Vào đầu tháng 10/2022, chính phủ Mỹ đã đưa ra nhiều hạn chế mới, ngăn không cho Trung Quốc mua các chip bán dẫn tiên tiến và cả các thiết bị cần thiết để sản xuất chip.
Cụ thể, các công ty muốn bán chip bán dẫn tiên tiến cho các thực thể ở Trung Quốc cần phải trải qua quy trình cấp phép đặc biệt và khó được chấp thuận, theo Carnegie Endowment for International Peace. Cấm vận này tước đi sức mạnh tính toán mà Trung Quốc cần để đào tạo trí tuệ nhân tạo trên quy mô lớn.
Ngoài ra, Mỹ cũng mở rộng hơn nữa phạm vi cấm vận đến cả các ngành phụ trợ để ngăn cản năng lực sản xuất chip. Trung Quốc hiện không thể tiếp cận cả nhân lực Mỹ và các thành phần tạo ra các công cụ sản xuất chip đến từ hoặc có liên quan đến Mỹ. Tổ chức tư vấn chính sách Carnegie Endowment for International Peace tại Washington D.C. đánh giá đây là động thái mạnh nhất của chính phủ Mỹ cho đến nay trong việc làm suy yếu năng lực công nghệ của Trung Quốc.
Đĩa bán dẫn là một trong những vật liệu và thiết bị mà Trung Quốc sẽ khó mua được trong thời gian tới do lệnh cấm vận. Ảnh: GEP. |
2023 sẽ là thời điểm những thay đổi này thể hiện tác động, và làm xáo trộn ngành sản xuất chip, bởi ngành công nghiệp trị giá 500 tỷ USD này từ lâu đã dựa vào chuỗi cung ứng phân tán toàn cầu và các công ty liên quan tự do quyết định họ bán hàng và hợp tác với ai, theo Technology Review.
Trung Quốc sẽ đáp trả như thế nào?
Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc đã có rất ít phản ứng đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ, ngoại trừ một số tuyên bố ngoại giao và tranh chấp pháp lý đệ trình lên Tổ chức Thương mại Thế giới, cách này ít khi mang lại kết quả thực tế.
Các chuyên gia đánh giá Trung Quốc dường như không có lợi thế đủ lớn trong lĩnh vực chip để đáp trả Mỹ một cách đáng kể thông qua các hạn chế thương mại.
“Mỹ sở hữu đủ công nghệ lõi để trừng phạt những nước ở dưới trong chuỗi cung ứng, như Trung Quốc. Trung Quốc không có các công cụ để trả đũa”, John Lee, Giám đốc East West Futures Consulting, cho biết.
Tuy nhiên, Trung Quốc kiểm soát 80% công suất tinh chế các vật liệu đất hiếm, vốn rất cần thiết để sản xuất từ các thiết bị tiêu dùng hàng ngày như pin và màn hình, đến các thiết bị quân sự như một số bộ phận của máy bay chiến đấu. Hạn chế xuất khẩu các vật liệu này có thể tạo ra đòn bẩy nhất định cho Trung Quốc, chuyên gia cho biết.
Ngành chip của Trung Quốc dự kiến sẽ gặp khó khăn trong năm nay do khó nhập khẩu các thiết bị sản xuất, chẳng hạn như máy quang khắc từ ASML. Ảnh: ASML. |
Nhưng cho đến nay, Trung Quốc dường như không quan tâm đến các biện pháp này. “Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng cách tiếp cận đó sẽ gây tổn hại cho chính Trung Quốc", Chris Miller, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Tufts, cho biết.
Ngành công nghiệp chip hiện tại của Trung Quốc không thể tồn tại nếu không hợp tác với chuỗi cung ứng toàn cầu, vì vẫn phụ thuộc vào các công ty ở các quốc gia khác để có máy quang khắc và tấm bán dẫn. Vì vậy, tránh các biện pháp trả đũa hung hăng làm tệ thêm môi trường kinh doanh là chiến lược hợp lý cho Trung Quốc, theo Miller.
Thay vì đáp trả Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào việc hỗ trợ ngành công nghiệp chip trong nước. Có thông tin cho rằng Trung Quốc sẽ công bố gói hỗ trợ 143 tỷ USD cho các công ty trong nước ngay trong quý đầu tiên của năm nay.
Cách né tránh của các công ty Trung Quốc
Các công ty Trung Quốc cũng có thể sẽ tìm cách lách lệnh cấm vận. Một ví dụ mà nhà phân tích Dylan Patel từ SemiAnalysis đã chỉ ra là Biren, công ty hàng đầu của Trung Quốc về phần cứng trí tuệ nhân tạo.
Nhiều công ty Trung Quốc đang nghiên cứu và bán chip dành cho điện toán hiệu năng cao và trí tuệ nhân tạo, nhưng Biren có kiến trúc và chip tiên tiến nhất, theo Patel. Nhà phân tích này cũng cho biết một nguồn tin nội bộ Nvidia trao đổi rằng Biren là mối đe dọa lớn hơn Intel, AMD, Graphcore, trong lĩnh vực phần cứng học máy.
Biren bị cho là đã "bóp hiệu năng" chip BR100 trên giấy tờ để né tránh lệnh cấm vận từ Mỹ. Ảnh: BirenTechnology. |
"Biren đã cố gắng né tránh lệnh trừng phạt bằng cách thay đổi thông số kỹ thuật của sản phẩm", Patel cho biết. Thông số kỹ thuật trên trang web nói rằng họ cắt giảm số lượng BLink hoạt động trên chip BR100 từ 8 xuống còn 7, giảm băng thông xuống còn 576GB/giây, xuống dưới mức định nghĩa “chip tiên tiến” trong lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Bằng cách này, công ty có thể tiếp tục mua được thiết bị sản xuất chip. Nhà phân tích cũng lưu ý rằng sẽ không có cách nào để Mỹ kiểm chứng được việc Biren có thực sự cắt giảm hiệu năng chip hay không, hay chỉ là trên giấy tờ.
Có khả năng nhiều công ty cũng sẽ tìm cách lách luật để bán chip hoặc thiết bị cho Trung Quốc, nếu họ nhận thấy Mỹ không có đủ thông tin nội bộ trong ngành để thực thi các lệnh cấm vận, vì Trung Quốc là một thị trường lớn và đem lại nhiều lợi nhuận, theo Woz Ahmed, chuyên gia phân tích thị trường tại công ty thiết kế vi mạch IC EnSillica.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.