Quan chức cấp cao Mỹ đón chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VOV |
- Ông đánh giá thế nào về chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, 6-10/7?
- Đây là chuyến thăm rất quan trọng, cho thấy hai nước đã tiến xa thế nào trong 20 năm qua để bình thường hoá quan hệ trên mọi cấp độ, từ chính trị tới quân sự và kinh tế. Chuyến công du là bước tiến lớn khác mà hai bên tính toán kể từ khi cuộc chiến kết thúc. Chắc chắn chuyến thăm của nhà lãnh đạo cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam là điều không tưởng cách đây 5 năm.
- Có thể chờ đợi gì từ chuyến thăm này?
- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ gặp Tổng thống Barack Obama ở Nhà Trắng. Điều quan trọng là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ chứng kiến ít nhất một thoả thuận thương mại (thoả thuận với Boeing) - biểu tượng cho những lợi ích từ Hiệp định TPP.
Phía Mỹ sẽ muốn nghe Tổng bí thư nói về vấn đề lao động trong TPP vì đó là dấu hiệu cho thấy liệu Việt Nam có thể hoàn tất đàm phán hay không. Nếu nhà lãnh đạo Đảng công bố ý định của Việt Nam liên quan tới vấn đề nhân quyền thì đây là diễn biến hữu ích, bởi nó giúp cho quá trình thông qua TPP ở Quốc hội Mỹ trở nên dễ hơn.
- Khi trả lời báo giới quốc tế, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói ông chờ đợi cuộc trao đổi cởi mở thẳng thắn với “một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam”. Ông nghĩ sao về thông điệp ấy?
- Đây là dấu hiệu Việt Nam đang muốn thúc đẩy quan hệ với Washington như là cách để đảm bảo họ có thể duy trì chính sách đối ngoại độc lập trong bối cảnh phức tạp ở Biển Đông.
Ông Murray Hiebert, Phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại CSIS (Washington DC, Mỹ). Ảnh: CSIS |
- Thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố tại đối thoại Shangri-la rằng Mỹ sẽ nới lỏng hơn nữa cấm vận vũ khí với Việt Nam. Có thể chờ đợi gì về tăng cường hợp tác quân sự trong chuyến thăm?
- Theo ý tôi, ông McCain nói rằng chính quyền nên tiến hành thêm các biện pháp để gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Tôi nghĩ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Obama sẽ thảo luận về thúc đẩy thêm quan hệ hợp tác và trao đổi quân sự. Nhưng tôi không chắc Mỹ sẽ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí trong chuyến thăm.
9 tháng đã trôi qua từ khi Mỹ gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận nhưng Việt Nam vẫn chưa mua thêm vũ khí. Mỹ cũng sẽ cân nhắc mức độ quan tâm của Việt Nam trong việc bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận, bởi có lẽ họ e ngại đó chỉ đơn thuần là hành động mang tính hình thức.
- Theo ông, Mỹ đặt họ vào vị trí nào trong quan hệ Mỹ-Trung-Việt trong tương lai?
- Mỹ có mối quan hệ sâu sắc và quan trọng với Bắc Kinh trên nhiều tầng nấc và cần Trung Quốc hợp tác trong nhiều vấn đề quốc tế, bao gồm đàm phán biến đổi khí hậu và mối đe doạ từ CHDCND Triều Tiên.
Mặc dù vậy, Washington đang thách thức thái độ gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và yêu cầu Bắc Kinh duy trì quyền tự do hàng hải, giải quyết mâu thuẫn với Việt Nam và Philippines một cách hoà bình. Washington muốn giúp các nước Đông Nam Á tăng cường khả năng theo dõi của hải quân để biết rõ từng hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.
- Trong chuyến thăm Mỹ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có cuộc gặp với ông bà Clinton ở New York. Ý nghĩa của cuộc gặp này là gì?
- Cuộc gặp với nhà Clinton có giá trị biểu tượng to lớn vì Tổng thống Clinton là người bình thường hoá quan hệ hai nước cách đây 20 năm. Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton đã chỉ trích công khai Trung Quốc kể từ năm 2010 tại Hà Nội vì các hành vi gây hấn ngoài Biển Đông. Đây cũng là dịp quan trọng để Tổng bí thư gặp bà Clinton vì bà đang có cơ hội lớn để trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ và có thể trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á của CSIS, cho biết: Chuyến thăm đầu tiên của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là bước tiến đáng hoan nghênh. Nó cho thấy Mỹ và Việt Nam ngày càng có lợi ích chung và mối quan hệ song phương tốt hơn sẽ có lợi cho cả hai nước.