Nhiều giải pháp, quy định đã và đang được áp dụng để yêu cầu các quốc gia phát triển kinh tế theo hướng carbon thấp, sử dụng năng lượng sạch như: Đánh thuế hàng hóa nhập khẩu dựa trên carbon; thúc đẩy thương mại hàng hóa xanh; xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch; hỗ trợ kinh tế tuần hoàn, đảm bảo các đối tác thương mại áp dụng tiêu chuẩn môi trường cao, phát thải carbon thấp...
Trong đó, hàng loạt quốc gia đã và đang tập trung vào vấn đề phát triển năng lượng sạch với các chính sách như phát triển khung pháp lý linh hoạt để thúc đẩy việc tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện quốc gia. Đồng thời, Chính phủ trợ giá, ưu đãi thuế và các chương trình tài trợ nghiên cứu phát triển...
Chiến lược trọng tâm của các quốc gia
Đức là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai kế hoạch tiến tới Net Zero vào năm 2050. Theo đó, Chính phủ Đức khuyến khích chuyển đổi sang động cơ điện, sử dụng nguồn nhiên liệu điện trong giao thông; phát triển công nghệ lưu trữ điện và nhiệt; sử dụng năng lượng tái tạo trong các tòa nhà, xây dựng và sản xuất công nghiệp.
Một trong những giải pháp quan trọng của Đức là phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Đức đặt mục tiêu tới năm 2030, năng lượng tái tạo chiếm 80% trong cơ cấu năng lượng quốc gia, song song đó tiếp tục nỗ lực chuyển đổi sang mô hình kinh tế có mức phát thải thấp hơn.
Năng lượng sạch trở thành trọng tâm của các quốc gia trên con đường đến Net Zero. Ảnh: ABB News. |
Tương tự, với Anh, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, quốc gia này đã đề ra kế hoạch sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch vào năm 2035 với việc đầu tư phát triển đồng thời năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và triển khai các biện pháp lưu trữ năng lượng nhằm hạn chế tăng giá điện trong tương lai.
Đáng chú ý, Anh đã triển khai Chương trình hỗ trợ khử carbon và tạo hydro nhằm hỗ trợ các dự án sản xuất hydro, hoặc lưu trữ carbon quy mô công nghiệp. Những ngành công nghiệp trọng tâm sẽ được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Chuyển đổi năng lượng để cải tiến công nghệ và phải đạt được Net Zero thông qua hệ thống trao đổi tín chỉ.
Trung Quốc cũng là một quốc gia đang quyết tâm để đạt mức trung hòa carbon trước năm 2060. Theo đó, Chính phủ nước này đã lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên thực hiện là điện khí hóa trong vận tải đường sắt và đường bộ; nhiên liệu sinh học, nhiên liệu tổng hợp, hydrogen, hoặc ammonia đối với vận tải hàng không và hàng hải đường dài.
Quốc gia tỷ dân này hướng tới mục tiêu hơn 85% tổng năng lượng và hơn 90% điện năng đến từ các nguồn không hóa thạch (chủ yếu là năng lượng gió, mặt trời, hạt nhân) vào năm 2050.
Với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đề ra những chiến lược quan trọng, trong đó tập trung đối với lĩnh vực năng lượng. Nước này đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió trên bờ, gió ngoài khơi...), loại bỏ dần điện than, chuyển sang sử dụng tuabin xanh trong các nhà máy điện khí tự nhiên, giảm dần công suất điện hạt nhân.
Việt Nam trên con đường phát triển năng lượng sạch
Trên hành trình đi đến Net Zero, phát triển năng lượng sạch cũng là một trong những chiến lược quan trọng, mang tính chất quyết định của Việt Nam.
Đây vừa là mục tiêu, vừa là định hướng và yêu cầu của Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực có sử dụng năng lượng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi.
Việt Nam đã có những bước triển khai rất quyết liệt, mạnh mẽ và đầy tham vọng trong thời gian qua để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
Bằng chứng là trong Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch năng lượng 893 ngày 26/7/2023 đã thể hiện rõ lộ trình cắt giảm khí nhà kính cho ngành năng lượng Việt Nam. Chính phủ ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện.
Hiện, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) - đang từng bước đầu tư và phát triển để đáp ứng mục tiêu quốc gia. Doanh nghiệp tiên phong đẩy mạnh hành trình năng lượng xanh, phát triển theo định hướng tích cực và đổi mới để tiến xa hơn trong chuyển dịch năng lượng.
Dự kiến tới năm 2030, LNG sẽ là nguồn năng lượng chiếm tỷ trọng lớn của Việt Nam. Ảnh: PV GAS. |
PV GAS là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất kinh doanh LNG tại Việt Nam, hiện đã hoàn thành và đưa vào vận hành Kho cảng LNG Thị Vải tại Khu công nghiệp Cái Mép (Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Từ giữa tháng 3 năm nay, PV GAS cũng đã chính thức triển khai cung cấp khí LNG phục vụ sản xuất công nghiệp theo mô hình kinh doanh tích hợp LPG/CNG/LNG.
Khí LNG với các ưu điểm vượt trội về hiệu quả sử dụng năng lượng, độ thân thiện với môi trường, thuận tiện trong quá trình vận chuyển và nguồn cung đảm bảo theo cam kết của PV GAS.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng LNG cũng là một hình thức để doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm, sự chung tay bảo vệ môi trường, đóng góp vào sự phát triển của đất nước và xã hội.
Trong tương lai, PV GAS còn hướng tới kinh doanh và phát triển các sản phẩm mới như LNG theo mô hình kho cảng trung tâm, các sản phẩm chế biến khí cung cấp nguyên liệu cho các tổ hợp hóa dầu, các sản phẩm năng lượng xanh hydrogen và ammonia và thu hồi carbon (CCS) từ các nguồn phát thải để đáp ứng nhu cầu trong định hướng chuyển dịch năng lượng của Việt Nam và đạt được mục tiêu Net Zero như cam kết của Thủ tướng tại COP26.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.