Một phiên đàm phán TPP giữa Mỹ và Nhật Bản. Ảnh: AFP |
Trong lần vận động các nghị sĩ thông qua quyền đàm phán nhanh (TPA) giữa tháng 6, Tổng thống Obama chỉ nhận được sự đồng thuận của 40 trong số 234 nghị sĩ đảng Dân chủ. Do vậy, những nghị sĩ đã đứng về phía tổng thống muốn ông phải đạt được kết quả đàm phán hợp lý để tiếp tục nhận sự ủng hộ của họ.
Washington tỏ ra tự tin về khả năng đạt thỏa thuận nên các quan chức Mỹ đã lên kế hoạch tổ chức cuộc họp với trưởng đoàn đàm phán các nước tại Hawaii vào những ngày cuối tháng 7, New York Times cho hay. Họ cũng thông báo với quốc hội Mỹ rằng đây sẽ là lần đàm phán cuối cùng.
"Tất cả các nước, bao gồm Mỹ, tự tin rằng cuộc đàm phán có thể kết thúc tại cuộc họp cấp bộ trưởng tới đây", Daniel Price, cố vấn kinh tế cao cấp của cựu Tổng thống George W. Bush, khẳng định.
Những tranh cãi nổi bật trong đàm phán TPP bao gồm quyền tiếp cận thị trường nông nghiệp của Canada, lo ngại của Australia về luật thành phần dược phẩm của Mỹ, thành phần xuất xứ Trung Quốc trong các sản phẩm dệt may ở Việt Nam...
Công nhân tại một nhà sản xuất giày ở Việt Nam. Ảnh: New York Times |
Tranh chấp về việc xâm nhập vào thị trường sữa và gia cầm vốn được bảo hộ rất mạnh mẽ ở Canada xảy ra gay gắt đến nỗi, một số thành viên cho rằng Canada có thể rời khỏi đàm phán. Tuy nhiên, nếu Washington tự cắt bỏ thỏa thuận với Ottawa thì Australia và New Zealand sẽ phản đối hành động này.
Mặt khác, Australia và New Zealand lại không hài lòng việc Mỹ luôn khăng khăng áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ về sáng chế. Động thái này có thể khiến việc thông qua loại thuốc bào chế theo công thức sao chép (và bán với giá thấp hơn thuốc "chính hãng") trong chương trình y tế quốc gia ở các nước này bị chậm lại.
Một trong những vấn đề khó khăn của cuộc đàm phán liên quan đến Việt Nam bao gồm khả năng quản trị các doanh nghiệp nhà nước, quyền thành lập công đoàn lao động độc lập, mong muốn giảm thuế nhập khẩu đối với đối với các mặt hàng dệt may Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc, vốn là nước không tham gia đàm phán.
Ngày 7/7, quyền Phó đại diện thương mại Mỹ Wendy Cutler đã bay đến Nhật Bản để hoàn thiện thỏa thuận song phương về việc Tokyo mở cửa thị trường nông nghiệp và ôtô của Nhật. Những nguồn tin thân tín cho biết, chính quyền Obama hài lòng với đề xuất về xuất khẩu ôtô và bộ phận xe, thịt bò, thịt lợn và thịt cá heo của Nhật Bản. Tuy nhiên, Tokyo vẫn kiên quyết bảo hộ ngành sản xuất gạo.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ và những nghiệp đoàn thúc giục ông Obama phải có lập trường cứng rắn về quyền lợi người lao động, đặc biệt như đối với Mexico. Nếu các nước không thể chứng minh họ sẽ hoàn toàn tuân thủ những quy định về công đoàn trong hiệp định, thì những điều khoản khác có thể cũng sẽ vô hiệu. Những chính trị gia ở các nền kinh tế như Nhật Bản lo lắng rằng, họ sẽ nhận hậu quả nếu ký kết một thỏa thuận không thể thực thi trong nhiều năm.
Dù còn nhiều bất đồng giữa các nước thành viên, "phần thưởng" sau khi đàm phán hoàn thành là một khu vực thương mại rộng lớn trải từ Canada, Chile đến Australia và Nhật Bản. Đây được coi là một thành tựu lớn của Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ của ông.