Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các trường hợp động vật chết tại vườn thú

Nhiều loài thú hoang dã tại những công viên trên thế giới chết vì những lý do khác nhau như đột quỵ, nhiễm khuẩn và do tác động của con người.

Những du khách bắt những con công ở Công viên Động vật Hoang dã tỉnh Vân Nam để chụp ảnh. Ảnh: CEN

Hành vi thiếu ý thức của con người

Theo tờ Nhân dân Nhật báo, từ hôm 12 đến 15/2, 2 con công đã chết do những hành vi thiếu ý thức của du khách tới Công viên Động vật Hoang dã tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. 

Quản lý của công viên cho hay, một số du khách đã bắt và nhổ lông, khiến chúng sợ và chết. Sau vụ việc, nhiều người tại công viên bày tỏ sự tức giận với hành vi của những vị khách.

Một trong những nhân chứng tại công viên nói với phóng viên địa phương: “Khi tôi đang nhìn những con công, tôi thấy một số người kéo lông của nó, giữ nó và chụp ảnh”.

Dù mọi người cho rằng 2 con công chết do trò đùa của du khách, một cuộc điều tra đang tiến hành để xác minh.

Công viên hiện có hơn 6.800 cá thể công đực và cái tự do dạo chơi nhằm thu hút khách du lịch với mục đích chỉ cho họ thấy con người và thiên nhiên có thể sống hoà hợp tại công viên.

Đây không phải là lần đầu tiên du khách Trung Quốc bị chỉ trích là thiếu ý thức với động vật hoang dã. Hôm 25/12, một phụ nữ tại thành phố Côn Minh đã bắt con mòng biển và tạo dáng chụp ảnh. Cô cho nó vào miệng, giả vờ ăn trong khi người bạn đồng hành chụp ảnh.

Đột quỵ 

Ju Ju là một con gorilla cái nổi tiếng tại 

Công viên Động vật Hoang dã Howletts (Anh). Ảnh: PA

Ngày 22/1, Ju Ju, một trong những con khỉ đột 54 tuổi tại Công viên Động vật Hoang dã Howletts (Anh), qua đời sau một cơn đột quỵ. Đại diện của vườn thú cho biết, nó là một trong những con gorilla quan trọng nhất của họ. Nó nổi tiếng bởi việc hát trước các bữa ăn.

Theo Daily Mail, Ju Ju từng sinh 8 đứa con và đang ở các vườn thú khác nhau tại châu Âu.

“Tất cả những ai biết Ju Ju đều sẽ nhớ đến nó, đặc biệt là Baby Doll – bạn cùng chuồng của Ju Ju”, một nhân viên vườn thú chia sẻ.

Tuổi thọ trung bình của một con khỉ đột là 35 đến 40 năm. Chú khỉ cao tuổi nhất thế giới là Jenny, chết vào năm 2008 tại vườn thú Dallas, bang Texas (Mỹ) – 55 tuổi.

Tiêm thuốc độc

Hôm 21/11 năm ngoái, các nhân viên tại San Diego Safari Park (Mỹ), đã quyết định an tử cho Nola, một con tê giác trắng cái 41 tuổi. Theo nhân viên vườn thú, con thú ngày càng yếu sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật nhỏ ở vùng xương chậu.

Nola bắt đầu sống tại vườn thú này từ năm 1989 và trở thành con vật mang tính biểu tượng, không chỉ tại San Diego Zoo Safari Park mà còn trên toàn thế giới.

Theo San Diego Zoo Global, sau khi con thú này chết, trên thế giới chỉ còn lại 3 cá thể tê giác trắng phương bắc, 2 đực và một cái. Hầu hết chúng đều quá già để có thể sinh sản.

Tê giác trắng phương bắc đã tuyệt chủng trong tự nhiên vào năm 2008, do nạn săn trộm gia tăng. Giới chức đã đưa gần 10 con tê giác trắng phương nam từ Nam Phi qua Mỹ như một phần của chương trình bảo tồn giống. Các nhà khoa học hy vọng có thể phát triển phôi thai từ tế bào tê giác trắng đông lạnh phương bắc và cấy vào tê giác trắng ở phương nam.

Nhiễm khuẩn

Khi mới sinh, Zeke chỉ cao 170 cm và nặng 54,4 kg. Ảnh: 

The Press Democrat

Zeke, một con hươu cao cổ 12 ngày tuổi, qua đời vào hôm 2/9 năm ngoái, tại Công viên Safari West, bang California, Mỹ. Aphrodite Caserta, phát ngôn viên của vườn thú, cho biết, bằng một cách nào đó, con thú này bị nhiễm trùng bên trong.

“Nó vẫn khoẻ mạnh cho đến sáng 2/9”, Marie Barbera, người chăm sóc động vật, nói với The Press Democrat.

Zeke cao 170 cm, nặng 54,4 kg khi sinh ra vào ngày 21/8. Chỉ số này thấp hơn những con hươu cao cổ sơ sinh thông thường, cao ít nhất 183 cm và nặng 68 kg.

Trường hợp thú chết ít khi xảy ra tại vườn thú này. Tháng 4/2004, Safari West cũng bắt đầu với một năm khó khăn sau khi một con hươu cao cổ mẹ mới sinh qua đời. Tuy nhiên, dưới sự chăm sóc của các nhân viên vườn thú, chú hươu cao cổ này đã sống.

Safari West có 12 cá thể hươu cao cổ, đại diện cho 2 phân loài: Masai và mặt lưới. Theo Quỹ Bảo tồn Hươu cao cổ, hươu cao cổ mặt lưới sống trong tự nhiên ít hơn Masai. Zeke thuộc phân loài mặt lưới.

Do vận chuyển

Tháng 8/2014, Joy, một chú voi châu Phi 44 tuổi, chết trên đường vận chuyển từ Vườn thú Greenville, bang South Carolina, Mỹ đến Vườn thú Cheyenne tại bang Colorado. 

Jeff Bullock, giám đốc của Vườn thú Greenville, cho hay, khoảng 23h30 tối hôm đó, một trong 2 nhân viên sở thú đi cùng Joy trong quá trình vận chuyển gọi điện và nói rằng, con voi đã chết. Trước đó khoảng 2 đến 3 tiếng, nó vẫn ổn và đang ăn cỏ.

“Chúng tôi vô cùng đau buồn trước sự mất mát này”, Jeff Bullock, giám đốc của Vườn thú Greenville, nói với WYFF.

Đại diện của vườn thú cho hay, việc thú chết khi đang vận chuyển hiếm khi xảy ra.

“Chúng tôi biết nguy cơ khi vận chuyển Joy. Nó đã quá già. Tuy nhiên, chúng tôi biết nó xứng đáng để được chăm sóc tốt hơn và chúng tôi đã cố làm như vậy. Dù các biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện, sự cố đáng tiếc vẫn xảy ra”, Bob Chastain, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Vườn thú Cheyenne, nói.

 

Những vụ dã thú tấn công người trong công viên trên thế giới

Một người đàn ông ở Ấn Độ tử vong sau khi thò tay vào chuồng hổ để chụp ảnh, trong khi sư tử tấn công một nữ du khách ở Nam Phi do cô vi phạm quy định của công viên.

Cảnh săn thú hoang tại khu bảo tồn ở Nam Phi

Ngành công nghiệp săn thú ở Nam Phi đem lại giá trị lớn với khoảng 675 triệu USD một năm, theo số liệu của Hiệp hội săn bắn chuyên nghiệp.




Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm