Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Khó nuôi dưỡng động vật hoang dã tại vườn thú VN'

Trao đổi với Zing.vn, TS Võ Đình Sơn cho biết, việc thay đổi chuồng trại, khí hậu nhiệt đới ẩm ở VN là thách thức với công tác bảo tồn động vật hoang dã.

Ảnh: Việt Tường.

TS Võ Đình Sơn là chuyên gia về thú y động vật hoang dã, giảng viên thỉnh giảng của ĐH Nông lâm TP HCM, có hơn 30 năm làm công tác bảo tồn động vật ở Thảo Cầm Viên TP HCM.

- Các loại động vật hoang dã ở vườn thú, đặc biệt là các loại thú mới nhập từ các nước khác về Việt Nam chết, thường do những nguyên nhân nào?

- Bảo tồn các cá thể động vật hoang dã là công việc chưa bao giờ dễ dàng. Trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc các động vật hoang dã ở các vườn thú luôn cho phép tỉ lệ phù hợp số lượng cá thể chết.

Động vật ở các vườn thú chết có rất nhiều nguyên nhân. Ngoài chuyện các loài động vật lớn tuổi hay mắc bệnh chết thì một số chết do bị tai nạn với rào chắn sắt, hay có trường hợp cá thể đá, cắn nhau.

Đặc biệt những loài động vật mới nhập từ nước ngoài về thường tỷ lệ chết khá cao nếu không có sự chuẩn bị, chăm sóc chu đáo do thay đổi môi trường sống, khí hậu, thức ăn. Việc thay đổi các yếu tố này khiến các loại động vật chưa thích nghi rất dễ mắc bệnh và chết.

Thức ăn cũng là một yếu tố phải ổn định, đảm bảo chất lượng, không thay đổi khẩu phần ăn đột ngột đối với các loại động vật mới mua từ các nước khác về. Việc thay đổi thức ăn cũng là nguyên nhân dẫn đến các động vật khó thích nghi dễ mắc bệnh.

- Ông đánh giá gì về công tác vận chuyển động vật từ các nước về Việt Nam?

- Trước đây khi còn làm việc ở Thảo Cầm Viên, có một số loại động vật mua ở Đức, Nga, Nam Phi… vận chuyển về Việt Nam bằng tàu thủy. Có chuyến thời gian di chuyển hơn cả một tháng với rất nhiều khó khăn.

Tuy thời gian vận chuyển được rút ngắn hơn rất nhiều nhưng việc thay đổi chuồng trại, các thủ tục xuất, nhập cảnh lâu, khí hậu thay đổi đột ngột cũng là một thách thức không nhỏ trong công tác vận chuyển.

TS Võ Đình Sơn

Các chuyên gia thú y ở nước bạn phải luôn theo sát, chăm sóc các cá thể động vật ấy trong suốt thời gian vận chuyển cũng như thời gian đầu khi về Việt Nam. Nhiều loại động vật thích nghi với khí hậu, môi trường sống khác rất nhanh, nhưng cũng có cá thể mắc bệnh ngay khi thay đổi môi trường sống.

Hiện nay, hầu hết động vật mua từ các nước, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý của hai nước đều được vận chuyển bằng máy bay chuyên dụng. Tuy thời gian vận chuyển được rút ngắn rất nhiều nhưng việc thay đổi chuồng trại, các thủ tục xuất, nhập cảnh lâu, khí hậu thay đổi đột ngột cũng là thách thức không nhỏ trong công tác vận chuyển.

Vì thế, khi mua các động vật từ nước khác, các chủ đầu tư thường thuê luôn các bác sĩ thú y, nhân viên chăm sóc động vật ở các nước sở tại trong quá trình vận chuyển cũng như giai đoạn đầu về Việt Nam để đảm bảo sự an toàn, chăm sóc tốt nhất cho cá thể động vật được mua.

- Theo ông, môi trường sống, khí hậu ở Việt Nam có ảnh hưởng gì đến các loài động vật được mua từ các nước khác?

- Khí hậu ở Việt Nam mang đặc điểm nhiệt đới ẩm gió mùa do gần xích đạo, nên khi mua các loài động vật từ các nước gần xích đạo trong khu vực như Indonesia, Malaysia thì khả năng thích nghi môi trường sống, khí hậu của các động vật khá tốt.

Với các loại mua từ châu Âu quanh năm giá lạnh như vùng phía Bắc nước Nga hay những hoang mạc nắng nóng ở châu Phi cũng có rất nhiều loài động vật thích nghi khí hậu của Việt Nam rất nhanh và sau nhiều năm vẫn sống và sinh sản các thế hệ F1 rất tốt.

Ngoài ra, với đặc thù khí hậu thất thường, hay xảy ra dịch bệnh nên cũng có khá nhiều loài động vật ở các nước sau khi về Việt Nam vài năm mắc bệnh chết.

Vì thế, việc đảm bảo các quy định, nguyên tắc trong chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như thuần dưỡng các loại động vật phải nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo sự an toàn cho nhân viên cũng như chăm sóc tốt các loại động vật, đặc biệt là động vật quí hiếm.

Hoàng Bình thực hiện

Bạn có thể quan tâm