“Chúng ta còn nhiều khó khăn nhưng nếu không có bước đầu tiên, không làm được gì cả. Cứ làm đi, với mục tiêu tốt đẹp của chúng ta”, ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm “Các giải pháp phối hợp đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc cho học sinh trong nhà trường và tại Đường sách TP.HCM”.
Hình thành, phát triển văn hóa đọc ở trẻ nhỏ, học sinh là một trong những trăn trở của đại diện Hội Xuất bản Việt Nam, các nhà xuất bản, công ty phát hành sách tại chương trình diễn ra ngày 12/6, tại TP.HCM, do Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam, Công ty TNHH Đường sách TP.HCM và Zing phối hợp tổ chức.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đề xuất nhiều biện pháp nâng cao văn hóa đọc cho học sinh. Ảnh: Chí Hùng. |
Sách giáo khoa chiếm 80%
Theo ông Lê Hoàng, bức tranh về người đọc ở nước ta không sáng. Sức đọc của người Việt, thói quen, văn hóa đọc của cộng đồng quá thấp. Gia đình, nhà trường chưa hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em từ nhỏ.
Ông đánh giá văn hóa đọc thấp do đa số người dân không có thói quen đọc sách. Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, 3 năm gần đây, nước ta xuất bản trên 400 triệu bản sách/năm, bình quân 4 đầu sách/người/năm. Trong đó, số lượng sách giáo khoa, giáo trình khoảng 300 triệu bản, chiếm 80%.
Như vậy, số lượng đầu sách (không tính sách giáo khoa) bình quân hàng năm chỉ ở mức một đầu sách/người.
Việt Nam cũng không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới. Trong khi đó, Đông Nam Á có 3 nước nằm trong danh sách, gồm Singapore (36), Malaysia (53), Indonesia (60).
Sức đọc kém dẫn đến bức tranh thị trường tiêu thụ sách cũng không sáng sủa. Ông Lê Hoàng thông tin một đầu sách ở nước ta in lần đầu trung bình 1.000-3.000 bản nhưng bán 1-2 năm chưa chắc hết. Vấn đề này một phần nằm ở việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ.
Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam so sánh giữa Việt Nam với Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc về số tựa sách, doanh thu từ sách hàng năm. Trong đó, nước ta có số tựa sách cao hơn hẳn nhưng doanh thu từ sách/người thấp hơn nhiều lần so với các nước còn lại.
“Rõ ràng những nước quan tâm, phát triển tốt văn hóa đọc trong học sinh, có nền văn hóa đọc tốt, hiệu quả xuất bản cao hơn nhiều lần so với Việt Nam”, ông Lê Hoàng khẳng định.
Phát triển văn hóa đọc trong học sinh
Coi trọng việc phát triển văn hóa đọc của học sinh, một năm qua, Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam - nỗ lực tác động để tạo ra chuyển biến, hình thành văn hóa đọc cho trẻ, đưa sách vào trường học.
Ông Hoàng cho rằng ở tầm vĩ mô, những nỗ lực đó tác động, hình thành, nâng cao ý thức đọc sách của trẻ, từ đó nâng sức đọc trong xã hội. Trẻ em là đối tượng độc giả lớn. Điều này thể hiện rõ trong thời kỳ dịch Covid-19 vừa qua: Khi doanh thu của Đường sách giảm 17%, hai đơn vị quan tâm bán sách cho thiếu nhi lại có doanh thu tăng 10%.
Với cách dạy học hiện nay, trẻ không cần đọc sách. Thậm chí đau đớn là sinh viên Ngữ văn không đọc tác phẩm văn chương, chỉ đọc giáo trình.
Ông Dương Thành Truyền
“Không có lợi ích nào mà không cần đầu tư. Vì thế, hội tham gia vào quá trình đầu tư. Đã đến lúc, chúng ta bắt tay cùng vào trường học”, ông Hoàng chia sẻ.
Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam - và Công ty Đường sách đã tổ chức các buổi tọa đàm, xây dựng bộ tài liệu và tổ chức tập huấn hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường tại TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hội cũng ký kết các kế hoạch liên tịch phối hợp hoạt động với sở GD&ĐT, Thành ủy, UBND các quận, tổ chức các hoạt động.
Sắp tới, văn phòng hội và Công ty Đường sách sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc trong trường học như Hội sách mini, sinh hoạt chuyên đề, giao lưu tác giả - tác phẩm, ký tặng sách, cung cấp danh mục sách cho nhà trường.
Đường sách TP.HCM cũng có hoạt động bé làm quen với luật giao thông, trải nghiệm du hành vui cùng sách, dạy và học trải nghiệm ngoài nhà trường, mừng sinh nhật cùng sách.
PGS.TS Hoàng Thị Tuyết dẫn chứng ở các trường quốc tế, mỗi ngày học sinh đều phải đọc sách. Ảnh: Chí Hùng. |
Thư viện trường cần có danh mục sách theo lứa tuổi
PGS.TS Hoàng Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và Kỹ năng sống Hướng Dương Việt - đánh giá cao lợi ích của việc mở lớp tập huấn.
Song bà cho rằng như vậy chưa đủ, đặc biệt khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể không có dấu hiệu các môn học phải có sách tham khảo.
Bà Tuyết so sánh với việc học tại các trường quốc tế - nơi mỗi ngày, học sinh đều đọc sách. Bà hy vọng học sinh sẽ tự giác, thường xuyên tìm đến sách.
Ông Dương Thành Truyền - Chủ tịch Hội đồng Thành viên NXB Trẻ - cho rằng "hết sức đáng tiếc" là giáo dục phổ thông không dạy trẻ hình thành nhu cầu, thói quen đọc sách.
“Với cách dạy học hiện nay, trẻ không cần đọc sách. Thậm chí đau đớn là sinh viên Ngữ văn không đọc tác phẩm văn chương, chỉ đọc giáo trình”, ông nói.
Ông Truyền đề xuất hàng năm, nên tuyên dương người toàn tâm ý vì sách, sự nghiệp khuyến đọc. Hội cùng các đơn vị xuất bản hỗ trợ, động viên, khuyến khích những câu lạc bộ đọc sách ngay tại trường để học sinh đóng vai trò chính, tự tìm hiểu.
Ông cũng hy vọng lập danh mục hướng dẫn đọc một cách khoa học, theo lứa tuổi.
Theo ông Truyền, thậm chí sinh viên Ngữ văn không đọc tác phẩm văn chương, chỉ đọc giáo trình. Ảnh: Chí Hùng. |
Cô Hoàng Thị Thu Hiền (cựu giáo viên Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) góp ý để khuyến khích trẻ đọc, các NXB cần biên tập sách ngắn, kèm theo tranh vẽ, phù hợp lứa tuổi.
Ông Phạm Cảnh Toàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Giáo dục Miền Nam, lại nhấn mạnh yếu tố con người. Ông đề xuất bồi dưỡng cán bộ thư viện trường học, để họ yêu nghề, yên tâm với nghề. Việc phụ huynh quan tâm, hỗ trợ con phát triển thói quen đọc sách cũng cần được quan tâm.