khát vinh quang muôn đời và muốn đạt được nó bằng mọi giá.
Cho đến nay, các học giả hiện đại vẫn tiếp tục say mê tìm hiểu về cuộc đời Alexander Đại đế từ nhiều góc độ, nhiều cách tiếp cận. Để có được hiểu biết đầy đủ, xác đáng nhất về vị vua huyền thoại này, các học giả phải phối hợp khai thác cả sử liệu cổ đại lẫn các kết quả khảo cổ, nghiên cứu hiện đại.
“Alexander Đại đế là một con người sống trong thời đại của bạo lực. Những hành động của ngài cũng không hơn không kém gì so với Julius Caesar hay Hannibal. Ngài đã giết chết hàng chục nghìn dân trong các cuộc chinh chiến của mình và gieo rắc nỗi kinh hoàng ở mỗi vùng đất ngài đặt chân đến, giống như bao vị tướng cầm quân khác trong thế giới cổ đại. Nếu sống ở thời này, chắc chắn con người ấy sẽ bị kết án là kẻ gây chiến, nhưng sự thật là ngài không sống trong thời đại của chúng ta”, Philip Freeman viết.
Cuốn tiểu sử về Alexander Đại đế do Philip Freeman chấp bút tái hiện lại cuộc đời vị vua này một cách khách quan, tiết chế, đồng thời lưu ý độc giả về mức độ khả tín của các thông tin được đưa ra.
Theo Philip Freeman, không như Julius Caesar đã trực tiếp viết lại cuộc chiến ở Gaul và nỗ lực bảo vệ La Mã, Alexander Đại đế không tự mình ghi lại câu chuyện của mình. Chỉ có một vài sắc lệnh đã được lưu trong các phù điêu và những mảnh ghép rời rạc từ một số bức thư, các nguồn tư liệu thời cổ đại ghi chép về cuộc đời Alexander Đại đế còn những hạn chế nhất định.
Dù vậy, ngành khảo cổ học đã tiết lộ những chi tiết hấp dẫn về Alexander và thế giới ngài đã nắm giữ; những cuộc khai quật đã được tiến hành ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran, Afghanistan và đương nhiên không thể thiếu những khám phá bất ngờ từ lăng mộ hoàng gia Macedonia tại Vergina thuộc miền Bắc Hy Lạp. Chúng đã khiến cho thế giới của Alexander Đại đế hiện ra sống động hơn trước mắt chúng ta.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng
Nhà văn Nguyễn Việt Hà ra sách mới, đi tìm giọng của phố
Là một cây bút nổi bật của văn chương đương đại, Nguyễn Việt Hà được độc giả dõi theo mỗi lần có tác phẩm mới. Cuốn sách “Giọng của phố” sẽ sớm trình diện bạn đọc.
Dấu ấn văn hóa Pháp qua âm nhạc, văn chương
Từ văn học cho đến âm nhạc, hội họa, làn sóng nghệ thuật Pháp đã để lại những dấu ấn nhất định trong các tác phẩm hiện đại.
Đại sứ Thụy Điển: 'Việt Nam có một số nhà văn xuất chúng'
Chia sẻ với Zing, Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe cho biết nhiều sách Việt đã xuất bản tiếng Thụy Điển, bà yêu thích các tác phẩm "Tướng về hưu", "Nỗi buồn chiến tranh".