Bà Ann Måwe, đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, cho biết bà rất thích văn học Việt. Ảnh: MH. |
Trong bầu không khí sôi động của Ngôi làng châu Âu, sau Lễ khai mạc Những ngày Văn học châu Âu (ngày 12/5), bà Ann Måwe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, đã dành thời gian đi dạo quanh khu vực phố đi bộ ven hồ Hoàn Kiếm, thưởng thức các hoạt động văn hóa đang diễn ra tại đây.
Trong cuộc trao đổi với Zing, bà Ann Måwe đã chia sẻ niềm đam mê của bà dành cho văn học. Bà tin rằng thông qua sách, người dân từ các quốc gia khác nhau hiểu được nhau hơn, từ đó, mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia cũng được thắt chặt.
Thông qua văn học, chúng ta hiểu về con người của nhau hơn
- Những sự kiện như Những ngày Văn học châu Âu hay Ngôi làng châu Âu có ý nghĩa như nào, thưa bà?
- Đây là khoảng thời gian rất tuyệt vời. Chúng tôi, các đại sứ từ các nước châu Âu phối hợp cùng nhau để quảng bá những tinh hoa văn hóa của các quốc gia, tạo nên bức tranh đa dạng, đa sắc màu của châu Âu.
Riêng văn hóa Thụy Điển, chúng tôi tập trung quảng bá cho âm nhạc, trò bóng sàn và tất nhiên, văn học.
- Theo bà, văn hóa nói chung và văn học nói riêng có thể củng cố mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia như thế nào?
- Tôi nghĩ rằng thông qua văn học, chúng ta hiểu về con người của nhau hơn. Từ những con chữ trên trang giấy, ta biết được cả lịch sử, cả hoàn cảnh, lối tư duy và đặc điểm văn hóa.
Tôi nghĩ Việt Nam và Thụy Điển có rất nhiều điểm chung. Thông qua văn học, chúng ta hiểu về nhau hơn.
Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe
Tôi nghĩ Việt Nam và Thụy Điển có rất nhiều điểm chung, mặc dù xét về mặt địa lý, chúng ta cách xa nhau. Tôi hiểu rằng qua vẻ bề ngoài, rất khó để thấy được những điểm tương đồng giữa Việt Nam và Thụy Điển. Nhưng cứ thử đọc văn học của hai nước, ta sẽ thấy được nhịp điệu chung trong lối sống, cách con người tương tác với nhau, cách lịch sử tác động đến xã hội chúng ta.
Tôi nghĩ rằng qua sách, ta sẽ hiểu được mối liên hệ này rõ ràng. Và dĩ nhiên, điều đó thắt chặt mối quan hệ ngoại giao, xét trên bình diện quốc gia. Xét về mặt con người nói chung, tôi nghĩ văn học sẽ đưa chúng ta lại gần nhau hơn.
- Trong những cuốn sách Thụy Điển đã được xuất bản ở Việt Nam, bà yêu thích cuốn nào nhất?
- Ôi, tôi thích nhiều lắm. Không biết nên kể về cuốn nào đây. Tôi sẽ nói về cuốn sách mà gần đây tôi đã viết lời giới thiệu cho vậy. Cuốn Phúc âm của loài Cá Chình.
Đây là một cuốn sách rất đặc biệt. Sách viết về lịch sử và tập quán của loài cá chình - một loài cá bí ẩn. Cuốn sách này cung cấp rất nhiều thông tin mới lạ và thú vị về loài cá này, nhưng hơn hết, sách kể câu chuyện về sự kết nối, về tình cha con, cách họ dành những giây phút quý giá tại nơi chốn bí mật bên dòng sông. Ta cũng được hiểu về cách những truyền thống lâu đời và các bí quyết xưa cũ được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác nữa. Đây là một cuốn sách có nhiều lớp lang ý nghĩa.
Hai bài học tôi thích nhất ở cuốn sách này là con người không thể sống trên hành tinh này mà không sống hài hòa với thiên nhiên; và để có được sự hài hòa ấy, chúng ta cần kiểm soát sự đô thị hóa, hiểu rằng con người cũng cần đến các loài động thực vật khác để tồn tại. Câu chuyện sâu lắng này lấy loài cá chình ra làm một ví dụ điển hình.
Một khía cạnh khác tôi thích là cách sách viết về mối quan hệ giữa những người đàn ông với nhau - thứ chúng ta dường như ít khi bàn đến.
Bà Ann Måwe đã viết lời giới thiệu cho ấn bản tiếng Việt của tác phẩm Phúc âm của loài Cá Chình. Ảnh: MH. |
Hàng trăm tác phẩm Việt Nam đã được dịch và xuất bản ở Thụy Điển
- Vậy còn văn học Việt Nam thì sao? Bà có tác phẩm nào yêu thích không?
- Có chứ. Tôi rất thích văn học Việt Nam. Tôi đọc các tác phẩm như Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp hay Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, một tác phẩm mà tôi cho là rất quan trọng.
- Bà có kế hoạch giới thiệu những tác phẩm này đến Thụy Điển không?
- Ở Thụy Điển, chúng tôi có nhà xuất bản đã dịch và xuất bản cả trăm tựa sách của Việt Nam. Tôi nghĩ so với các quốc gia châu Âu khác, số lượng sách mà Thụy Điển đã dịch ra từ tiếng Việt có thể coi là nhiều.
Chúng tôi xuất bản nhiều, cả truyện ngắn, tiểu thuyết lẫn thơ. Cuốn gần nhất mà tôi được cầm trên tay là tập thơ của Mai Văn Phấn, một nhà thơ quê Hải Phòng. Tôi thấy thơ ông rất hay. Đây là kiểu thơ mà tôi nghĩ người Thụy Điển có thể đồng cảm rất nhiều.
- Khi nhắc đến Thụy Điển, tôi nghĩ ngay đến giải Nobel. Bà có nghĩ văn học Việt Nam tiếp cận được Viện hàn lâm Thụy Điển?
- Tôi nghĩ Việt Nam có một số nhà văn xuất chúng. Việt Nam cũng là một quốc gia có bề dày truyền thống văn chương. Tôi nghĩ khi các nhà văn mạnh dạn vượt qua những khuôn khổ, những kỳ vọng từ xã hội, họ sẽ chứng minh được vị thế của mình.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng