Tháng 11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Thực tế, những thách thức về biến đổi khí hậu đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với trách nhiệm môi trường của mọi quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Net Zero trở thành mục tiêu chung và Việt Nam không nằm ngoài nỗ lực đó.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26. Ảnh: TTXVN. |
Chính phủ khẩn trương hoàn thiện cơ chế
Là một trong những nước châu Á đặt tham vọng lớn nhất về Net Zero, ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế.
Chỉ một tháng sau hội nghị, Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai cam kết tại COP26. Đến tháng 7/2022, Thủ tướng phê duyệt Đề án triển khai COP26.
Từ đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hành động về ứng phó với biến đổi khí hậu. Nổi bật trong đó là Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia theo hướng giảm mạnh điện than, thay thế bằng năng lượng tái tạo; Tuyên bố về đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng...
Với việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm và khát vọng đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thủ tướng đã chủ trì nhiều phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết tại COP26. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Những cơ chế, chính sách cụ thể hóa cũng liên tục được ban hành và đi sâu vào thực tiễn, như Nghị định 06 quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Quyết định 01 phê duyệt danh mục các cơ sở phát thải cần kiểm kê khí nhà kính; Quyết định 148 của Thủ tướng về những giám sát liên quan đến biến đổi khí hậu...
Một trong những điểm nổi bật là Việt Nam lên kế hoạch không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030 để đảm bảo giảm dần phát thải, hướng tới trung hòa carbon theo cam kết với quốc tế.
Và dĩ nhiên, song song với quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý và những cơ chế, chính sách này, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan chức năng cũng tích cực triển khai các chương trình tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức và năng lực cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp và người dân để đảm bảo con đường đến Net Zero của Việt Nam sẽ ngày càng rộng mở.
Những doanh nghiệp tiên phong trên con đường đến Net Zero
Áp lực gia tăng từ những quy định liên quan đến môi trường ngày càng khắt khe của các quốc gia phát triển đang hối thúc Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam phải nhập cuộc nhanh chóng và mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Net Zero đang trở thành xu hướng, cuộc chơi mới mà Việt Nam không thể chậm chân hơn nữa. Trong sứ mệnh này, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò là chủ thể quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững. Từ đó, tạo ra nguồn lực góp phần giảm phát thải nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cuộc đua Net Zero không chỉ là một thách thức, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành, thể hiện cam kết của mình đối với sự phát triển bền vững và hòa nhập vào xu hướng toàn cầu của môi trường kinh doanh xanh.
Thực tế, nhiều tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp lớn đã tiên phong trong việc chuyển đổi nhận thức thành hành động cụ thể. Họ đã sớm nhận thức và nhanh chóng nghiên cứu về tác động của lượng phát thải do hoạt động kinh doanh sản xuất của mình tạo ra, từ đó lên chiến lược hành động tạo ra lợi thế cạnh tranh, để lại ấn tượng tốt đối với nhà đầu tư, cổ đông, khách hàng và các bên liên quan.
Tính đến nay, hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0, bao gồm các tập đoàn, tổng công ty như PV GAS, Vingroup, Hòa Phát, FPT, Masan..., hướng tới mục tiêu vì cộng đồng phát triển bền vững bằng những giải pháp cụ thể. Họ đầu tư vào những nguồn năng lượng mới, thực hiện giảm nhiên liệu, chuyển đổi công nghệ, tái sử dụng bao bì, sử dụng năng lượng tái tạo.
Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) là một trong những doanh nghiệp tiên phong đồng hành cùng Chính phủ thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Với vai trò là doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp khí, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã tiên phong chuyển đổi mô hình kinh doanh để đáp ứng yêu cầu thay đổi của thực tiễn và thích ứng với biến động của thị trường.
Doanh nghiệp đã xây dựng, triển khai lộ trình chuyển dịch năng lượng với những định hướng chính bao gồm nghiên cứu, áp dụng các giải pháp tiết giảm, tối ưu sử dụng năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính trong các cơ sở sản xuất.
Bên cạnh đó, Tổng công ty phát triển các dự án nhập khẩu LNG theo hình thức các "hub nhập khẩu" kết nối với các tổ hợp nhà máy điện khí và phân phối LNG cho các thị trường hiện hữu, mở rộng thị trường mới, thay thế các loại nhiên liệu than, dầu có mức phát thải cao hơn khí...
Phó tổng giám đốc PV GAS Nguyễn Phúc Tuệ cho biết cung cấp LNG cho sản xuất công nghiệp là giải pháp năng lượng mới cho thị trường, đồng thời cũng là bước ngoặt quan trọng trong hành trình năng lượng xanh của PV GAS.
“Điều này góp phần thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, hướng đến nền kinh tế carbon thấp, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050”, ông nói.
Trong định hướng dài hạn hơn, PV GAS đã bắt đầu triển khai nghiên cứu các phương hướng khả thi trong việc sản xuất và phối trộn các sản phẩm khí không phát thải như hydro xanh, amoniac xanh để sử dụng thử.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.