Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự họp cùng nguyên thủ các nước tham gia đàm phán TPP tại hội nghị APEC ở Bắc Kinh tháng 11/2014. Ảnh: Reuters |
Những lợi ích kinh tế của TPP
Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hiệp định thương mại đang trong quá trình đàm phán giữa các nước vùng Thái Bình Dương. Đến nay, 12 quốc gia đã tham gia đàm phán. TPP mở ra cơ hội để các nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nước phát triển và đang phát triển, hợp nhất thành một khối kinh tế đại diện cho khoảng 30% GDP toàn cầu.
Tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa ký thông qua Quyền đàm phán nhanh (TPA). Đây là cơ sở giúp Washington xúc tiến đàm phán với 11 quốc gia trong TPP. Sau khi hoàn thành, TPP sẽ giảm đáng kể những rào cản thương mại giữa các nước, giảm thuế quan ở những mặt hàng như sản phẩm dệt may, nông nghiệp.
Tuy nhiên, đàm phán TPP không chỉ đơn thuần xoay quanh các vấn đề thương mại. Những nước tham gia hiệp định cũng buộc phải tăng cường các tiêu chuẩn trong hệ thống luật, bao gồm luật về người lao động và môi trường chặt chẽ hơn, tạo khung pháp lý để bảo vệ những công ty dược, gia hạn các quy định về bản quyền, cải thiện các luật về đầu tư nước ngoài...
Một số nhà quan sát cho rằng, quá trình soạn thảo TPP chưa hoàn thiện. Hơn nữa, những cuộc đàm phán về các điều khoản trong TPP chủ yếu diễn ra ở các cuộc họp kín. Họ lo ngại rằng những nhóm lợi ích thân cận có thể tiếp cận nhiều thông tin hơn công chúng.
Vì sao quá trình đàm phán TPP phức tạp?
Những hiệp định thương mại trong quá khứ chủ yếu nhằm mục tiêu giảm thiểu rào cản thương mại, như thuế quan hoặc áp đặt hạn ngạch. Tuy nhiên, các thỏa thuận mậu dịch ngày nay đòi hỏi nhiều hơn thế.
Bước ngoặt trong đàm phán giao thương quốc tế là thời điểm Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra đời năm 1994. WTO thiết lập nhiều cơ chế mới và mạnh mẽ để giải quyết những tranh chấp thương mại. Khi một quốc gia khẳng định nước đối tác vi phạm cam kết, họ có thể đưa vấn đề ra ủy ban của WTO để yêu cầu xử lý.
Nếu Ủy ban đồng tình với nước khởi kiện, WTO có thể áp đặt trừng phạt thương mại để buộc nước bị kiện phải tuân thủ các điều khoản. TPP cũng có cơ chế giải quyết tranh chấp tương tự như WTO. Do vậy, nhiều nhóm lợi ích đang cố gắng đưa những vấn đề quan trọng đối với họ vào hiệp ước.
Theo kế hoạch, TPP có thể sẽ bao gồm rất nhiều vấn đề, như quy định quản lý ngành dược, các ngành công nghiệp nhà nước, đầu tư nước ngoài, quyền lợi người lao động, bảo vệ môi trường, thu mua công vụ, thương mại điện tử. Các nước từng nêu một số vấn đề trong các thỏa thuận riêng lẻ, tuy nhiên, việc đưa chúng vào một thỏa thuận thương mại sẽ buộc các quốc gia phải tuân thủ cam kết hơn.
Câu hỏi phức tạp mà các nhà đàm phán cần vượt qua trong những cuộc họp kín là, những thị trường nào, ở từng quốc gia cụ thể nào, sẽ phải mở cửa.
Nông nghiệp là một trong những thị trường nhạy cảm nhất đối với các nước đang tham gia đàm phán TPP, bao gồm Mỹ và Nhật Bản. Mỹ đặt rất nhiều rất nhiều rào cản thương mại đối với những sản phẩm đường.
Trong khi đó, Nhật Bản bảo hộ những sản phẩm gồm thịt lợn, thịt bò và gạo. Nếu TPP dỡ bỏ (hoặc giảm thiểu) những rào cản này, người tiêu dùng Mỹ sẽ có cơ hội mua đường hoặc sản phẩm có đường với giá rẻ hơn, đồng thời mở rộng cơ hội xuất khẩu thịt lợn hoặc thịt bò cho các nông trại nước này.
Mỗi ngành sẽ có quan điểm khác nhau về mức độ tự do hóa thị trường. Những nhà sản xuất các loại thịt và sữa ở Mỹ muốn Nhật Bản mở cửa cho các mặt hàng này. Đổi lại, Mỹ cũng sẽ phải tạo điều kiện tiếp cận thị trường tương tự cho các nông trại từ Nhật Bản.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất đường (vốn được bảo hộ rất mạnh tại Mỹ) phản đối việc dỡ bỏ các rào cản. Trong khi đó, những công ty sản xuất bánh, kẹo và những sản phẩm có đường chắc chắn sẽ hưởng lợi nếu giá đường giảm đi. Do vậy, họ ủng hộ các biện pháp tự do hóa thị trường.
Hãng tin Jiji Press cho biết, Tokyo và Washington sẽ tiếp tục những cuộc đàm phán TPP từ ngày 9/7. Hai bên sẽ nỗ lực tìm tiếng nói chung cho các bất đồng như hàng rào thuế quan của mặt hàng gạo, ôtô và nông sản. Thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định TPP chính là động cơ kích thích những cải cách cần thiết để vực dậy tăng trưởng cho nền kinh tế.
Kết quả đàm phán giữa Mỹ và Nhật Bản ảnh hưởng rất quan trọng đến cuộc đàm phán chung về TPP do đây là hai nền kinh tế lớn nhất. Do vậy, hai bên muốn nhanh chóng đạt thỏa thuận trước khi cuộc họp Bộ trưởng Thương mại của 12 nước sẽ diễn ra vào cuối tháng này nhằm chính thức thông qua những thỏa thuận rộng lớn hơn.